Võ tướng Trần Công Hiến: Vị trấn thủ đầu triều Nguyễn ở tỉnh Đông

10/11/2019 09:06

Trần Công Hiến để lại cho Hải Dương nhiều kỳ tích trong việc an dân trị nước, phát triển kinh tế - văn hóa, khoa học giáo dục cho đến tận cuối đời...

Ghi nhớ công ơn trấn thủ Trần Công Hiến, nhân dân lập miếu thờ ông tại thôn Đôn Thư, xã Đồng Quang (Gia Lộc)

Là người Quảng Ngãi, được cử ra trấn thủ ở trấn Hải An (Hải Dương nay), Trần Công Hiến tạo nên nhiều kỳ tích trong việc an dân trị nước, phát triển kinh tế - văn hóa, khoa học giáo dục cho mảnh đất xứ Đông.

Trần Công Hiến sinh quán ở làng Vạn An (tổng Trung, huyện Chương Nghĩa, nay thuộc xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi). Là người con của một gia đình Nho học ở vùng đất võ, lớn lên trong cảnh loạn ly nên ông xếp bút nghiên theo đường võ nghiệp.

Ông đã lập nhiều công trạng, được vua Gia Long phong làm Trung quân Chính thống Hậu đồn, kiêm lý Ngũ đồn. Là nhân vật quan trọng trong bộ tướng tham mưu triều Nguyễn, ông được phong Khâm sai Chưởng cơ.

Vào năm Nhâm Tuất (1802), Trần Công Hiến được cử đi trấn thủ Hải An tức Hải Dương - Quảng Yên, tước Ân Quang Hầu. Ông được đánh giá là một trong số ít các vị tướng đứng đầu trấn Hải An cuối thời Hậu Lê đầu triều Nguyễn với số năm giữ chức khá lâu (15 năm). Khi còn đang tại vị ở lỵ sở Hải An, ông được lệnh di dời từ lỵ sở cũ trên đất Mao Điền (Cẩm Giàng) về vùng đất mới.

Ông cùng tùy tùng đi khảo sát, phát hiện xã Hàn Giang, tổng Hàn Giang, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương có tiềm năng hơn hẳn bản doanh Mao Điền và quyết định xây dựng trấn thành tại đây vào năm Gia Long thứ 2 (Giáp Tý 1804).

Địa giới, đất đai sông ngòi tổng Hàn Giang khi ấy gồm 6 xã Hàn Giang, Hàn Thượng, Bằng Lao, Bằng Lâu, Đàm Lộc và Thanh Cương.

Tất cả các xã với số dân thưa vắng nằm quanh trấn thành và bám theo các con sông, con kênh, sinh sống bằng chuyên canh lúa nước và đánh bắt cá. Sau ít năm khẩn trương xây dựng, nơi đây đã hoàn thiện thành lũy, dinh thự quan quân, nơi làm việc, nơi ăn chốn ở của các quan phụ thuộc cùng binh lính bảo vệ.

Để phục vụ hậu cần cho bộ phận này, ở ngoại thành mọc lên một cái chợ gọi là "Chợ Con" với lương thực thực phẩm cùng các vật dụng thiết yếu đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của quan quân trong thành.

Rồi từ đó cái chợ phình ra, cư dân đông đúc thêm, việc đi lại giao lưu trên bến dưới thuyền tấp nập vào bậc nhất xứ Đông đương thời. Để bảo đảm ngoài thành có chợ văn minh hơn, ông cho quy hoạch chợ thành phố. Thời này Hải Dương bắt đầu có thành nằm kề bên phố và thành tránh được cái chơ vơ như thuở ban đầu.

Ông thường xuyên lo toan đời sống mùa màng và điền địa ở thôn quê, cấp đất cho dân nhiều nơi, trong đó có dân làng Đôn Thư, tổng Hậu Bổng, huyện Gia Lộc (nay là thôn Đôn Thư, xã Đồng Quang, Gia Lộc) kèm theo một vạn quan tiền mua sắm nông cụ sản xuất và chăn nuôi. 

Ngoài võ công hiển hách, trị dân thuần đức, Trần Công Hiến còn là nhân vật giàu trí thức văn hóa, ham mê giữ gìn và phát triển tinh hoa kim cổ nước nhà, trong đó có văn hóa xứ Đông.

