Mỗi nơi mỗi kiểu ứng xử với người đến từ vùng có dịch

13/09/2020 07:10

Những quy định không thống nhất về cách ly, xét nghiệm của các địa phương có thể làm ảnh hưởng tới việc duy trì trạng thái bình thường mới.

TP Hải Dương đã hết cách ly xã hội từ ngày 29.8, hiện trong tỉnh chỉ còn một số nơi cách ly y tế như một phần thôn Khay (xã Thống Nhất, Gia Lộc), một phần Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình... Tất cả các trường hợp F1 của bệnh nhân 1045 đều có kết quả âm tính, số bệnh nhân điều trị tại Hải Dương đang giảm dần. Từ ngày 7.9, các phương tiện vận tải hành khách được phép đi và đến TP Đà Nẵng. Nhưng hiện nay, cách tiếp nhận người đến từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Hải Dương của các địa phương đang ở trong tình trạng mỗi nơi một kiểu, gây nhiều khó khăn trước mắt cho người dân và cả những hệ lụy lâu dài khác nếu không được khắc phục nhanh chóng.

Một số địa phương như Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị bắt buộc người dân đến từ Đà Nẵng, TP Hải Dương phải cách ly tập trung. Có tỉnh, thành phố cho cách ly tại nhà. Có địa phương chỉ cho người dân đến từ 2 nơi này được lưu trú 72 giờ, sau đó muốn tiếp tục ở lại thì phải bỏ tiền làm xét nghiệm, có kết quả âm tính mới được ở tiếp. Có địa phương chỉ yêu cầu tự theo dõi sức khỏe, nếu có vấn đề mới cần liên hệ với cơ quan y tế… Những quy định khác nhau này khiến người dân đến từ những nơi có người mắc bệnh lâm vào tình trạng băn khoăn, lo lắng khi có việc cần phải đến những địa phương khác bởi không biết mình sẽ được tiếp nhận như thế nào tại nơi đến. Những quy định trên thường chỉ được biết đến khi các cơ quan báo chí phản ánh. Bản thân nhiều địa phương ra quy định chưa chủ động thông báo rộng rãi tới người dân trong cả nước. Có những nơi đưa ra quy định không rõ ràng, khiến người dân không hiểu được khi mình đến nơi đó thì sẽ thuộc diện phải cách ly tập trung hay không.

Cùng là người đến từ Đà Nẵng, TP Hải Dương mà mỗi nơi có một cách tiếp nhận khác nhau như vậy là không hợp lý. Chưa kể đến có những quy định gây khó cho người dân mà không có tác dụng phòng chống dịch. Ví dụ, có nơi yêu cầu cần có giấy chứng nhận âm tính mới được tới địa phương đó và lưu trú trong 72 giờ, sau đó muốn tiếp tục lưu trú thì phải xét nghiệm có kết quả âm tính một lần nữa. Nếu đã có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ trước khi tới đó thì việc phải xét nghiệm lại sau khi ở đó 72 giờ gây tốn kém không cần thiết. Những quy định như thế này gây cảm giác một số nơi đang cố tình làm khó người đến từ Đà Nẵng, TP Hải Dương để họ ngại, không tới địa phương mình nữa.

Chính phủ đã hơn một lần xác định phòng chống Covid-19 là cuộc chiến lâu dài bởi khi chưa có vaccine thì nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn hiện hữu. Vì thế, chúng ta phải duy trì cuộc sống bình thường mới, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, giữ đời sống xã hội ổn định. Những quy định không thống nhất về cách ly, xét nghiệm của các địa phương có thể làm ảnh hưởng tới việc duy trì trạng thái bình thường mới này. Vì thế, cần có hướng dẫn chung về cách tiếp nhận người đến từ những nơi có dịch nhưng đã hết thời gian cách ly xã hội để các địa phương cùng thực hiện một cách thống nhất. Những quy định được xây dựng dựa trên các cơ sở khoa học, các nguyên tắc về bảo đảm an toàn và thông báo rộng rãi trong toàn quốc sẽ giúp người dân nắm bắt được nhanh chóng, yên tâm khi đi tới các địa phương khác. Khi đó, các quy định sẽ góp phần thiết thực trong phòng chống dịch, các địa phương khôi phục hoạt động kinh tế, đời sống xã hội nhanh chóng hơn.

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỗi nơi mỗi kiểu ứng xử với người đến từ vùng có dịch