Điểm tốt nghiệp cao chưa hẳn đã vui

29/08/2020 09:09

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa công bố phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2020. So với năm 2019, điểm thi của từng môn năm nay tăng mạnh, nhất là ở mức từ 8 điểm trở lên.

Tuy số thí sinh dự thi năm nay ít hơn năm trước khoảng 33.000 nhưng số thí sinh đạt 8 điểm môn toán tăng gần gấp đôi, thí sinh đạt 9 điểm tăng đến 6 lần. Ở môn vật lý, con số này tương ứng là tăng gấp 3lần và 4 lần. Đặc biệt môn hóa học có số thí sinh đạt 8 điểm tăng gần 4lần, số thí sinh đạt 9 điểm tăng gần 10 lần năm trước. Ở môn sinh học, số thí sinh đạt điểm 8 tăng gấp đôi, môn lịch sử gấp hơn 2 lần, địa lý 3 lần. Mức 9 điểm, số thí sinh đạt được năm nay ở môn sinh học, lịch sử nhiều gấp 3 lần, giáo dục công dân 2 lần.

Nhìn vào mức điểm thi tăng đột biến như vậy, người lạc quan nhất có lẽ cũng không nghĩ rằng nguyên nhân là do học lực của học sinh năm nay tăng hơn nhiều so với năm trước. Mức tăng này thực chất là do đề thi năm nay được ra theo hướng chủ yếu dùng để xét tốt nghiệp THPT như Bộ GDĐT chủ trương ban đầu. Tuy rằng sau đó, do nhiều trường đại học không kịp tổ chức kỳ thi riêng, bộ đã “mở lối” rằng các trường vẫn có thể dùng điểm thi này để xét tuyển, nhưng đề thi năm nay nhìn chung vẫn nhẹ nhàng hơn. Những sự thay đổi liên tục về đề thi, cách tổ chức thi trong những năm gần đây khiến cho việc đánh giá trình độ của học sinh THPT khó khăn. Nhìn vào mức điểm thi không thể nhận biết được liệu học sinh đang tiến bộ hay tụt lùi ở các môn học hay không để điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học một cách phù hợp.

Vì điểm thi tăng ở tất cả các môn nên điểm xét tuyển đại học theo tổ hợp dự kiến cũng sẽ tăng chóng mặt. Ở tổ hợp toán - hóa - sinh, mức điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 22 điểm, tăng gần 5 điểm so với năm 2019 (17,05 điểm). Tổ hợp văn - sử - địa cũng tăng từ 15,5 điểm của năm trước lên 19 điểm. Ở tổ hợp toán - văn - Anh, mức điểm nhiều thí sinh đạt nhất năm trước chỉ 15, năm nay tăng lên 19. Khi phổ điểm tăng cao do đề dễ hơn dẫn đến sự bất cập trong xét tuyển vào đại học. Theo quy chế tuyển sinh đại học năm nay, trường đại học được phép sử dụng điểm thi được bảo lưu từ các kỳ thi THPT quốc gia những năm trước để xét tuyển. Nhưng khi điểm trung bình của thí sinh năm nay tăng đến 4-5 điểm so với năm trước thì việc trúng tuyển của thí sinh các năm trước gần như vô vọng nếu như dùng chung một mức điểm chuẩn.

Tuy cũng tăng so với năm 2019 nhưng phổ điểm môn tiếng Anh vẫn thấp ở mức đáng báo động. Nếu như điểm các môn khác tăng cao chưa chắc là tín hiệu đáng mừng thì việc điểm môn tiếng Anh vẫn thấp lại chắc chắn là điều đáng lo. Đây là môn duy nhất có điểm trung bình dưới 5 (4,58 điểm) với 543 thí sinh bị điểm liệt, nhiều nhất trong 9 môn thi. Phổ điểm tiếng Anh này vẫn chưa phản ánh năng lực toàn bộ học sinh lớp 12 vì gần 100.000 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên không phải thi môn này. Nếu số thí sinh này cũng bắt buộc phải thi thì có thể điểm trung bình môn tiếng Anh còn thấp nữa. Những con số này cho thấy việc dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông còn nhiều hạn chế; những chương trình, đề án để nâng cao trình độ tiếng Anh cho cả giáo viên và học sinh chưa thực sự phát huy hiệu quả. Đây vẫn là môn học cần nhiều nỗ lực cải cách về cả nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy lẫn trình độ giáo viên.

Để phổ điểm thi tốt nghiệp qua các năm phản ánh sát thực sự biến động (hoặc ổn định) của học lực học sinh THPT, Bộ GDĐT nên duy trì một mô hình thi với cách ra đề thi ổn định. Điều này cũng sẽ giúp các trường đại học dễ tuyển sinh hơn nếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển. Trong kỳ tuyển sinh năm nay, để bảo đảm sự công bằng cho các thí sinh thi từ những năm trước, các trường có thể đề ra những mức điểm chuẩn khác nhau cho từng đối tượng thí sinh.

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm tốt nghiệp cao chưa hẳn đã vui