Xóa bỏ văn hóa sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về

09/06/2019 09:44

Văn hóa công sở được chọn làm chủ đề chính cho phong trào thi đua năm 2019, do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức sáng 19.5.2019.

Qua đó nhằm phát động cán bộ, công chức, viên chức thực hiện văn hóa công sở tiến bộ, văn minh, hình thành phong cách ứng xử, tác phong làm việc chuẩn mực, chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương. Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ: “Cần xóa bỏ văn hóa sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, phải đặt giá trị tập thể lên trên lợi ích cá nhân...". Đây là yêu cầu cấp thiết về hoạt động của bộ máy nhà nước trong xã hội văn minh để bắt kịp với thời đại.

Cùng với quá trình đổi mới toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng, cải cách hành chính ở nước ta được tiến hành đồng bộ và được coi là một khâu rất quan trọng, là tiền đề, điều kiện cho đổi mới kinh tế. Quá trình cải cách hành chính đã tạo cho đội ngũ công chức ngày càng chuyên nghiệp, phong cách giao tiếp ứng xử có tiến bộ rõ rệt. Tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tốt hơn rất nhiều, đã xóa dần sự ác cảm của nhân dân về một thực tế đau lòng “hành dân là chính” một thời.

Tuy nhiên, những hạn chế trong thực hiện văn hóa công sở hiện nay là vấn đề không nhỏ. Một bộ phận cán bộ, công chức mang tư duy cửa quyền, thiếu trách nhiệm với dân, có lời nói, hành xử không chuẩn mực, thiếu tôn trọng cấp trên, không công bằng với cấp dưới, gây bức xúc trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tình trạng chọn việc, đi làm không đúng giờ, đi muộn về sớm, rời nhiệm sở trong giờ làm việc; bê trễ công việc khi thực hiện các nhiệm vụ được giao không phải là hiếm trong các công sở. Ở không ít cơ quan, đơn vị, môi trường làm việc thiếu văn hóa tồn tại dưới các dạng như nội bộ mất đoàn kết, soi xét lẫn nhau, nghi ngờ, bất hợp tác; trong giao tiếp, làm việc dùng những ngôn từ tục tĩu không hợp với giao tiếp công sở... Vì thực dụng, vụ lợi nên không ít cán bộ, công chức, viên chức làm việc chỉ chú trọng đến tiền lương thay vì giá trị công việc và cống hiến. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tỏ ra thờ ơ, vô cảm trước nguyện vọng của người dân.

Tình trạng không tôn trọng hoặc xem nhẹ kết quả làm việc của đồng nghiệp là một thực tế tồn tại hiện nay ở không ít công sở. Do thói ích kỷ nên thường hay đố kỵ với người có tài, trong khi người có tài thực sự thì hay có tật, mà đã có tật thì người ta cứ chĩa vào tật để đánh giá, nhận xét. Thế nên việc đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức bị thiên lệch, thiếu khách quan. Ở những nơi đó, người tốt, người có tài bị cô lập, họ rơi vào trạng thái “cô đơn trong công sở”, không phát huy được năng lực của mình.

Kể ra những hạn chế, bất cập trong công sở, cán bộ, công chức, viên chức hiện nay chắc bấy nhiêu chưa phải đã hết nhưng chỉ  thế thôi cũng thấy được trong công sở, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta phải cải thiện rất nhiều mới bắt kịp thế giới văn minh. Điều này có lẽ lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã nhìn thấy, những cán bộ, công chức, viên chức tận tâm, tận lực và nhân dân thấy đau lòng. 

Tại lễ phát động phong trào thi đua năm 2019 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương nâng cao nhận thức, tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ, công chức về văn hóa công sở, đạo đức công vụ. Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải đi đầu, gương mẫu thực hiện văn hóa công sở.

Kỳ vọng phong trào thi đua văn hóa công sở sẽ được công sở các cấp triển khai thực hiện và hưởng ứng nhiệt tình, tận tâm, tận lực, kiên trì, trau dồi, vun đắp để mỗi cán bộ, công chức, viên chức ý thức đầy đủ và chủ động thực hiện. Qua đó tạo sự thay đổi môi trường làm việc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xóa bỏ văn hóa sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về