Dâng hương tưởng niệm Đại danh y Tuệ Tĩnh

27/04/2017 10:28

Sáng 26.4, UBND huyện Cẩm Giàng tổ chức lễ hội truyền thống đền Bia, dâng hương tưởng niệm Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh.



Các đại biểu Trung ương và tỉnh dâng hương, tưởng niệm công đức của Đại danh y Tuệ Tĩnh

Các đồng chí: Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Vương Đức Sáng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tới dự.

Lễ hội truyền thống đền Bia có nhiều nội dung phong phú. Phần lễ có tế khai hội, dâng hương và lễ chữ dâng thánh “Nam dược thánh nhân”. Phần hội có biểu diễn hát quan họ, viết thư pháp, thi đấu cờ tướng, giao hữu bóng chuyền giữa 3 xã có di tích thờ Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh là Cẩm Vũ, Cẩm Sơn và Cẩm Văn.

Tại lễ hội năm nay, Hội Đông y huyện Cẩm Giàng tổ chức bắt mạch, kê đơn miễn phí cho du khách tham quan, dâng hương tại đền. Lương y Bùi Đức Hiền, Chủ tịch Hội Đông y thị xã Chí Linh phát 500 gói thuốc nam cho du khách và nhân dân địa phương.

Lễ hội diễn ra trong 2 ngày 25 và 26.4.

* Tưởng niệm 766 năm ngày mất của An Sinh Vương Trần Liễu

 Sáng 26.4, tại khu di tích đền Cao trên núi An Phụ, UBND huyện Kinh Môn tổ chức lễ tưởng niệm 766 năm ngày mất của An Sinh Vương Trần Liễu.




An Sinh Vương Trần Liễu sinh năm 1211, là con trai của Thượng hoàng Trần Thừa, anh ruột của vua Trần Thái Tông. Ông là thân phụ của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, người 2 lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan quân Nguyên Mông, giữ vững nền độc lập dân tộc.

 Năm 1237, Trần Liễu được phong tước An Sinh Vương, giúp vua trấn thủ vùng Đông Bắc, xây dựng vùng đất ven biển giàu mạnh về kinh tế, quốc phòng. Năm 1251, An Sinh Vương tạ thế tại phủ đệ An Phụ. Ông được vua Trần Thái Tông truy phong tước Khâm Minh đại vương, sắc chỉ cho nhân dân lập đền thờ ông trên núi An Phụ. Tưởng nhớ công ơn của ông, nhân dân nhiều nơi lập đền thờ, tôn ông làm Thành hoàng làng. Ngày mất của ông (1.4 âm lịch) trở thành ngày hội truyền thống đền Cao An Phụ.

Lễ hội đền Cao An Phụ diễn ra từ ngày 8 tháng giêng đến hết ngày 1.4 âm lịch với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian. Những ngày cao điểm, khu di tích đón từ 8.000-10.000 du khách.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dâng hương tưởng niệm Đại danh y Tuệ Tĩnh