Hãy suy nghĩ khi cầm chén rượu

19/03/2018 16:34

Tin tức gần đây cho hay ở Nghệ An, một số người uống rượu ngâm rễ cây bị ngộ độc, ba người chết, một người phải cấp cứu ở bệnh viện.

Ngộ độc rượu không còn là chuyện hi hữu. Ngay ở tỉnh ta và trên phạm vi cả nước, đây là một vấn nạn đáng báo động.

Theo một thống kê cách đây ít lâu, Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng nhiều rượu bia trên thế giới. Cụ thể, Việt Nam thứ nhì Đông Nam Á về khoản bia rượu (sau Thái Lan), thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới. 77,3% số nam giới dùng rượu bia, xếp đầu bảng thế giới. Nữ cũng có tới 11% số chị em dùng rượu bia. Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ 200 triệu lít rượu (loại được cấp phép), không kể rượu lậu, rượu tự nấu hoặc pha chế không kiểm soát. Bình quân mỗi năm, một nam giới tự đưa vào cơ thể mình 27,4 lít cồn nguyên chất, thật đáng lo ngại.

Rượu bia liên quan đến bệnh tật và tai nạn giao thông. Do uống rượu mà có thể suy sụp, ngoài nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi, lú lẫn, chất cồn trong rượu còn ảnh hưởng đến tạng phủ trong cơ thể, để lại nhiều di chứng nguy hại tới sức khỏe, thậm chí gây tử vong. Cụ thể, rượu gây ung thư, gây độc hại gan, ảnh hưởng đến não, thần kinh, tim mạch, thận, giảm sức đề kháng. Rượu bia gây loạn thần, không còn phân biệt đúng sai, dễ dẫn đến ẩu đả, thương vong. Tai nạn giao thông do rượu bia đã xảy ra khá phổ biến. Bệnh viện nào cũng có người bệnh nguyên nhân từ uống rượu bia. Đã có nhiều nhân chứng sống được Bệnh viện Đa khoa tỉnh ghi lại. Có một người ngồi nhâm nhi từ sáng đến trưa, hết một lít rượu. Lúc đạp xe ra về, tự đâm vào dải phân cách, bị thương nặng, máu me đầm đìa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phải chuyển gấp lên Bệnh viện Việt - Đức. Lại một người khác ăn cỗ uống rượu say, đi xe đạp về, đã tự ngã dập mặt xuống đất, bị một cành cây đâm vào mặt, găm vào tận hộp sọ...

Từ nhiều năm nay, Ban An toàn giao thông các cấp đã tăng cường chỉ đạo tuyên truyền phòng chống lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn. Đây không chỉ là việc của tổ chức lo về an toàn giao thông, mà phải là công tác trọng tâm thường xuyên của các cấp, các ngành. Nó cũng là vấn đề mà từng người dân, từng gia đình phải suy ngẫm. Cần vận động nhân dân hạn chế sử dụng rượu bia trong các dịp sum họp như giỗ Tết, cưới xin, ma chay, liên hoan... Các làng, khu dân cư phấn đấu đạt danh hiệu văn hóa phải là địa chỉ văn hóa về sử dụng đồ uống, không để xảy ra mỗi dịp cụng chén là có người say xỉn, lời ra tiếng vào do hơi men. Trong việc này, phải nhấn mạnh đến vai trò người đứng đầu và ban lãnh đạo các tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Trong ca dao, tục ngữ, nhân dân ta đã có nhiều câu nhắc nhở, lên án tệ nghiện ngập như: "Rượu chè cờ bạc", "Rượu sớm trà trưa", "Rượu vào lời ra"... Hay gì loại người "rượu cả vò, chó cả con", để nỗi đau nỗi khổ cho gia đình, xóm làng. Hãy suy nghĩ kỹ về lời người con gái trách ai đó: "Người ta rượu sớm trà trưa/Em nay đi sớm về trưa một mình" (ca dao). Có gì vui khi đọc hai câu Kiều: "Mảng vui rượu sớm cờ trưa/Đào đà phai thắm, sen vừa nảy xanh".

Cầm đến cốc bia, chén rượu, cần suy nghĩ về hậu quả xấu của việc lạm dụng thứ đồ uống này.

HỮU NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hãy suy nghĩ khi cầm chén rượu