Người thầy và cuộc cách mạng 4.0

20/11/2018 13:55

Tự hoàn thiện mình để thay đổi bản thân, đáp ứng yêu cầu của xã hội là lẽ sống còn để người thầy phát triển trong kỷ nguyên số.

Cũng giống như mọi lĩnh vực khác, những người thầy đang chịu tác động không nhỏ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những thành tựu trên các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, internet, điện toán đám mây, máy móc tự động, in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ nano... Nhìn từ góc độ giáo dục, chúng ta thấy xuất hiện những khái niệm mới: thực tế ảo, phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo...  Vậy trong điều kiện đó người thầy cần làm gì và làm như thế nào để hoàn thành trọng trách là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục-đào tạo trong các nhà trường?

Chịu sự chi phối của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, sứ mệnh và vị thế của người thầy tất yếu sẽ có nhiều thay đổi so với quan niệm truyền thống. Trong quan hệ thầy trò, phương pháp truyền thụ kiến thức mang nặng tính chất một chiều từ thầy sang trò, lấy khối lượng kiến thức làm mục tiêu chủ yếu của nền giáo dục truyền thống sẽ được thay thế bằng phương pháp mới. Mục đích nhằm giúp phát triển toàn diện năng lực thực tiễn của bản thân mỗi học sinh thông qua quá trình tổ chức cho các em thực hành nhiều hơn, từ đó hình thành những kỹ năng sống thiết thực, bổ ích. Người thầy thời đại 4.0 luôn đứng ở vị trí người tổ chức, trọng tài, cố vấn, điều khiển quá trình thực hiện các thao tác của học sinh. Trên bục giảng, người thầy phải tránh xa căn bệnh nói thao thao bất tuyệt chỉ nhằm vào phát triển trí nhớ của học sinh mà không chú ý đến các hoạt động thực hành. Ngược lại, bằng một hệ thống câu hỏi được thiết kế theo nguyên tắc cá thể hóa, người thầy phải sử dụng nó một cách thích hợp cho từng đối tượng học sinh: giỏi, khá, trung bình, yếu. Qua đó hình thành cho các em một phương pháp tư duy khoa học lý luận gắn liền với thực tế, học đi đôi với hành, thường xuyên phát triển tính năng động sáng tạo, óc tò mò ham hiểu biết, mạnh dạn đối thoại, phản biện và nuôi dưỡng động cơ học tập ở mọi nơi, mọi lúc.

Sự bùng nổ thông tin trên các phương tiện truyền thông đã làm cho sự độc tôn về vai trò truyền thụ kiến thức của người thầy phần nào giảm sút. Thay vào đó là tăng cường định hướng, quản lý, điều khiển các hành vi ứng xử xã hội và tình cảm của học sinh trong quá trình hình thành nhân cách con người trong môi trường số hóa. Đây là một yêu cầu cao đối với người thầy, bởi xã hội đang phát triển theo quan điểm xây dựng nguồn nhân lực 4.0, hệ sinh thái 4.0 và nền văn hóa 4.0 trong xu thế hội nhập quốc tế. Biện pháp quan trọng mà người thầy cần làm lúc này là nhanh chóng loại bỏ những phương pháp truyền thụ kém hiệu quả do ảnh hưởng của giáo dục truyền thống. Thực tiễn giáo dục thời đại 4.0 cho thấy người thầy không chỉ có vai trò giảng bài mà cái chính là truyền cảm hứng cho học sinh trong khi tiếp nhận những thông tin mới; chú trọng hình thành cách học, cách lĩnh hội những khái niệm khoa học mới, phát triển tối đa đặc tính cá nhân của mỗi học sinh. Sự hình thành phương pháp học tập, phương pháp hành động, cư xử, giao tiếp của học sinh sẽ là một mục tiêu cơ bản của người thầy trong kỷ nguyên số.
Mặt khác, trong khi tương tác với học sinh, người thầy cần giúp cho các em hình thành khả năng tự định hướng trong học tập, biết lựa chọn những cái đúng, cái hay, cái đẹp từ các nguồn thông tin phong phú, đa chiều trên mạng internet, Facebook. Qua đó nhen nhóm lên ngọn lửa đam mê, khát khao theo đuổi những hoài bão, ước mơ sáng tạo ra cái mới trong tâm trí mỗi học sinh. Để nâng cao hiệu quả các giờ lên lớp trong thời đại 4.0, người thầy phải biết sử dụng thuần thục công nghệ thông tin trong giảng dạy. Thực tế hiện nay cho thấy phần đông các thầy cô đã có khả năng làm được việc này, nhưng chưa ứng dụng thường xuyên. Trong thiết kế chương trình giảng dạy còn thiên về việc sử dụng nhiều chữ, chưa chú ý đúng mức đến việc sử dụng kênh hình, gam màu và hiệu ứng nhả chữ trên màn hình. Những hạn chế đó làm cho bài giảng thiếu phong phú, hấp dẫn, chưa thu hút được học sinh...

Nói tóm lại, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đem đến cho công tác giáo dục-đào tạo nhiều cơ hội và thách thức. Tự hoàn thiện mình để thay đổi bản thân, đáp ứng yêu cầu của xã hội là lẽ sống còn để người thầy phát triển trong kỷ nguyên số.

TS PHẠM TRUNG THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người thầy và cuộc cách mạng 4.0