Vì sao dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp?

24/05/2019 10:09

Có nhiều nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp nhưng chủ yếu vẫn là ý thức phòng và chống dịch của chính quyền cơ sở, của người chăn nuôi chưa tốt.


Dịch bệnh tả lợn châu Phi đã lan rộng ra gần như toàn tỉnh

Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) được đánh giá gây thiệt hại nhiều mặt, đe dọa cả một ngành sản xuất lớn ở nước ta. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống DTLCP, trong vòng hơn 3 tháng từ ngày phát hiện ổ dịch đầu tiên đến ngày 18.5, bệnh DTLCP đã xảy ra tại hơn 2.300 xã (khoảng 40% số xã) của 206 huyện thuộc 34 tỉnh, thành phố với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy hơn 1,5 triệu con, chiếm khoảng 6% tổng đàn lợn cả nước. Trong khi Việt Nam hiện là nước có tổng đàn lợn đứng thứ 7 thế giới, sản lượng thịt lợn thứ 6 thế giới và ngành chăn nuôi đóng góp 5% GDP. Bệnh DTLCP đang làm ảnh hưởng tới giá cả và lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu của mặt hàng này.

Chính vì vậy Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, đã thành lập Ban chỉ đạo Trung ương để chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống DTLCP. Nhiều địa phương đã tích cực vào cuộc quyết liệt triển khai thực hiện phòng chống dịch như đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức của người dân; kiểm dịch chặt chẽ; xử lý các ổ dịch theo đúng quy trình… Nhờ vậy, nhiều địa phương chưa bị dịch lan tới, có những địa phương đã dập được các ổ dịch, đồng thời quản lý chặt chẽ, nắm chắc số lượng lợn bị tiêu hủy để chi trả, hỗ trợ cho các chủ thể chăn nuôi theo đúng quy định của Chính phủ như Hưng Yên, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh đồng bằng Nam Bộ...

Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch ở một số địa phương chưa quyết liệt cho nên dịch bênh vẫn lây lan mạnh, diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau lại tái phát dịch. Nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường. Tại Hải Dương, DTLCP đang diễn biến rất phức tạp, bệnh dịch đã lan rộng ra gần như toàn tỉnh làm cho hơn 55.000 con lợn với tổng trọng lượng khoảng 3.300 tấn đã mắc bệnh phải tiêu hủy. Dự báo con số này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. 

Tại sao bệnh dịch này chưa thể khống chế được mà vẫn tiếp tục lan rộng? Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là ý thức phòng và chống dịch của chính quyền cơ sở, của người chăn nuôi chưa tốt. Nhiều người không trung thực, vô trách nhiệm, biết lợn mắc dịch vẫn bán và vận chuyển, không thực hiện đúng quy trình xử lý khi có dịch. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cấp xã nhiều nơi chưa sâu sát, thiếu kiểm tra đôn đốc và giám sát. Có địa phương đã khoán trắng cho các hộ có lợn mắc dịch tiêu hủy không đúng quy định. Họ không đào hố để tiêu hủy mà vứt xác lợn chết xuống sông, kênh mương gây ô nhiễm môi trường, làm cho dịch bệnh lây lan khó kiểm soát. Đáng buồn hơn, do lợi ích trước mắt, ý thức kém nên có hộ biết lợn mắc dịch vẫn bán, giết mổ, tiêu thụ, thậm chí quay vòng lợn mắc dịch, khai khống để nhận tiền hỗ trợ. Thời gian vừa qua do lợn bị mắc dịch cho nên giá bán lợn còn thấp hơn giá nhà nước hỗ trợ cho lợn mắc dịch. Vì thế, nhiều hộ đã báo chính quyền lợn nhà mình mắc dịch để nhận tiền hỗ trợ thay cho việc phòng dịch, bảo vệ đàn lợn. 

Thiết nghĩ, để có thể phòng và chống DTLCP hiệu quả hơn, UBND các cấp phải vào cuộc quyết liệt hơn trong chỉ đạo tổ chức phòng chống bệnh, chủ động giám sát, phát hiện sớm và tiêu hủy triệt để lợn bệnh, chấm dứt ngay tình trạng tiêu huỷ lợn bệnh không đúng quy định hoặc vứt xác lợn ra môi trường làm ô nhiễm, lây lan dịch bệnh. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân, người chăn nuôi về phòng chống DTLCP, thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Chính quyền cấp xã là cơ quan quản lý trực tiếp ở địa phương cần làm tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với lương tâm và trách nhiệm cao nhất. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đồng thời sẵn sàng các phương án tiêu hủy, đặc biệt trong các trường hợp phải tiêu hủy số lượng lớn.

Các cơ sở, các hộ chăn nuôi, giết mổ lợn ký cam kết khi phát hiện lợn ốm, chết nghi mắc bệnh DTLCP phải báo ngay cho cán bộ thú y, chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời. Không bán chạy, giết mổ, buôn bán, tiêu thụ lợn bệnh, sản phẩm lợn bệnh và vứt xác lợn bừa bãi ra môi trường...

ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN (TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp?