Bánh lòng ngày Tết

19/02/2018 16:20

Loại bánh này được xem là đặc sản truyền thống của người dân Kinh Môn mỗi độ Tết đến xuân về.

  Bánh lòng được làm từ đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn nên có vị thơm ngon khác lạ

 Mỗi độ Tết đến xuân về, trên mâm lễ vật dâng cúng trời đất, gia tiên hay bày trong mâm bánh kẹo để tiếp đãi khách quý của người dân Kinh Môn không chỉ có bánh chưng mà còn có cả bánh lòng.

Làng Huề Trì, xã An Phụ được xem là cái “nôi” của món bánh lòng Kinh Môn bởi cả làng hầu như nhà nào cũng biết làm món này rất ngon. Bà Mạc Thị Phương, ở thôn Huề Trì cho biết: “Ngay từ nhỏ, khi sống cùng bố mẹ ở nhà cô đã được dạy cách làm bánh lòng. Sau khi đi lấy chồng, cả 2 vợ chồng đều biết nghề nên Tết nào cũng làm để thắp hương ông bà, tổ tiên và mời khách khi đến nhà”. Những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường mà mỗi dịp Tết gia đình bà Phương còn làm bánh lòng để bán. Từ độ 20 tháng chạp, cả nhà với 6 nhân lực đã tất bật làm bánh. Trung bình mỗi ngày gia đình bà Phương làm từ 70 – 80 kg bánh lòng. Ngày cao điểm làm đến 1,2 tạ bánh. Không biết nghề làm bánh lòng có từ bao giờ nhưng từ đời ông bà, đến con cháu trong gia đình bà Phương đều thông thạo nghề này.

Bánh lòng được làm từ những nguyên liệu chính: gạo nếp cái hoa vàng, đường, lạc, vừng, mứt dừa. Khâu chuẩn bị nguyên liệu thì việc nổ bỏng và cô đường là vất vả nhất. Gạo nếp cái hoa vàng đem nổ thành bỏng rồi giã (hoặc nghiền) nhỏ, mịn. Đường trắng đem cô thành mật, đường cô càng kỹ, bánh sau này sẽ càng chắc, thơm và để được lâu. Lạc rang bỏ vỏ, vừng rang thơm, gừng giã lấy nước, mứt dừa. Tất cả cho vào nồi đường đảo thật nhanh và đều tay cho đến khi bánh nhuyễn, se mặt, đem đổ vào khuôn gỗ để ép.

Mẻ bánh ngon khuôn bánh phải chặt, các nguyên liệu quện đều, mềm, dẻo, không bị vón cục, không quá rắn và cũng không bị nhão. Có rất nhiều người nhìn qua cứ ngỡ bánh lòng giống như các loại bánh cáy, chè lam. Nhưng khi thưởng thức đều cảm nhận vị ngon đặc trưng của bánh: mùi thơm, béo ngậy từ gạo nếp cái hoa vàng đặc sản Kinh Môn, của lạc, của vừng, vị cay của gừng và độ ngọt vừa phải từ đường, mứt. Do làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, không có chất bảo quản nên bánh lòng chỉ để được khoảng 10 ngày. Ngon nhất vẫn là khi vừa làm xong, thưởng thức bánh mới bên ấm trà nóng.

Cũng bởi vị thơm ngon đặc trưng mà bánh lòng Kinh Môn dần được nhiều người biết đến. Rất nhiều du khách thập phương khi về trẩy hội, du xuân tại quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn) đều chọn mua bánh lòng làm quà biếu người thân.

Những năm gần đây, tại lễ hội mùa xuân và lễ hội truyền thống khu di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, huyện Kinh Môn đều tổ chức hội thi làm bánh lòng. Những chiếc bánh thơm ngon được ban tổ chức dâng lên làm lễ để cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đồng thời cũng là dịp để quảng bá đến du khách gần xa về đặc sản truyền thống của quê hương.

THU XUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bánh lòng ngày Tết