Xin lỗi

24/06/2020 10:03

Việc xin lỗi khi trễ hạn giải quyết thủ tục hành chính rất cần thiết, song vấn đề đặt ra là cần làm gì sau xin lỗi? Làm gì để tránh tình trạng có lỗi, rồi làm văn bản xin lỗi cho xong chuyện?

Gần đây, lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng mà tôi tham gia có buổi đi thực tế tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Trao đổi với học viên của lớp, lãnh đạo trung tâm này cho biết trong thời gian 1 năm (từ ngày 1.3.2019-1.3.2020) có 1.645 hồ sơ bị trả trễ hạn, chiếm 1,64% so với số hồ sơ đã giải quyết qua trung tâm. Trong số những hồ sơ này, người đứng đầu các sở, ngành đã gửi 217 văn bản xin lỗi tổ chức, cá nhân làm thủ tục hành chính (TTHC) do trả hồ sơ trễ hạn, chiếm 13,2%. Thời gian đầu, việc thực hiện xin lỗi còn ít, làm chưa chặt chẽ. Hiện nay, tất cả các hồ sơ trễ hạn thì người đứng đầu các sở, ngành đều làm văn bản xin lỗi.

Theo khoản 9 điều 19 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23.4.2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, đối với hồ sơ quá hạn giải quyết, trong thời hạn chậm nhất 1 ngày trước ngày hết hạn, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết hồ sơ phải thông báo bằng văn bản cho bộ phận "một cửa" và gửi văn bản xin lỗi tổ chức, cá nhân, trong đó ghi rõ lý do quá hạn, thời gian đề nghị gia hạn trả kết quả theo mẫu phiếu đề nghị gia hạn thời gian giải quyết. Việc hẹn lại ngày trả kết quả được thực hiện không quá 1 lần.

Việc xin lỗi khi trễ hạn giải quyết TTHC rất cần thiết. Đây chính là một yêu cầu trong thực hiện "4 xin" (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép), thể hiện văn hóa ứng xử lịch sự của cán bộ, công chức, viên chức khi giao tiếp, giải quyết TTHC. Điều đó còn cho thấy sự cầu thị của những người giải quyết TTHC khi mắc lỗi chủ quan, đồng thời giúp tổ chức, cá nhân làm TTHC biết rõ tình trạng hồ sơ của mình, nguyên nhân trả trễ hạn. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị giải quyết TTHC phải gửi văn bản xin lỗi sẽ tạo áp lực để cán bộ, công chức, viên chức phải rút kinh nghiệm, chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót.

Xin lỗi là cần thiết, song vấn đề đặt ra là cần làm gì sau xin lỗi? Làm gì để tránh tình trạng có lỗi, rồi làm văn bản xin lỗi cho xong chuyện?

Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị là người biết rõ nguyên nhân chậm trễ từ khâu nào, trách nhiệm thuộc về ai khi trễ hạn giải quyết TTHC. Cùng với gửi văn bản xin lỗi, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết TTHC cần kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót, vi phạm. Các hạn chế, thiếu sót, vi phạm có thể do năng lực cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu, hoặc có biểu hiện gây khó khăn, phiền hà cho người làm TTHC, vi phạm kỷ luật lao động... Những cán bộ giải quyết TTHC mà trễ hạn nhiều lần cần phải thay người khác và xử lý nghiêm minh. 

Số lần trễ hạn trong giải quyết TTHC cần được đưa vào tiêu chí đánh giá xếp loại lao động, thi đua hằng năm. Những người mà phải gửi quá nhiều văn bản xin lỗi không thể xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lãnh đạo Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh cần tăng cường giám sát, đôn đốc, tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh nhắc nhở, chấn chỉnh với người đứng đầu cơ quan, đơn vị làm trễ hạn TTHC. 

TUẤN NGUYÊN (TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xin lỗi