Không được chủ quan

06/08/2019 10:10

Ngày tôi còn nhỏ, trong làng còn nhiều nhà mái rạ hoặc tường vôi, mái ngói.

Mỗi khi có tin bão về, nhà nào cũng lo chằng chống, gia cố ngôi nhà cho chắc chắn. Mái rạ được nẹp thêm những thân tre, mái ngói đè thêm nhiều bao cát. Một số nhà thấp đều có phần gác gỗ lên sát mái để phòng khi nước lụt có chỗ cho cả người, gà, lợn lên trú. Các bà mẹ thì lo liệu tích trữ sẵn gạo, lạc, mắm muối để phòng bão.

Nhiều khi bão tan, chả gây thiệt hại gì. Bây giờ, sự "đỏng đảnh" của những cơn bão vẫn thế. Lúc có khả năng đến, lúc không và sức tàn phá luôn khó lường. Cơn bão số 3 vừa quét qua tỉnh ta tuy đã suy yếu thành áp thấp vẫn gây thiệt hại đáng kể. Hàng nghìn ha lúa mùa, cây trồng bị ngập nước, nhiều cây xanh hàng chục năm tuổi bị bật gốc, gãy đổ; có nơi hàng nghìn con gà bị chết; nhiều nơi gặp sự cố gây mất điện. Các tỉnh cùng hứng chịu cơn bão cũng đang phải khắc phục nhiều thiệt hại to lớn.

Thiên tai, dịch bệnh khó tránh, thiệt hại thì vô lường. Chỉ riêng trong năm 2018, cả nước đã phải hứng chịu 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới làm hơn 200 người chết, thiệt hại lên tới hơn 20.000 tỷ đồng. Bùng phát từ năm 2004-2017, đại dịch cúm gia cầm ở Việt Nam đã cướp đi 125 sinh mạng, lấy đi 1,8% giá trị GDP. Năm nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã càn quét gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng... Tàn phá nặng nề là thế nhưng chúng ta chỉ có cách duy nhất là đương đầu. Đương đầu bằng cách chủ động chuẩn bị các điều kiện, yếu tố để giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất.

Công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh luôn được chính quyền các cấp chỉ đạo sát sao, kiên quyết. Đáng lo là không thiếu cán bộ, nhân dân vẫn còn tâm lý chủ quan trong phòng bị trước thiên tai, dịch bệnh. Trong số cây xanh bị đổ, bật gốc ở TP Hải Dương trong cơn bão số 3 vừa qua có một số cây trong diện phải chặt hạ, một số cây ở bờ sông Sặt - nơi đang bật vỉa hè lên để sửa chữa. Sự cố tấm tôn lớn rơi vào đường dây điện gây mất điện diện rộng cũng tại TP Hải Dương có thể tránh được nếu chủ nhân của tấm tôn đó gia cố trước khi bão về...

Đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, lo ngại nhất là nhiều hộ đã nóng vội tái đàn khi dịch chỉ vừa tạm lắng xuống.

Năm nay, mùa bão được dự báo đến muộn. Tất nhiên, thời tiết, dịch bệnh và cả hỏa hoạn, sự cố đều luôn nằm ngoài các khả năng dự báo, dự đoán của con người. Chỉ có sự chủ động, không lơ là, sẵn sàng các điều kiện đương đầu với gió bão như những người nông dân quê tôi năm xưa mới có thể phần nào giảm thiểu những thiệt hại về cả người và của. 

THU MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không được chủ quan