Gắn kết ba môi trường giáo dục

05/09/2019 08:07

Hôm nay 5.9 là Ngày hội Toàn dân đưa trẻ đến trường, học sinh cả nước nô nức đón chào một năm học mới.

Vào ngày này, toàn xã hội nói chung, các bậc cha mẹ nói riêng khi đưa con đến trường đều mong muốn con em không chỉ được học chữ mà còn được học làm người, để trở thành người tốt, người có ích cho gia đình và xã hội.

Bước vào ngôi trường sau 3 tháng hè, chắc hẳn nhiều học sinh sẽ thấy những khẩu hiệu như “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô là một tấm gương cho học sinh noi theo”… được tô rõ nét, nổi bật hơn. Cũng để chuẩn bị cho năm học mới, năm nào ngành giáo dục cũng có chỉ thị, công văn, tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ… Các chỉ đạo đều chú trọng kết hợp ba môi trường giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội.

Nhưng càng những năm học gần đây, những biểu hiện tiêu cực về đạo đức, lối sống không chỉ ở học sinh mà ở cả thầy giáo, cô giáo có chiều hướng gia tăng, làm cả cộng đồng nhức nhối. Tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức ngày 6.8.2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu ngành giáo dục “năm học này phải tạo ra sự chuyển biến căn bản về đạo đức, lối sống, kể cả kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó nhà trường đóng vai trò trung tâm”. Thủ tướng yêu cầu các thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, là tấm gương đạo đức quý báu nhất để học sinh noi theo. Bộ GDĐT cần rà soát lại các chương trình giáo dục đạo đức, lối sống, bảo đảm thiết thực, khả thi, hiệu quả…

Nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của nhà trường vì đây đó vẫn còn coi trọng dạy chữ hơn dạy người, kiến thức văn hóa hơn đạo đức, lối sống nên cả thầy và trò chưa có ý thức, kiến thức và kỹ năng rèn luyện đạo đức, lối sống. Thực tế đã chứng minh không thể có học sinh có đạo đức, lối sống tốt nếu thầy cô chưa là tấm gương tốt từ kiến thức chuyên môn đến lối sống hằng ngày.

Trước thực tế cuộc sống đã có nhiều thay đổi, trò học thì thầy cũng phải học, phải đọc. Thầy không thể làm gương được nếu không gương mẫu học và đọc. Mặt khác, phải hiểu nhà trường là trung tâm nhưng không thể "đóng khung" giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, vì giáo dục ngoài nhà trường cũng có tầm quan trọng không kém. Vì thế, nhà trường nói chung và từng thầy giáo, cô giáo nói riêng phải có chương trình, biện pháp để gắn kết chặt chẽ ba môi trường giáo dục nhà trường, gia đình, xã hội. Đó là vì giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng không thể nói suông mà học sinh cần có điều kiện, hoàn cảnh, không gian, hoạt động trải nghiệm. Công việc đó đòi hỏi thầy giáo, cô giáo, nhất là giáo viên chủ nhiệm, phụ trách bộ môn phải rất nhiệt tình, sáng tạo… để giúp học sinh thực hành và qua đó củng cố thêm những kiến thức đã học, bồi dưỡng thêm tình yêu con người, quê hương, đất nước.

Trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục của tỉnh ta không ngừng phát triển, luôn là địa phương đứng trong tốp đầu cả nước. Bước vào năm học mới, hy vọng ngành giáo dục Hải Dương tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến, thực hiện tốt những chỉ dẫn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong thư gửi ngành và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tạo môi trường tốt nhất để các em trưởng thành.

THẾ NGUYỄN (TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gắn kết ba môi trường giáo dục