Học đức tính "cần"

15/05/2019 18:06

Đức tính "cần" có nghĩa là phải làm việc siêng năng, chăm chỉ, dẻo dai, trung thực, vượt qua mọi khó khăn, giữ nghiêm kỷ luật lao động để hoàn thành công việc, đem lại hiệu quả cao.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đức tính "cần" có nghĩa là phải làm việc siêng năng, chăm chỉ, dẻo dai, trung thực, vượt qua mọi khó khăn, giữ nghiêm kỷ luật lao động để hoàn thành công việc, đem lại hiệu quả cao.

Theo Bác: "Người siêng năng thì mau tiến bộ. Cả nhà siêng năng thì chắc ấm no. Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh. Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu". Để thực hiện "cần", Người chỉ rõ: “Muốn cho chữ cần có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng… Vì vậy, siêng năng và kế hoạch phải đi đôi với nhau. Kế hoạch lại đi đôi với phân công".

Hiện nay trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội phải chăng vẫn trong tình trạng thiếu kế hoạch hoặc kế hoạch thiếu cụ thể, không sát thực tế. Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đánh giá: “Chất lượng xây dựng và quản lý chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển chưa đáp ứng yêu cầu”. Cho nên trong lĩnh vực sản xuất nói chung, sản xuất nông nghiệp nói riêng thường xuyên xảy ra tình trạng khủng hoảng, thừa hoặc thiếu, được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Sản phẩm làm ra chất lượng thấp, giá cao, làm bừa, làm ẩu, thậm chí gian dối trong sản xuất, kinh doanh.

Vậy căn nguyên của tình trạng đó là gì? Có lẽ từ 3 nguyên nhân: sản xuất tăng trưởng quá nhanh, dẫn đến cung vượt quá cầu; tổ chức ngành hàng chưa tốt, khâu liên kết trong sản xuất, chế biến kém; tổ chức thị trường yếu. Trong 3 khâu (sản xuất, chế biến, tiêu thụ), chỉ có khâu đầu tiên làm tương đối tốt, còn 2 khâu khác chưa tốt, từ đó dẫn đến khủng hoảng thừa. Như vậy, thực chất của tình trạng trên trong sản xuất nông nghiệp là do chúng ta thiếu tầm nhìn, công tác quy hoạch và xây dựng kế hoạch chưa tốt, gồm cả quy hoạch, kế hoạch tầm chiến lược của quốc gia, của từng ngành, địa phương. Nông dân vẫn làm siêng năng, chăm chỉ, nhưng theo lối tự phát, thiếu liên kết, thiếu kế hoạch, không bền vững và chất lượng sản phẩm thấp.

Hiện nay, bà con nông dân ở các địa phương đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch vải thiều, xoài, nhãn, na...  Dịch tả lợn châu Phi vẫn đang là mối đe dọa đối với ngành chăn nuôi lợn, đã mấy tháng nhưng chưa thể khống chế. Tại tỉnh ta, bệnh dịch đã lan rộng ra 254 xã, phường, thị trấn. Tại sao bệnh dịch này chưa thể khống chế được mà vẫn tiếp tục lan rộng? Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là ý thức phòng và chống dịch của người chăn nuôi chưa tốt. Nhiều người không trung thực, vô trách nhiệm, biết lợn mắc dịch vẫn bán và vận chuyển, không thực hiện đúng quy trình xử lý khi có dịch. Đây là điều quan trọng nhất quyết định đến thành quả lao động và để đánh giá có “cần” hay không “cần”. 

 Do đó, về lâu dài cần khởi động lại và thực hiện tốt chủ trương, kế hoạch về sự liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tích cực liên kết với nông dân xây dựng chuỗi sản xuất, kinh doanh, góp phần làm tăng giá trị sản phẩm và ổn định thị trường, để dễ tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý. Từ liên kết sẽ có giải pháp đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, dự báo thị trường.

Bà con nông dân cần thay đổi cách nghĩ, cách làm, có trách nhiệm với sản phẩm làm ra, từ đó giúp loại bỏ dần tư duy sản xuất chộp giật. Quan tâm xây dựng nhãn hiệu, tạo dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản. 

Để tạo điều kiện cho nông dân trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm thì rất cần đến vai trò của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương. Đặc biệt là phát huy vai trò của Hội Nông dân, người đại diện của bà con nông dân trong tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, pháp lý, thị trường...

ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN (Trường Chính trị tỉnh)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học đức tính "cần"