Sự cảnh giác đáng buồn

23/06/2018 08:02

Một tuần trước khi diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ GDĐT công bố điểm mới trong công tác thanh tra kỳ thi lần này là bố trí thanh tra chấm thi cắm chốt ở 63 hội đồng.

Mỗi hội đồng thi có 2 người, 7 phòng thi sẽ có một giám sát thi. Nếu phòng thi xa nhau, Bộ GDĐT sẽ bố trí thêm lực lượng giám sát thi. Như vậy, sẽ có hơn 4.000 cán bộ thanh tra được cắm chốt ở 2.144 điểm thi trong cả nước. Không chỉ có các đoàn thanh tra cắm chốt, năm nay nhiều đoàn thanh tra lưu động của Sở GDĐT và Bộ GDĐT sẽ thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng này được quyền thanh tra tất cả hội đồng thi ở 3 khâu: chuẩn bị, coi thi, chấm thi.

Sở dĩ có sự tăng cường thanh tra như vậy vì theo Chánh Thanh tra Bộ GDĐT, các năm trước, thanh tra cắm chốt do điểm trưởng phân công nên khó bảo đảm khách quan. Việc tăng số lượng thanh tra ở tất cả các khâu nhằm chống tình trạng lộ đề thi, những gian lận trong làm bài thi, coi thi và chấm thi.

Trước sự chặt chẽ đó của Bộ GDĐT, chúng ta có thể phần nào yên tâm về tính khách quan của kỳ thi trước mắt. Song mặt khác, việc ngày càng phải tăng cường công tác giám sát trong thi cử, cảnh giác trước những gian lận phản ánh một thực trạng đáng buồn. Đó là sự gian dối trong hoạt động khảo thí của ngành GDĐT đang ở tình trạng báo động. Thí sinh gian dối đã đành vì tâm lý của người đi thi luôn muốn đạt được kết quả tốt nhất cho mình. Đến cán bộ coi thi, chấm thi cũng có nhiều biểu hiện của sự gian dối. Những hiện tượng như cán bộ coi thi lơ là cho thí sinh quay cóp tài liệu, xem bài của nhau, cán bộ chấm thi nương tay để thí sinh đạt điểm cao hơn thực chất đã từng xảy ra. Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT vừa qua ở Hà Nội, cả 2 đề thi toán và ngữ văn đều bị lọt ra ngoài do giám thị dùng điện thoại chụp ảnh đề thi gửi ra bên ngoài. Vào tháng 5.2017, do bị lộ đề thi cuối kỳ khối 11, Sở GDĐT tỉnh Đồng Tháp đã phải cho học sinh dừng thi. Người làm lộ đề thi cũng là một thầy giáo... Trong môi trường giáo dục giúp xây dựng, định hình nhân cách cho các công dân tương lai mà sự gian dối ngày càng có nguy cơ tinh vi và phổ biến không khỏi khiến chúng ta lo lắng.

Công tác thanh tra, phòng chống gian lận trong thi cử luôn là việc cần làm để bảo đảm tính công bằng, khách quan trong đánh giá năng lực học sinh. Tuy nhiên, để giải quyết vấn nạn gian lận trong thi cử một cách sâu xa và triệt để hơn thì ngành GDĐT cần có những biện pháp nâng cao đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm của đội ngũ giáo viên khi tham gia coi thi, chấm thi cũng như tiêu diệt "bệnh thành tích" trong thi cử. Đồng thời, tăng cường giáo dục về sự trung thực cho học sinh từ những hoạt động thường ngày trên lớp học. Giáo viên phải là những tấm gương về sự công bằng, chính trực trong đánh giá học sinh, không vì bất cứ sự tác động nào mà "cho điểm", "nâng điểm", làm sai lệch kết quả đánh giá. Khi học sinh được phát triển trong môi trường giáo dục lành mạnh như vậy sẽ giúp hình thành đức tính trung thực. Khi đó, bản thân ngành GDĐT sẽ không cần phải quá cảnh giác, lo lắng về sự gian dối trong chính đội ngũ của mình.

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự cảnh giác đáng buồn