Ông có vốn văn học từ nhỏ nhưng không qua đường khoa bảng mà vẫn mang cái chí đứng ra khích lệ con dân Hải Dương học hành, tổ chức biên soạn, biên tập và in sách. Ông lập ra Hải Học đường là cơ sở ấn loát đầu tiên ở tỉnh Hải Dương nói riêng và là nhà in hiếm hoi của cả nước nói chung. Việc thành lập ra nhà in đã giúp lưu giữ những tác phẩm văn sử học có giá trị. 

Dưới sự bảo trợ, khuyến khích và trực tiếp tham gia của Trần Công Hiến, đồng thời được giới nhân sĩ, khoa bảng ủng hộ nhiệt thành, Hải Học đường đã sưu tầm, khảo cứu và khắc in nhiều bản văn quý. Điển hình là: Danh thi hợp tuyển, Lịch đại sách lược, Danh văn tinh tuyển, Ứng chế tứ lục tuyển, Hải Dương phong vật chí…

Nhiều tác phẩm của Dương Bật Trạc, Đồng Doãn Giai, Phạm Quý Thích, Phan Huy Ích, Phạm Nguyễn Du, Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm… còn lưu lại đến ngày nay là nhờ công rất lớn của nhóm sưu tầm, biên khảo Hải Học đường.

Trần Công Hiến để lại cho Hải Dương nhiều kỳ tích trong việc an dân trị nước, phát triển kinh tế - văn hóa, khoa học giáo dục cho đến tận cuối đời và trút hơi thở cuối cùng tại trấn thành Hải Dương.

Bia và mộ ông đặt vào năm 1817 tại xã Bình Dương, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) với tiêu đề gồm một dòng ngang và năm hàng dọc. Dòng ngang gồm 2 chữ Hán đọc từ trái sang phải: "Hoàng Việt", nghĩa là "Vua nước Việt". 5 hàng dọc: Dòng thứ nhất đọc từ trái sang phải khắc chữ triện; bốn dòng còn lại tạc chữ chân, nét sâu chữ đẹp rất hài hòa.

Dịch nghĩa như sau: "Hoàng triều nước Việt. Lập bia vào ngày mùa thu năm Đinh Sửu (1817). Mộ của Trần phủ Trung quân, tên thụy là Cương Nghị, tước Ân Quang Hầu được tặng Tráng liệt công thần Vũ huân tướng quân, giữ chức Chính thống hậu đồn tham dự việc quân làm Khâm sai Chưởng Cơ, hành Trấn thủ trấn Hải Dương. Con nối dõi là Trung công coi việc thờ tự".

Văn bia gợi cho ta chú ý hàng chữ triện thư phiên âm là: "Tuế tại cương ngũ xích phấn nhược" trong khi nghiên cứu dòng chữ này và đối chiếu với hàng can chi trong "Nhĩ nhã" và "Sử ký" thì "cương ngữ" tương ứng với chi Đinh và Xích, "phấn nhược" tương ứng với can Sửu.

Từ đây suy ra năm mất của ông là Đinh Sửu (1817). Lại nói về mùa thu như trong bia mô tả là nói đến bốn tiết trong năm gồm xuân, hạ, thu, đông ở nước ta, trong đó mỗi tiết có ba tháng thì tiết thu vào các tháng 7, 8, 9 âm lịch hằng năm.

Qua đó ta thấy ngày tháng lập bia cho ông vào một trong ba tháng của mùa thu. Việc giải mã được tấm bia này là góp phần đưa ra một thông tin chính xác về năm mất của ông, tránh được những ý kiến sai lệch về năm mất của ông mà lâu nay thường truyền.

Tên tuổi của Trần Công Hiến đã được lịch sử tôn vinh trong nhiều cuốn sách như một danh nhân văn hóa, đồng thời là nhà "Hải Dương địa phương học". Hiện nay, ở TP Hải Dương đã có con đường mang tên ông ở phường Bình Hàn. Ở làng Đôn Thư, xã Đồng Quang (Gia Lộc) có miếu thờ, cứ vào ngày sinh của ông 21.4, ngày mất 12.9 âm lịch thì cử hành tế lễ.

NGUYỄN QUỐC VĂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Võ tướng Trần Công Hiến: Vị trấn thủ đầu triều Nguyễn ở tỉnh Đông