Đỗ Quang-tấm gương sáng về lòng yêu nước

22/07/2012 06:30

Cố Tuần phủ Đỗ Quang, nổi danh khoa giáp, rạng rỡ hàng quan. Trong triều, ngoài trấn thanh liêm, chính trực, cần mẫn, thận trọng, người người đều ca ngợi...


Đỗ Quang (1807 - 1866)
Đỗ Quang còn có tên là Đỗ Tông Quang, sinh ngày 25-9 năm Đinh Mão (1807) tại làng Phương Điếm (nay là thị trấn Gia Lộc). Ông sinh trưởng trong một gia đình dòng dõi khoa bảng; ông nội và bố đều đậu tú tài, từng làm quan, làm thầy giáo.


Từ nhỏ, Đỗ Quang đã thể hiện là người thông minh, hiếu học. Năm 18 tuổi ông đỗ tú tài, năm 22 tuổi đỗ cử nhân. Năm 1832, ông lại lều chõng đi thi và đỗ tiến sĩ.

Sau khi đỗ tiến sĩ, Đỗ Quang bắt đầu cuộc đời quan chức đầy gian khó của mình. Ông đã trải qua nhiều thử thách và nhiều trọng trách của triều đình. Ông từng làm tham tri (chức quan thuộc hàng thứ 4) của 4 bộ thuộc triều Nguyễn: Bộ Lại (phụ trách việc sắp xếp quan chức của triều đình trung ương), Bộ Lễ (phụ trách vấn đề ngoại giao, văn hóa, giáo dục, thi đua), Bộ Hộ (phụ trách vấn đề nhân khẩu, ruộng đất), Bộ Binh (phụ trách quân đội), rồi Thị lang Bộ Công (hàng quan thứ 2 của Bộ phụ trách vấn đề xây dựng, giao thông công chính)... Ông cũng từng làm Án sát, Bố chánh, Tuần phủ (những chức quan đứng đầu hàng tỉnh) ở nhiều địa phương từ Bắc vào Nam... Vì thế, ông hiểu rõ chỗ mạnh, chỗ yếu của bộ máy nhà nước; thấu hiểu tình hình xã hội, hoàn cảnh của nhân dân. Ở đâu, ông cũng mang hết sức mình để làm tròn nhiệm vụ, yêu thương dân chúng, trừng trị bọn cường hào ức hiếp dân lành... được dân chúng quý trọng như cha.

Năm 1848, ông làm Tuần phủ Định Tường, một vùng đất không chỉ xa xôi mà còn xa lạ với phong tục tập quán của quê hương ông. Nhưng 8 năm nhậm chức ở đây, ông mang hết tài năng và tình cảm của mình chăm lo đời sống nhân dân. Thương dân nghèo vì thiên tai mà đói khổ, ông tự giảm thuế cho dân, vì thế mà làm thất thu 300 quan tiền và 100 lạng bạc, bị vua Tự Đức cách chức, phạt trượng đồ (đánh gậy). Khi phúc tra, ông được minh oan: “Đỗ Quang làm quan thanh bạch, liêm khiết, nhân dân kính trọng như cha, bình thường sao được như thế. Xin miễn tội để nâng đỡ người liêm khiết”. Ông được phục chức, làm Bố chánh Nam Định. Năm 1858, ông được thăng Quang lộc tự khanh, làm giảng quan ở Kinh đô.

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng gây hấn với ta ở Đà Nẵng; tháng 1-1859, Pháp tấn công thành Gia Định, quan quân nhà Nguyễn bỏ chạy. Lúc đó, triều đình chia 2 phe chủ chiến và chủ hòa, Đỗ Quang thuộc phe chủ chiến. Năm 1860, ông làm Tuần phủ Gia Định, cùng Thống tướng Nguyễn Tri Phương phối hợp đánh giặc, tiêu diệt nhiều tên địch.

