Phản biện xã hội phải hiệu quả

26/06/2018 08:03

MTTQ các cấp cần theo dõi việc tiếp thu các ý kiến phản biện để tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

Gần đây, tôi dự một hội nghị phản biện xã hội (PBXH) do MTTQ tỉnh tổ chức, cho ý kiến về 4 dự thảo tờ trình của UBND tỉnh sẽ trình tại Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XVI liên quan đến chủ trương hỗ trợ chi phí hỏa táng, đóng bảo hiểm y tế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, phát triển nhà ở. Ấn tượng chung là một hội nghị bổ ích với nhiều ý kiến phản biện có chất lượng tốt của những chuyên gia. Các ý kiến phản biện cung cấp thêm những thông tin, đánh giá, góc nhìn đa chiều để các cơ quan chức năng nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung cho hợp lý.

Hiện nay có nhiều định nghĩa, cách hiểu về PBXH. Theo Quy chế giám sát và PBXH của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội (ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12.12.2013 của Bộ Chính trị), PBXH là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

PBXH nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Những năm qua, công tác PBXH của MTTQ tỉnh đã đạt được một số kết quả bước đầu. Đó là đã xây dựng được quy chế phối hợp giữa HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh trong hoạt động giám sát và PBXH. MTTQ tỉnh đã chủ trì thực hiện các hội nghị PBXH; tổ chức tuyên truyền về PBXH trong hệ thống MTTQ các cấp… 

Tuy nhiên, hoạt động PBXH của MTTQ các cấp trong tỉnh thời gian qua còn một số bất cập, hạn chế. Tại hội nghị PBXH ngày 18.6 vừa qua do MTTQ tỉnh tổ chức, tôi thấy một số người trong thành phần phản biện nhưng không phát biểu ý kiến hoặc ý kiến có chất lượng thấp. Nguyên nhân có thể do những đại biểu này chưa nghiên cứu kỹ lưỡng, thiếu am hiểu vấn đề hoặc ngại va chạm. Ngoài ra, có những nội dung phản biện nhưng không có lãnh đạo sở tới dự với vai trò là đại diện cho cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, mà chỉ cử đồng chí trưởng phòng của sở đó tham gia. Việc này làm giảm hiệu quả phản biện và không đúng theo Quy chế phối hợp giữa HĐND, UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh trong hoạt động giám sát và PBXH. Đặc biệt, hoạt động PBXH của MTTQ cấp huyện, xã và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh còn rất mờ nhạt. Nhìn tổng thể, thời gian qua, hoạt động PBXH của MTTQ chưa mang lại hiệu quả rõ nét.

Muốn đẩy mạnh hoạt động PBXH của MTTQ, các cấp ủy trong tỉnh phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nhất là quán triệt và thực hiện tốt Quy chế giám sát, PBXH của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 25.2.2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế giám sát và PBXH của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội. Tăng cường tuyên truyền về tầm quan trọng, cách thức tiến hành hoạt động PBXH đối với các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và đông đảo nhân dân. Chính quyền các cấp tích cực phối hợp với MTTQ cùng cấp trong hoạt động PBXH. Có biện pháp để đẩy mạnh hoạt động PBXH của MTTQ cấp huyện, xã và các đoàn thể chính trị - xã hội.

MTTQ các cấp cần chọn những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của đông đảo người dân, những vấn đề bức xúc, được người dân quan tâm để tổ chức phản biện. Trong thành phần tham gia phản biện, cần ưu tiên chọn những chuyên gia, cán bộ chuyên môn am hiểu vấn đề để đóng góp những ý kiến chất lượng tốt. Nên mở rộng thành phần phản biện, như mời thêm những cán bộ cơ sở nắm chắc vấn đề và một số người dân trực tiếp ảnh hưởng bởi chủ trương, chính sách cùng tham gia để các ý kiến phản biện nói lên được nguyện vọng chính đáng của đông đảo người dân. Trong các hội nghị phản biện phải có lãnh đạo cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản dự. Kết thúc phản biện, cần làm rõ được những nội dung tiếp thu, không tiếp thu và nguyên nhân vì sao không tiếp thu. MTTQ các cấp cần theo dõi việc tiếp thu các ý kiến phản biện để tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phản biện xã hội phải hiệu quả