Học giả xứ Đông sáng danh đầu thế kỷ 20

10/03/2013 07:17

Mặc dù đã ra đi cách đây hơn 70 năm, nhưng sự nghiệp và di sản của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc để lại có giá trị về nhiều mặt đối với nền văn hóa Việt Nam.



Học giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc sinh ngày 1-3-1890, nguyên quán ở làng Hoạch Trạch (tên nôm là làng Vạc), xã Thái Học, huyện Bình Giang, mất ngày 26-4-1942. Ông còn có tên là Nguyễn Ngọc Nhữ, hiệu là Ôn Như, tự là Đông Trạch. Ông đã ra đi cách đây hơn 70 năm, nhưng sự nghiệp và di sản của ông để lại khá đồ sộ và có giá trị về nhiều mặt đối với nền văn hóa Việt Nam.

Sự nghiệp của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc trải rộng trên nhiều lĩnh vực: giáo dục, văn hóa, văn nghệ dân gian với tư cách là người thầy, nhà nghiên cứu, soạn giả, nhà báo... Ông là học giả xứ Đông sáng danh đầu thế kỷ 20.

Di sản thành văn của ông để lại hiện đang được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội, Thư viện Thông tin khoa học Trung ương, Thư viện Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia...

Hồi đầu thế kỷ 20, nền giáo dục quốc ngữ mới ra đời, cần đội ngũ giáo viên, cần nội dung giảng dạy và người quản lý chuyên  ngành, với khả năng cá nhân, ông đã góp phần xuất sắc ở cả ba vai trò. Ông có nhiều giáo trình biên soạn thuộc nhiều khối lớp với các sách “Phổ thông độc bản” 5 tập, biên soạn từ năm 1922 đến năm 1932;  "Phổ thông độc bản các trường sơ học Pháp - Việt" (1933) là một dạng sách giáo khoa phù hợp với trình độ và khả năng tiếp thu đối với thế hệ trẻ thời đó. Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc làm công chức ngành giáo dục, từ dạy trường tiểu học, trường sư phạm, trường Hậu bổ, rồi Trưởng thanh tra sơ học Bắc Kỳ, đến Trưởng cục Tu thư Nha học chính Đông Dương, Đốc học tỉnh Hà Đông.

Về khảo cứu, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc có sách Cổ học tinh hoa (1925): tiếp thu tinh túy văn hóa cổ Trung Quốc; Nam thi hợp tuyển (1927): tuyển thơ cổ Việt Nam... Sau mỗi mẩu chuyện, mỗi bài thơ,  bài ca đều có phần giải nghĩa từ ngữ và điển tích. Cuối mỗi bài đều có thêm lời bàn của người làm sách hướng dẫn độc giả.

Về sưu tầm biên soạn sách văn học dân gian, ông có 2 công trình tiêu biểu là “Tục ngữ Phong dao” (1928) và “Truyện cổ nước Nam” (1932-1934). “Tục ngữ Phong dao” (thực chất là ca dao) gồm hai tập, hơn 800 trang, với 6.500 câu tục ngữ, 850 bài ca dao, 350 câu đố. Đây là một tập hợp đầu tiên những giá trị tinh thần do các thế hệ người lao động Việt Nam sáng tạo và truyền khẩu qua hàng nghìn năm được sưu tầm, biên soạn nghiêm túc và ấn hành thành văn bản. Biên soạn những cuốn sách này, ông được đánh giá là làm việc công phu, thận trọng, kế thừa được những thành quả của những người đi trước, cần mẫn tìm kiếm rồi thâu tóm lại thành sách nhằm bảo lưu, tránh sự thất lạc, mai một dần...       

Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc còn có đóng góp xuất sắc ở thập niên đầu thế kỷ 20 trong một lĩnh vực ít người đề cập tới. Vào đầu thế kỷ 20, nghệ thuật chèo đang trong thời kỳ bế tắc, phần do ảnh hưởng văn hóa ngoại xô bồ tràn vào lấn át, phần do bị động, chưa kịp có sự thanh lọc, tiếp thu... Trong bối cảnh ấy, nhóm trí thức trẻ gồm ba người, đứng đầu là Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc cùng người anh cả là Nguyễn Quang Oánh (1888-1946) và Đỗ Thuận (?-1956), vốn cùng ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, ra Hà Nội học hành rồi ở lại lập nghiệp đã đứng lên khởi sự, chung tiền và cổ đông góp vốn lập Sán nhiên đài (rạp hát chèo) đầu tiên ở Hà Nội (phố Đào Duy Từ). Họ tìm những đào kép chèo và trùm chèo nổi tiếng ở các vùng quê như Đào Tam, tức Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trịnh Thị Lan (1886-1971) và kép Thịnh, tức NSND Nguyễn Văn Thịnh (1883-1973) quê ở Thanh Miện, tú tài Nguyễn Thúc Khiêm người tỉnh Thái Bình, nhà nho Nguyễn Đình Nghị (1886-1954), danh hài Tư Liên và kép Phẩm người tỉnh Hưng Yên, nhạc sư Vũ Tuấn Đức (1900-1982), người tỉnh Nam Định... về lập thành ban hát, diễn chèo thường xuyên trong Sán nhiên đài cho người Hà Nội xem. Đây là một sự kiện văn hóa, nghệ thuật quan trọng góp phần bảo tồn nền ca kịch dân gian cổ truyền quý báu của dân tộc, vừa là đối trọng với Nhà hát Lớn do chính quyền thực dân Pháp xây dựng hoàn thành năm 1911 chuyên để nghệ sĩ Pháp sang biểu diễn nghệ thuật sân khấu phương Tây cho những người Pháp cùng với đội quân xâm lược ở Đông Dương. Sán nhiên đài tồn tại mấy mươi năm đã trở thành địa chỉ văn hóa quen thuộc của nhiều khán giả Hà Nội yêu thích chèo hồi đầu thế kỷ 20.

Sự nghiệp của học giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc còn đọng lại với nền văn hóa Việt Nam bởi ông là một nhà yêu nước đằm sâu trong di sản mà ông để lại. Các công trình sưu tầm, khảo cứu: Tục ngữ phong dao, Truyện cổ nước Nam, câu đố, ngụ ngôn, lập rạp hát chèo... đã giữ được nghĩa vụ “tồn cổ” và ông khẳng định:  “Những giá trị ấy thật là riêng của nước Nam”. Ông lập luận đại ý: Đã là người dù ở phương Đông hay phương Tây, da trắng hay da vàng cũng thuộc về một nhân loại, đều có đầu óc, tâm tính của con người thì tại sao không tự nghĩ ngợi, phát minh?

Có một điều thật thú vị và trùng hợp với quê hương Bình Giang, một dải đất hai đầu chỉ cách nhau bằng những sải cánh cò, có xã Thúc Kháng, quê hương của nhạc sĩ Phạm Tuyên với rất nhiều ca khúc mãi mãi đi cùng năm tháng và nhà giáo, nhà thơ Vũ Đình Liên nổi tiếng với bài thơ “Ông đồ” bất hủ, còn ở xã Thái Học, đặc biệt là ở cùng thôn Hoạch Trạch, quê hương của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, cánh chim đầu đàn của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam và học giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, nhà giáo, nhà văn hóa, văn nghệ dân gian mà tên tuổi không thể phai mờ. Đó cũng là niềm tự hào của xứ Đông với rất nhiều danh nhân đã làm nên những dấu mốc quan trọng của lịch sử, văn hóa, nghệ thuật nước nhà.

HUY CHƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học giả xứ Đông sáng danh đầu thế kỷ 20