Suốt hai năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Đỗ Quang cùng Bình tây Đại nguyên soái Trương Định chiêu mộ binh sĩ, phát triển thế lực, tích trữ lương thảo, đúc súng... đẩy mạnh hoạt động từ Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Gia Định đến biên giới Cam-pu-chia. Ông trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh, tiêu diệt hàng nghìn tên Pháp. Tiếc rằng, giữa lúc phong trào kháng chiến của nhân dân ta đang dâng cao và thực dân Pháp đang lúng túng thì triều đình Huế tỏ ra bạc nhược, ký hòa ước Nhâm Tuất 1862 dâng 3 tỉnh miền Đông cho Pháp. Trương Định bị điều nhận chức lãnh binh ở tỉnh An Giang; Đỗ Quang bị triệu hồi về kinh làm Tham tri Bộ Hộ, sung chức Tuần phủ Nam Định. Đỗ Quang uất ức, không chấp nhận mệnh lệnh của triều đình, dâng sớ từ quan. Bài sớ có đoạn viết: “Ngày tôi ra về, kẻ sĩ và nhân dân đón chật đường mà nói rằng “từ nay cha bỏ con rồi, quan bỏ dân rồi, quan về lại làm quan, còn dân thì không được là dân triều đình nữa”, tiếng khóc nghẽn đường, tôi cũng phải gạt nước mắt ra đi.

Trộm nghĩ, tôi tầm thường kém cỏi không có tài cán gì, nhưng lâu nay quanh quẩn với dân, vốn không nghĩ đến ngày được sống trở về. Nay tôi được gọi về, còn những nghĩa sĩ, những người dân thì không được vì triều đình mà góp sức, góp của nữa, không biết đặt mình vào đâu. Như thế là tôi, trên phụ triều đình, dưới phụ trăm họ, rõ ràng không thể chối cãi. Nay nếu tôi lại được nhận chức ở Nam Định, biết nói sao đây? Đối với công luận, biết nói thế nào? Tôi còn chút lòng người, biết xấu hổ, nên cúi xin thu hồi lệnh đã phát ra, bãi chức cho tôi trở về để cho hả cái nỗi phẫn uất của dân, và để cho còn giữ được cái tiết liêm sỉ của hạ thần...”.

Sớ dâng lên không được chuẩn y, Đỗ Quang buộc phải đến nhiệm sở, nhưng không còn lòng dạ nào mà làm quan nữa. Ít lâu sau, ông cáo ốm, xin về quê dưỡng bệnh và chăm sóc mẹ già. Không được bao lâu, ông lại bị triệu hồi gay gắt về kinh, miễn cưỡng nhậm chức Tham tri Bộ Hộ, Tham tri Bộ Binh, Tham tán quân vụ Hải An (Hải Dương - Quảng Yên), Tuần phủ Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh, mỗi nơi làm việc một thời gian ngắn rồi ngã bệnh nặng. Ông được phép về quê an dưỡng và mất tại quê nhà vào ngày 7-8-1866 (năm Bính Dần), hưởng thọ 60 tuổi. Triều đình Huế vô cùng thương tiếc, vua Tự Đức có sắc dụ tưởng niệm ông, có đoạn viết: “Cố Tuần phủ Đỗ Quang, nổi danh khoa giáp, rạng rỡ hàng quan. Trong triều, ngoài trấn thanh liêm, chính trực, cần mẫn, thận trọng. Từ Nam ra Bắc mấy bận bôn ba, vất vả, khổ ải, gian nan, người người đều ca ngợi... nay truy tặng: Tư Thiện đại phu, Lễ bộ Thượng thư, ban tên thụy là Trang Lượng...”.

Bài vị Đỗ Quang được thờ tại đền Hiền Lương kinh đô Huế. Nhân dân Phương Điếm kính trọng tài đức của Đỗ Quang, đã tôn ông là thành hoàng làng, lập bài vị thờ ông tại đình làng, bên cạnh An nghĩa đại vương Nguyễn Chế Nghĩa.

NAM HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đỗ Quang-tấm gương sáng về lòng yêu nước