Tỉnh táo trước những thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch

17/10/2018 14:47

Trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng xấu...

Đã thành thông lệ, mỗi khi nước ta diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng, các tổ chức phản động, phần tử cơ hội chính trị lưu vong ở ngoài nước lại tăng cường các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Ngoài những tổ chức đang hoạt động như “Việt Tân”, “Đảng Vì dân”, “Lao động Việt”… gần đây xuất hiện nhóm mới với tên gọi “Nhóm Hiến pháp”. Nhóm này do Nguyễn Thị Thùy, sinh năm 1969, đối tượng phản động sống lưu vong tại Mỹ thành lập. Chúng hoạt động chủ yếu trên không gian mạng, mục đích là sử dụng chính Hiến pháp của Việt Nam để xuyên tạc các chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước ta, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vừa qua, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XII) đã thống nhất giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tới đây. Các đối tượng phản động, trong đó có Nguyễn Thị Thùy đã nhận tiền viện trợ của các đối tượng lưu vong từ nước ngoài để mua chuộc, dụ dỗ những người có tư tưởng thù địch đẩy mạnh các hoạt động in ấn, phát tán hàng trăm bài viết, hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội xuyên tạc, đả kích chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, nói xấu, xúc phạm uy tín các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng. Trong nội dung các bài viết, chúng cố tình quy chụp, suy diễn rằng: “Tổng Bí thư là người tham quyền cố vị” hay “sự tính toán có chỉ đạo” và “một khi quyền lực được gia tăng rơi vào tay chỉ một cá nhân sẽ dẫn đến độc tài, chuyên quyền, đất nước rơi vào thảm cảnh nô lệ, đen tối”. Chưa dừng lại ở đó, lợi dụng sự kiện này, chúng vu cáo Đảng, Nhà nước ta là “vi hiến” khi thực hiện chủ trương Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước.

Trước hết, phải khẳng định việc Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước là hoàn toàn hợp ý Đảng, lòng dân; xuất phát từ quan điểm, đường lối, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và xu thế của nhiều nước trên thế giới. Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: “Việc giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước là đúng quy định của Hiến pháp, phù hợp với nguyện vọng của cử tri và nhân dân”. 

Hiến pháp năm 2013, từ điều 86 đến điều 93 quy định rất rõ về vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước, việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; không ngừng củng cố, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị - xã hội chủ nghĩa; bảo đảm thực hiện tốt hơn mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Một đồng chí đảm nhiệm cả chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước đòi hỏi phải có những phẩm chất, trình độ và năng lực, uy tín cần thiết để xử lý thành công cả vai trò lãnh đạo của Đảng và thực hiện quyền lực Nhà nước. Thời gian qua, là người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư là người có đức, có tài, đúng người, đúng việc, để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Đảng và nhân dân. 

Thực tế, trên thế giới đã có nhiều nước người đứng đầu đảng cầm quyền đồng thời nắm bộ máy nhà nước. Như ở Nhật Bản, Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do cầm quyền đồng thời đứng đầu nội các; ở Campuchia, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia đồng thời là Thủ tướng Chính phủ; ở Singapore, Tổng Thư ký Đảng cầm quyền đương nhiên là Thủ tướng Chính phủ. Ở các nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc nhất thể hóa Tổng Bí thư và Chủ tịch nước vào năm 1992; Lào thống nhất chức danh Chủ tịch nước và vị trí đứng đầu Đảng vào năm 1998…

Ở Việt Nam, sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, tại Đại hội lần thứ II (năm 1951) của Đảng đã bầu Chủ tịch nước Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng cho đến khi Người qua đời năm 1969. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đánh bại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc, đưa đất nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Có thể thấy rằng, luận điểm mà các thế lực thù địch, phản động tuyên truyền, xuyên tạc là hoàn toàn sai trái, thiển cận, đi ngược lại với quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ta. Đây là một thủ đoạn chính trị thâm độc, nham hiểm, nhằm mục đích chia rẽ nội bộ Đảng, Nhà nước, chia rẽ mối quan hệ giữa các đồng chí lãnh đạo của Đảng. Và mục tiêu cuối cùng của chúng là làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chuyển hóa chế độ ta sang mô hình “dân chủ, nhân quyền”, “đa nguyên, đa đảng”. 

Trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng xấu; tuyệt đối không nghe, không tin theo các luận điệu xuyên tạc, không để bị mua chuộc, dụ dỗ; kiên quyết đấu tranh, vạch trần, loại bỏ những luận điệu sai trái, thù địch của các thế lực ngoại bang, cơ hội chính trị, trong đó có “Nhóm Hiến pháp”, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

NGUYỄN THANH(Cẩm Giàng)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tỉnh táo trước những thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch