Nguyễn Dữ và tác phẩm bất hủ Truyền kỳ mạn lục

04/07/2009 08:32

Nguyễn Dữ là con trai Nguyễn Tường Phiên, đỗ tiến sĩ năm Hồng Đức thứ27 đời Lê Thánh Tông (1496), làm quan tới chức Thừa chánh sứ, sau khimất, được phong chức Thượng thư và được phong làm Phúc thần.

Nguyễn Dữ, người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân xưa, nay là thôn Đỗ Lâm, xã Phạm Kha (Thanh Miện). Chưa rõ ông sinh và mất năm nào. Nhưng căn cứ vào tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của ông và bài tựa của Hà Thiện Hán viết năm Vĩnh Định thứ nhất đời Mạc Phúc Nguyên (1574) cùng những ghi chép của Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục, ta có thể khẳng định, Nguyễn Dữ là người cùng thời với Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585).

Từ nhỏ, Nguyễn Dữ đã ham học, học giỏi, đọc rộng, nhớ nhiều và đã ôm ấp lý tưởng hành đạo. Ông đã đi thi Hương, đỗ cử nhân; rồi đi thi Hội, đạt trúng trường và được bổ làm tri huyện Thanh Tuyền, nay là huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhưng chỉ được một năm, Nguyễn Dữ từ quan về quê phụng dưỡng mẹ, ẩn cư nơi thôn dã, không hề bước chân trở lại chốn thị thành. Chính thời gian mấy mươi năm xa rời cảnh bon chen, ông dồn tâm sức vào viết sách và đã để lại một tác phẩm bất hủ cho văn chương Việt Nam: Truyền kỳ mạn lục. Tác phẩm văn chương kỳ lạ này ngay từ khi ông hoàn thành đã được người đương thời trân trọng đón nhận. Hà Thiện Hán, một danh nho cùng thời với Nguyễn Dữ đã viết bài tựa và một người cùng thời khác là Nguyễn Thế Nghi đã dịch Truyền kỳ mạn lục ra văn Nôm. Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống văn chương nước nhà đương thời cũng như văn chương các thế kỷ nối tiếp. Nhiều danh sĩ ở thế kỷ XVI và thế kỷ XVII đã bình phẩm, hết lời ngợi ca cái hay, cái lạ của bút lực Nguyễn Dữ. Sang thế kỷ XVIII, Vũ Khâm Lân, một tác gia lớn, đã đánh giá Truyền kỳ mạn lục là "Thiên cổ kỳ bút".

Truyền kỳ là một loại hình văn học, thường được gọi là văn ngôn đoản thiên tiểu thuyết, hoặc đoản thiên tiểu thuyết, cổ điển tiểu thuyết, xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối triều Tùy (581-618). Đến đời Đường (618-907), văn chương truyền kỳ phát triển mạnh mẽ. Truyện truyền kỳ có đặc điểm là nhiều tình tiết mang tính thần dị, lạ kỳ, bắt nguồn từ loại truyện chí  quái thời Lục triều. Loại hình truyền kỳ có vị trí quan trọng trong lịch sử văn học Trung Quốc.

Ở nước ta, loại hình văn học truyền kỳ xuất hiện đầu tiên là tác phẩm Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, đời Trần. Tiếp theo là Lĩnh nam chích quái của Trần Thế Pháp, thế kỷ thứ XV. Tập Thánh Tông di thảo gồm 19 truyện của Lê Thánh Tông là những truyện truyền kỳ khá đặc sắc và đậm đà bản sắc Việt Nam, đặc biệt là nhiều truyện mang tính ngụ ngôn. Nếu Thánh Tông di thảo là tác phẩm văn chương truyền kỳ đánh dấu mốc quan trọng về sự trưởng thành của văn chương Việt Nam viết bằng chữ Hán thế kỷ XV thì sang thế kỷ thứ XVI, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ là một thành tựu thật to lớn của văn chương nước nhà. Và văn chương truyền kỳ của Nguyễn Dữ đã trở thành mẫu mực về thể loại này của Việt Nam kể từ khi nó ra đời cho đến các đời sau.

Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ kể về nhiều nhân vật, nhiều sự kiện kỳ lạ xảy ra từ thời Lý, Trần, Hồ và thời Lê sơ. Với một tầm hiểu biết sâu sắc về con người, về cuộc sống và trí tưởng tượng phong phú, một bút pháp linh hoạt, Nguyễn Dữ dẫn người đọc vào một thế giới huyền bí, lạ lùng, vừa có người, vừa có thần. Xuyên qua lớp mù kỳ dị, linh ảo mà Nguyễn Dữ tạo ra một cách tài tình, ông khiến người đọc nhận rõ cái thế giới thực của đời sống con người,  trong đó có nhiều kẻ quyền thế, độc ác, đồi bại. Đó chính là những hình ảnh của xã hội mà Nguyễn Dữ đang sống, cái xã hội phong kiến vào thời kỳ suy yếu, mục ruỗng. Tuy vậy, giữa xã hội mà cái xấu, các ác tác yêu, tác quái, Nguyễn Dữ vẫn nhìn rõ những phẩm giá đầy tình yêu thương, cái chân, cái thiện vĩnh hằng trong dân chúng và ông đã miêu tả với tất cả tấm lòng đẹp đẽ nhất của mình.

Trong Truyền kỳ mạn lục gồm 20 truyện, tất cả đều thể hiện thật rõ ràng thái độ nhân sinh, ý tưởng đạo đức, quan điểm chính trị của Nguyễn Dữ. Ở cuối mỗi truyện, ông đều có một lời bình. Mỗi lời bình hầu như là một sự tổng kết mang ý nghĩa triết lý do Nguyễn Dữ đúc rút từ những suy ngẫm của ông về truyện đời, về tất cả buồn, vui, sướng, khổ của con người. Như trong truyện Chức phán sự điền Tản Viên, kể về Ngô Tử Văn cương trực "thấy sự gian tà không chịu được", đã không khuất phục trước quyền uy, Nguyễn Dữ  bình về nhân cách kẻ sĩ: "Than ôi, người ta vẫn nói cứng quá thì gẫy. Nhưng kẻ sĩ chỉ lo không cứng được, còn gẫy hay không là việc của trời. Sao lại đoán trước sẽ gẫy mà chịu đổi cứng ra mềm?...". Trong lời bình truyện Đối đáp của người tiều phu núi Nưa, Nguyễn Dữ như muốn mượn truyện nhà Hồ để nói nên cái đạo trị nước mà các bậc vua chúa phải hiểu: "Bậc làm vua chúa cần lấy việc giữ ngay lòng mình để làm cái gốc chính cho triều đình; cần sửa cho trăm quan ngay thẳng, sửa cho muôn dân ngay thẳng, đừng để các kẻ ẩn dật nơi rừng núi phải bàn ra, nói vào, là tốt hơn cả".

Có thể nói trong Truyền kỳ mạn lục, Nguyễn Dữ đã vượt ra khỏi sự gò bó, khắt khe, đầy hạn chế của ý thức hệ đương thời. Vì vậy, văn chương của ông trở nên khoáng đạt, rộng rãi, nhất là khi ông viết về tình yêu nam nữ. Nguyễn Dữ tỏ ra rất táo bạo, phóng túng khi viết về những mối tình si mê, đắm đuối. Truyện của ông hấp dẫn người đọc chính vì ông đã biểu đạt vừa táo bạo, vừa sâu sắc cả sự đam mê, lòng hân hoan, nỗi đau thương của cuộc sống con người. Nghệ thuật dựng truyện, xây dựng nhân vật của Nguyễn Dữ đã vượt xa các tác giả trước ông vốn ít chú trọng đến đời sống riêng tư, ít chú trọng đến tính cách nhân vật. Đó chính là giá trị to lớn của Truyền kỳ mạn lục, là đóng góp không nhỏ của Nguyễn Dữ vào quá trình phát triển của văn học nước nhà.

THANH GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguyễn Dữ và tác phẩm bất hủ Truyền kỳ mạn lục