Nghệ nhân gốm sứ Đặng Huyền Thông là ai?

23/05/2020 07:00

Nằm ven sông Thái Bình, đền thờ nghệ nhân gốm sứ mỹ nghệ nổi tiếng Đặng Huyền Thông là niềm tự hào của người dân thôn Hùng Thắng nói riêng và xã Minh Tân (Nam Sách) nói chung.


Đền thờ nghệ nhân gốm sứ mỹ nghệ nổi tiếng Đặng Huyền Thông ở thôn Hùng Thắng, xã Minh Tân (Nam Sách)

Với giá trị lịch sử, văn hóa trải qua nhiều thế kỷ, ngôi đền đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2004.

Đặng Huyền Thông tên thật là Đặng Mậu Nghiệp, tự là Huyền Thông. Ông quê gốc ở thôn Đào Xá, xã Đào Dương, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, sau di cư tới thôn Cổ Phường, xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (nay thuộc thôn Hùng Thắng, xã Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Thời nhà Mạc, ông cùng dân làng xây lò, nung gốm, biến làng thành một điểm phụ sản xuất của trung tâm gốm Chu Đậu. 

Ông đã để lại những tác phẩm gốm quý, gồm những chân đèn với các thớt vẽ men màu lam, rồng đắp nổi, trang trí rậm, được coi là điển hình cho quan điểm thẩm mỹ thời Mạc.

Với tài năng của mình, đương thời ông đã có những cống hiến quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ nghề sản xuất gốm sứ truyền thống Việt Nam.  

Những sản phẩm gốm mà ông sáng tạo ra không chỉ nổi tiếng khắp cả nước mà còn vươn ra thế giới, có mặt tại các nước như Canada, Úc, Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ...

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, sau khi phát hiện ra gia phả họ Đặng và qua các cuộc khai quật khảo cổ học tại Chu Đậu đã tìm ra các sản phẩm gốm cổ thời Lê - Mạc có chữ ký của nghệ nhân Đặng Huyền Thông nên người dân trong làng công đức thêm tiền của xây đền thờ ông. Đền được làm trên đất nền đình cũ theo hướng tây nam tại trung tâm làng Hùng Thắng. Các năm 1997 và 1999, đền được nhân dân tiếp tục tôn tạo, tu bổ thành ngôi đền khang trang, khuôn viên thoáng rộng.

Hiện công trình có kiến trúc “tiền nhất, hậu đinh” gồm 5 gian nhà tiền tế, 3 gian trung từ và 1 gian hậu cung xây bít đốc bổ trụ. Trên bờ nóc nhà tiền tế là hình “lưỡng long chầu nguyệt”, mái lợp ngói mũi truyền thống. Bên phải sân có hơn chục tấm bia ghi tên những người công đức xây đền. Phía trước đền có hồ nước trong mát tạo cảnh quan yên bình và trầm mặc cho di tích. Hệ thống tam quan và tường bao chắc chắn chống sự xâm hại từ bên ngoài.

Hàng năm, người dân địa phương lấy ngày 10.2 âm lịch là ngày lễ hội truyền thống của thôn Hùng Thắng. Trong lễ hội có tổ chức dâng hương, tế lễ, trưng bày các tác phẩm gốm quý do nghệ nhân Đặng Huyền Thông sáng tạo và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ khác như đi thuyền hát quan họ dưới hồ trước cửa đình, thi đấu bóng chuyền hơi, bóng bàn, cờ tướng...

Lễ hội không những là nét sinh hoạt văn hóa đậm chất Bắc Bộ mà còn giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ hướng về nguồn cội, ghi nhớ công lao của một nghệ nhân tài hoa đã giúp nghề gốm Việt phát triển rực rỡ một thời.

THẬP NHẤT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ nhân gốm sứ Đặng Huyền Thông là ai?