Một điểm cần tiếp tục làm rõ về danh nhân Đỗ Quang

12/08/2012 08:21

Dù danh nhân Đỗ Quang có phải hay không phải là thành hoàng làng Phương Điếm thì với công lao của mình, ông vẫn là niềm tự hào của nhân dân Hải Dương.





Đình Phương Điếm (Gia Lộc). Ảnh: Minh Mẫn


Sau khi đăng bài viết "Đỗ Quang, tấm gương sáng về lòng yêu nước của kẻ sĩ" của tác giả Nam Hà trên báo Hải Dương cuối tuần ngày 22-7-2012, Báo Hải Dương nhận được phản hồi của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lộc, ông Trần Quốc Thả, Phó Trưởng ban Quản lý di tích đình Phương Điếm và một số ý kiến cho rằng thông tin: "Nhân dân Phương Điếm kính trọng tài đức của Đỗ Quang đã tôn ông là thành hoàng làng, lập bài vị thờ ông tại đình làng bên cạnh An Nghĩa Đại vương Nguyễn Chế Nghĩa" là không đúng sự thật, gây bức xúc trong nhân dân thôn Phương Điếm.

Phóng viên Báo Hải Dương đã tìm hiểu hồ sơ lý lịch đình Phương Điếm đang được lưu tại Bảo tàng tỉnh, tham khảo ý kiến của các ngành chức năng, của nhân dân thôn Phương Điếm và một số tài liệu liên quan.

Trước hết, theo "Lý lịch di tích đình Phương Điếm" do Sở Văn hóa - Thông tin Hải Hưng lập, thì đình Phương Điếm, xã Phương Hưng, huyện Tứ Lộc (nay là thị trấn Gia Lộc) là "di tích lịch sử về hai danh nhân Nguyễn Chế Nghĩa và Đỗ Quang". Trong đó, Đỗ Quang được dân làng suy tôn "như một vị thành hoàng bản xã thường nhật hương đăng". Sách "Hải Dương di tích và danh thắng" tập I do Sở Văn hóa - Thông tin Hải Dương xuất bản năm 1999, trong phần nói về danh nhân Đỗ Quang và đình Phương Điếm cũng khẳng định: "Kính trọng đức tài và công trạng của ông đối với đất nước, nhân dân Phương Điếm đã soạn văn tế, lập bài vị để thờ ông tại đình làng bên cạnh An Nghĩa Đại vương và được suy tôn là thành hoàng bản xã, thường nhật hương đăng". Sách "Gia Lộc văn hiến" do Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Lộc biên soạn, xuất bản năm 2007 cũng ghi: "Nhân dân quê hương đã tôn ông (Đỗ Quang) làm một trong 3 vị thành hoàng của làng, thờ cúng ông tại đình làng". Ngoài ra, theo tài liệu mà dòng họ Đỗ Quang cung cấp, trong diễn văn kỷ niệm 140 năm ngày mất của danh nhân Đỗ Quang (tổ chức ngày 28-9-2006), UBND huyện Gia Lộc cũng cho rằng: Đỗ Quang được suy tôn làm "thành hoàng bản xã".

Tuy nhiên, trong "Thần tích - Thần sắc" của đình Phương Điếm hiện lưu giữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội, cũng như trong Hương ước làng Phương Điếm năm 1938 đều không có ghi chép về việc đình Phương Điếm thờ tiến sĩ Đỗ Quang như một vị thành hoàng. Theo những tài liệu này, thì đình Phương Điếm năm 1938 (còn gọi là đình thôn Vĩnh Dụ, đình thôn Giỗ) thờ 1 vị thiên thần là Đức bản thổ long thần, húy là ngài Đồng Mộng, hiệu là Đương Cảnh thành hoàng; thờ các vị nhân thần là An Nghĩa Đại vương Nguyễn Chế Nghĩa, Sùng Phúc Đại Vương (con trai của Nguyễn Chế Nghĩa) và bà Nguyệt Hoa công chúa. Qua tìm hiểu thực tế tại thôn Phương Điếm, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phủ nhận việc nhân dân Phương Điếm tôn danh nhân Đỗ Quang làm thành hoàng làng. Ông Hoàng Văn Tiến, 75 tuổi ở cụm 12, thôn Phương Điếm và một số người cao tuổi trong cụm cho biết: Nhân dân Phương Điếm chỉ thờ Đỗ Quang trong đình như một vị danh nhân mà chưa bao giờ tôn ông làm thành hoàng làng. Trong Công văn số 18 ngày 30-7-2012, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lộc khẳng định: "Đỗ Quang là một danh nhân, là người có công với quê hương, đất nước, được sử sách lưu truyền. Hiện nay, nhân dân Phương Điếm đã lập bài vị, phối thờ cụ Đỗ Quang tại đình Phương Điếm cùng với tướng quân An Nghĩa Đại vương Nguyễn Chế Nghĩa. Còn việc "nhân dân Phương Điếm kính trọng tài đức của cụ Đỗ Quang, đã tôn ông là thành hoàng làng..." thì chưa một lần được nhân dân thừa nhận".

Qua tham khảo ý kiến của nhà sử học Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh và một số tài liệu về văn hóa Việt Nam, chúng tôi thấy trong văn hóa làng xã của người Việt, việc thờ thành hoàng làng thường dựa vào sắc phong của vua, vào thần tích, thần sắc của đình, vào văn tế của các vị được phong là thần và được ghi chép trong hương ước làng. Theo Phòng Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, "thành hoàng làng là vị thần được làng chọn thờ nhưng phải được vua phong thể hiện qua thần tích, thần sắc chứ nhân dân không thể tôn làm thành hoàng".

Như vậy, trong số những tài liệu về danh nhân Đỗ Quang có một phần không đúng. Vấn đề này phải được công khai, minh bạch để tránh nhầm lẫn. Có thể thông qua việc hội thảo và công bố kết luận khoa học là hợp lý nhất.

Nhưng dù danh nhân Đỗ Quang có phải hay không phải là thành hoàng làng Phương Điếm thì với những đóng góp của mình cho đất nước, danh nhân Đỗ Quang vẫn là niềm tự hào của nhân dân Hải Dương nói chung và nhân dân Gia Lộc nói riêng. Thờ Đỗ Quang trong đình làng Phương Điếm là việc nên tiếp tục làm vì nó thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam ta với các bậc tiền nhân có nhiều đóng góp cho đất nước.

THÙY DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một điểm cần tiếp tục làm rõ về danh nhân Đỗ Quang