Khát vọng phát triển và PCI

17/04/2018 18:16

Hải Dương sẽ phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp của Bắc Bộ và cả nước, là thành phố trực thuộc Trung ương trong “thập kỷ tới” (giai đoạn 2020-2030).

Hai sự kiện quan trọng được nhiều người quan tâm gần đây là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh vào chiều 9.4 và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 vào cuối tháng 3 vừa qua.

PCI năm 2017 của Hải Dương xếp thứ 49 trong số 63 tỉnh, thành cả nước, thuộc nhóm trung bình và là năm thứ 3 liên tiếp chỉ số này giảm. Tại buổi làm việc ngày 9.4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ những hạn chế trong vấn đề này và yêu cầu lãnh đạo tỉnh cần nhìn thẳng vào các hạn chế để khắc phục. Thủ tướng Chính phủ mong muốn Hải Dương sẽ phát triển bứt phá, xứng với tiềm năng của tỉnh. Một tầm nhìn chiến lược được Thủ tướng vạch ra: “Hải Dương cần có quyết tâm chính trị cao hơn, có ước mơ cao hơn, khát vọng mạnh mẽ hơn để phát huy nội lực, sánh vai với những tỉnh phát triển trong khu vực. Trong thập kỷ tới, Hải Dương cần phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp của Bắc Bộ và cả nước. Xây dựng Hải Dương thành thành phố trực thuộc Trung ương, kết nối với Hà Nội - Hải Phòng”.

Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra một giải pháp quan trọng là Hải Dương cần xây dựng chính quyền thực sự kiến tạo, phát triển, đặt mục tiêu thuộc nhóm 20 địa phương có PCI tốt nhất cả nước, nhất là các chỉ số về tính năng động, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng. Cần sớm tăng gấp đôi số doanh nghiệp, thu hút các doanh nghiệp lớn trong nước, thế giới đến đầu tư.

Chắc hẳn ở thời điểm này, ít người nghĩ đến việc Hải Dương sẽ phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp của Bắc Bộ và cả nước, là thành phố trực thuộc Trung ương trong “thập kỷ tới” (giai đoạn 2020-2030). Một số người cho rằng rất khó đạt mục tiêu này hoặc đạt được thì phải lâu hơn nữa, không thể trong giai đoạn 2020-2030. Bởi, dù phấn đấu tăng hạng PCI song 3 năm gần đây chỉ số này lại giảm liên tiếp. PCI giảm có thể làm cho nhiều doanh nghiệp sẽ chọn những địa phương khác có môi trường đầu tư được đánh giá tốt hơn để sản xuất, kinh doanh. Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế song nếu không khai thác tốt thì Hải Dương sẽ khó phát triển nhanh và bị “kẹt cứng” trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Tôi cho rằng trong giai đoạn 2020-2030, Hải Dương phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, một trung tâm công nghiệp ở Bắc Bộ và cả nước là một mục tiêu rất lớn nhưng vẫn có thể thành hiện thực. Vấn đề quan trọng nhất là phải hiện thực hóa khát vọng, mục tiêu đó bằng những hành động đột phá để tạo ra sự phát triển mạnh mẽ. Hành động đột phá đầu tiên không nằm ngoài việc nhanh chóng cải thiện PCI để Hải Dương thực sự là mảnh đất lành cho các nhà đầu tư. Bài học kinh nghiệm từ các địa phương phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả như Đà Nẵng, Quảng Ninh đều bắt nguồn từ việc nâng cao thứ hạng PCI. Hải Dương cần thoát khỏi nhóm xếp hạng PCI trung bình để vươn lên nhóm tốt càng sớm càng tốt. Mục tiêu PCI thuộc nhóm 5 hoặc nhóm 10 địa phương tốt nhất cả nước cần được tính đến. Nếu việc cải thiện PCI càng chậm trễ, mục tiêu sẽ càng khó thực hiện.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khát vọng phát triển và PCI