Sẻ chia với phụ nữ thiệt thòi

19/10/2018 07:15

Những phụ nữ phải chịu thiệt thòi, éo le rất cần được cộng đồng quan tâm, động viên không chỉ trong dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam mà trong cuộc sống hằng ngày.

Những ngày này, ở nhiều cơ quan, đơn vị và ở nhiều gia đình, người phụ nữ đã được quan tâm, đón nhận những lẵng hoa, quà tặng, lời chúc tốt đẹp... nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10. Ngay cả ở các vùng nông thôn bây giờ, nhiều nơi cũng quan tâm tổ chức các hoạt động thiết thực cho chị em như liên hoan văn nghệ, thi cắm hoa...

Nhưng công bằng mà nói đó vẫn chỉ là một phần trong số chị em. Trong xã hội vẫn còn một bộ phận không nhỏ phụ nữ không biết đến khái niệm về Ngày Phụ nữ Việt Nam; trong khi những người phụ nữ khác tưng bừng váy áo, nhận được nhiều hoa, quà tặng thì họ vẫn bươn bả bên những gánh hàng rong, xe đẩy, hay lọ mọ bới từng đống rác hôi thối để nhặt nhạnh kiếm từng đồng tiết kiệm nuôi chồng, chăm con. Những người phụ nữ buôn bán ở chợ cá, chợ rau cũng vậy, đối với họ thìtrăm ngày như một. Bởi nếu bớt đi một ngày chợ cũng đồng nghĩa với gia đình sẽ lại phải bóp mồm bóp miệng trong 1 ngày. Nhưng dù gì những người phụ nữ đó vẫn còn may mắn bởi ít nhất họ có sức khỏe để lao động mưu sinh, tuy có phần vất vả nhưng vẫn có niềm vui trong lao động, công sức bỏ ra có thể chăm lo vun vén cho gia đình một cuộc sống yên ổn.

Còn rất nhiều cảnh đời éo le mà người phụ nữ sắm vai chính phải chịu nhiều thiệt thòi. Đó là những gia đình mà người đàn ông không may mất đi vì tai nạn hay bị ốm đau nằm liệt một chỗ; hay con, thậm chí cháu bị nhiễm chất độc da cam/dioxin... Khi ấy, người phụ nữ phải đứng lên làm trụ cột thay người đàn ông, vừa lao lực kiếm tiền lo cho gia đình, vừa phải ngày ngày chăm sóc chồng, con bệnh tật. Ở những gia đình có nhiều thế hệ cùng bị nhiễm chất độc hóa học, cuộc sống cứ thế lay lắt qua ngày mà không thắp lên nổi một tia hy vọng. Những người vợ, người mẹ, người bà ấy còn lo không biết mình có đủ sức để chăm sóc cho chồng, cho con, cho cháu được tới bao giờ. Nếu không may họ mất đi, gánh nặng ấy biết ai san sẻ.

Người phụ nữ Việt Nam trải qua sinh nở, rồi lao lực vất vả nên sức khỏe cũng nhanh giảm sút. Phần đông phụ nữ khi bắt đầu bước vào độ tuổi trung niên đã phải đối mặt với bệnh tật, thậm chí nhiều người còn phải gánh bệnh tật kép. Không ít phụ nữ cao tuổi thời gian sống ở viện còn nhiều hơn ở nhà. Trong xã hội hiện đại, khi mà đạo đức xã hội xuống cấp, không ít bà mẹ sau một đời vất vả vì con vì cháu, tới khi sức cùng lực kiệt, khi không còn giá trị để con cháu lợi dụng lại bị chính con cháu mình hắt hủi phải sống cô đơn một mình. Có nhà con cháu vẫn thay nhau nuôi nhưng mỗi tuần mẹ phải khăn gói sang nhà một đứa con, khi bệnh tật nằm liệt giường thì con cháu dây dưa nhau không chịu chăm sóc...

Vẫn còn, còn nhiều lắm những phụ nữ phải chịu thiệt thòi, éo le như thế. Họ rất cần được cộng đồng quan tâm, động viên không chỉ trong dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam mà trong cuộc sống hằng ngày. Trước hết các tổ chức hội ở cơ sở cần nắm bắt, lên danh sách, phân công hội viên giúp đỡ, động viên, giúp những người phụ nữ thiệt thòi bớt đi mặc cảm, có thêm động lực để vươn lên. Những người còn sức khỏe thì giúp họ tìm kiếm việc làm để tăng thu nhập. Những người già yếu, sức khỏe hạn chế thì nên giúp công, động viên về tinh thần. Bên cạnh đó, cũng cần tuyên truyền, giáo dục để những người phụ nữ không bị cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Mỗi người trong cộng đồng, mỗi thành viên gia đình cùng chia sẻ với những người phụ nữ thiệt thòi...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẻ chia với phụ nữ thiệt thòi