​Học tập quan điểm lao động của Chủ tịch Hồ Chí Minh

01/05/2020 20:20

Dù ở đâu Bác cũng sống với những người lao động và làm nhiều nghề. Đó là điều kiện để Bác hiểu giá trị của lao động và người lao động.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Sở Nông Lâm Hà Nội và sử dụng thử chiếc máy cấy tại ruộng thí nghiệm của Sở (7.1960). (Nguồn: TTXVN)

Từ thuở ấu thơ, Bác Hồ đã sống giữa những người nông dân cần cù, chân chất. Lớn lên, Bác ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng. Cho nên dù ở đâu Bác cũng sống với những người lao động và làm nhiều nghề: phụ bếp, quét tuyết, chụp ảnh... để sống. Đó là điều kiện để Bác hiểu giá trị của lao động và người lao động. Về nước năm 1941, sống ở hang Pác Bó cho đến suốt 9 năm kháng chiến tại Chiến khu Việt Bắc, Bác lại được nhân dân lao động nuôi bằng ngô, măng rừng, gạo..., khi ốm được dân lo chữa bệnh. Có thể nói Bác có quá nhiều thực tế để hiểu rõ ý nghĩa của lao động và người lao động.

Mặt khác khi tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lê nin về cuộc cách mạng vô sản, Bác được hiểu sâu, hiểu rộng về lao động và người lao động. Như vậy, Bác có cả lý luận và thực tiễn về lao động. Chính cái đó giúp Người có quan điểm rất đúng đắn, tiến bộ về chiều sâu, bề rộng với lao động và người lao động, cả Việt Nam và toàn cầu.

Quan điểm lao động của Bác được thể hiện ở đường lối chiến lược trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Đó là lấy quần chúng lao động làm lực lượng cách mạng. Từ khi cách mạng chưa nổ ra, lúc soạn lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3.2.1930, Bác viết: “Hỡi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh, anh chị em bị áp bức bóc lột!”. Hai thành phần lao động chính là công, nông được Bác đưa lên đầu câu. Đến “Lời kính cáo đồng bào” ngay sau đó, Bác mở rộng đối tượng cả lao động chân tay và lao động trí óc: “Hỡi các bạn công, nông, binh, thanh niên, phụ nữ, công chức, tiểu thương”. Trong “Tuyên ngôn độc lập”, Bác còn nêu cụ thể về nỗi khổ của người lao động Việt Nam: “Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng”. Đặc biệt trong Di chúc, Người dành cả một đoạn nói về người lao động và nhiệm vụ của Đảng phải làm gì: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù... Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, Bác càng thấu hiểu sự cống hiến và hy sinh to lớn của người nông dân: “Nông dân là quân chủ lực... không có nông dân thì kháng chiến ta không thể thành công”. Nông dân không chỉ làm ra lương thực, thực phẩm nuôi quân mà còn là nguồn bổ sung vô tận cho lực lượng cách mạng. Các làng quê của nông dân thành làng kháng chiến, thành pháo đài đánh giặc...

Ngoài việc lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện các sách lược có tầm vĩ mô đối với người lao động và công cuộc lao động, Bác Hồ luôn đi sát công nhân và nông dân bằng các cuộc viếng thăm thực tế, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Người thăm các nhà máy, xí nghiệp, công trường, nông trường, làng xóm, thăm gia đình công nhân, nông dân, trí thức. Người thăm đơn vị quân đội, trường đại học, trường tiểu học cho đến lớp mẫu giáo... Cuộc thăm nào của Bác cũng mang tính “đột kích” nhanh, giản dị, gọn nhẹ: không báo trước, không có lễ đài, không băng rôn, khẩu hiệu. Bác đến nhanh và bất ngờ. Bác nắm tình hình rất cụ thể và nói ngắn nên ai cũng nhớ. 

Không những hiểu cuộc sống của công nhân, nông dân, trí thức, cán bộ..., Bác Hồ luôn mang tư tưởng lao động rất thực tiễn trong hoàn cảnh Việt Nam. Đó là lao động sản xuất phải gắn liền tiết kiệm. Dù nói chuyện với cán bộ công đoàn hay công nhân mỏ than, công nhân cơ khí, nông dân, cụm từ “tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm” luôn được nhắc đi nhắc lại. Người không nói từ “tiết kiệm” chung chung vì như thế chỉ là lý thuyết mà người nói “thực hành tiết kiệm”, tức là tiết kiệm phải biểu hiện bằng hành động cụ thể mới có ý nghĩa. Có lúc Người còn dùng từ “triệt để” thay vào từ “thực hành”. Ta hiểu “triệt để tiết kiệm” là tiết kiệm ở mức độ tối đa trong sản xuất, sinh hoạt như ăn, ở, mặc, đi lại.... Cái gì tiết kiệm được phải tiết kiệm. Người quá hiểu đời sống nghèo nàn và lạc hậu của nhân dân ta vào những năm mới lập lại hòa bình ở miền Bắc. Vì thế, con đường tất yếu là phải lao động. Nếu như lao động thời phong kiến, đế quốc là vì miếng cơm manh áo của chính mình, gia đình mình thì lao động thời nay còn là “nghĩa vụ thiêng liêng” đối với Tổ quốc nữa. Đó là lao động mới, vẻ vang hơn, quý giá hơn.

Là một lãnh tụ của giai cấp vô sản, thể hiện quan điểm về lao động, Bác Hồ luôn có phong cách sống như một người lao động bình thường. Từ năm 1954-1969, Bác ở trong Phủ Chủ tịch thì chuyện ăn uống hằng ngày của Bác ra sao, chúng ta đã biết. Ngoài các công việc hành chính của Chủ tịch hoặc những cuộc ngoại giao với khách nước ngoài, Bác Hồ vẫn thả cá, trồng rau, tưới cây... Những việc làm ấy nếu Bác không có cảm hứng yêu thích lao động thì làm sao làm được? Ngày nay, chúng ta còn giữ được nhiều tấm ảnh chụp Bác Hồ ngồi đạp guồng nước, tát nước chống hạn, trồng cây, làm vườn, nuôi cá, kéo lưới với người dân...

Có thể nói, Bác Hồ là vị lãnh tụ xuất thân từ môi trường lao động nên Bác hiểu giá trị lao động, quý trọng người lao động. Bác luôn tái hiện chân thật hình ảnh người nông dân trong hình ảnh lãnh tụ. 

Nhân dịp Ngày Quốc tế lao động 1.5, chúng ta cùng nhau học Bác ở tư tưởng, quan điểm lao động, ở việc làm và ứng xử gắn bó thân tình với công dân, nông dân. Cán bộ hãy đến gần hơn với người lao động để xóa bệnh quan liêu; cùng nhau thực hành tiết kiệm; sống giản dị như Bác, bỏ bớt xa hoa lãng phí...  Lắng nghe để biết người lao động ở mỗi địa phương, mỗi loại hình sản xuất đang thiếu, thừa gì, cần gì để có chính sách và cách thức chỉ đạo đúng đắn. 

VĂN DUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ​Học tập quan điểm lao động của Chủ tịch Hồ Chí Minh