Tỉnh táo khi làm từ thiện

28/04/2020 07:46

Lòng tốt được sử dụng đúng chỗ, đúng cách sẽ giúp cái đẹp được lan tỏa, nhân lên trong cuộc sống.

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta và hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long gây khó khăn cho cuộc sống của một bộ phận người dân, đã có nhiều tổ chức, cá nhân đứng ra quyên góp hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Những hoạt động hỗ trợ thiết thực cùng các chính sách của Nhà nước đã góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân. Nhưng bên cạnh đó cũng nở rộ những chiêu trò đội lốt từ thiện để lừa đảo.

Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã phải lên tiếng cảnh báo công chúng về việc có những người lập tài khoản Facebook, Zalo mạo danh họ để kêu gọi quyên góp tiền ủng hộ chống dịch Covid-19 và hạn mặn. Nhiều người đã bị lừa bởi các nghệ sĩ này có thực hiện các hoạt động từ thiện thật nhưng số tài khoản trên các trang Facebook, Zalo mạo danh kia lại là của kẻ lừa đảo. Một số người bán hàng online thì lợi dụng việc từ thiện một cách tinh vi hơn. Họ quảng cáo các mặt hàng mình bán với giá “trên trời” cùng lời hứa hẹn sẽ dùng số tiền bán hàng để làm từ thiện. Nhưng số tiền thu được chi cho mục đích từ thiện bao nhiêu thì chỉ họ biết. Đa số người mua mang tâm lý vừa mua được hàng vừa giúp đỡ được người khác nên không thắc mắc. Một số người băn khoăn nhưng không thể kiện cáo vì giao dịch rõ ràng là mua bán chứ không phải ủng hộ tiền đơn thuần. Nhiều ngân hàng đã cảnh báo khách hàng phải cảnh giác trước việc kẻ gian mạo danh các tổ chức nhà nước gửi các thư điện tử liên quan dịch Covid-19. Kẻ xấu thường hướng người nhận email vào các website ủng hộ từ thiện do chúng tự thiết kế để đánh cắp thông tin cá nhân, sau đó đăng nhập bất hợp pháp vào các tài khoản ngân hàng của họ...

Đóng góp để giúp đỡ những người khó khăn là việc làm tốt đẹp, phù hợp với tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Nhưng ủng hộ phải đúng người, đúng chỗ mới phát huy hiệu quả thiết thực. Nếu không tỉnh táo, cảnh giác thì chúng ta có thể dễ dàng bị rơi vào bẫy lừa đảo, làm giàu cho những kẻ bất lương. Vì vậy, khi có ý định làm từ thiện, dù ít hay nhiều, mọi người đều nên tìm hiểu thông tin về tổ chức, cá nhân kêu gọi ủng hộ. Chỉ nên góp tiền ủng hộ cho các tổ chức đáng tin cậy của Nhà nước, các tổ chức có thâm niên hoạt động từ thiện, minh bạch về thu chi khi quyên góp. Việc chuyển tiền cho các cá nhân làm từ thiện cần hết sức thận trọng, tránh chuyển tiền cho những kẻ mạo danh hoặc những người kêu gọi làm từ thiện nhưng nhập nhèm trong việc thống kê người ủng hộ, không công khai minh bạch sử dụng tiền huy động được.

Nhiều người làm từ thiện với tâm lý “làm việc tốt để mình cảm thấy thanh thản” chứ không thực sự quan tâm tới việc tiền mình đóng góp có được sử dụng đúng mục đích hay không. Chúng ta cần thay đổi tâm lý này bởi nhiều kẻ gian lợi dụng để lừa đảo hoặc nhẹ hơn là nhập nhèm ăn bớt tiền từ thiện. Một số người ban đầu có thể có ý định làm từ thiện thật nhưng khi thấy huy động được tiền nhanh chóng, dễ dàng, lại không bị kiểm tra, không cần báo cáo thì nảy sinh lòng tham. Đồng tiền từ thiện bị sử dụng không đúng mục đích sẽ gây nhiều hệ lụy. Nó khiến lòng tốt đi kèm nguồn lực xã hội bị lãng phí trong khi người thực sự cần giúp đỡ lại không nhận được. Nó làm nhiều người muốn giúp đỡ nhưng lại e dè, ngại ngần vì sợ bị lợi dụng.

Tỉnh táo, có trách nhiệm với việc ủng hộ từ thiện bằng cách bỏ công sức tìm hiểu thông tin về cả đối tượng được giúp đỡ lẫn tổ chức, cá nhân kêu gọi từ thiện; yêu cầu sự minh bạch trong hoạt động từ thiện sẽ giúp việc làm từ thiện của chúng ta trọn vẹn hơn. Lòng tốt được sử dụng đúng chỗ, đúng cách sẽ giúp cái đẹp được lan tỏa, nhân lên trong cuộc sống.

THÁI HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tỉnh táo khi làm từ thiện