Để không còn những "con sâu" trong môi trường giáo dục

14/03/2019 14:47

Để không còn những "con sâu" trong môi trường giáo dục, hơn bao giờ hết cần phải chấn chỉnh ngay công tác tuyển sinh vào các trường cao đẳng, đại học sư phạm.

Vụ việc Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) xâm hại tình dục hàng loạt học sinh nam, gây rúng động dư luận cuối năm trước chưa lắng xuống thì chỉ hơn một tuần đầu tháng 3.2019 lại liên tiếp có những vụ giáo viên nghi có hành động dâm ô với học trò. Những sự việc suy đồi đạo đức ấy đã từng diễn ra ở Bắc Giang, Thái Bình, Bình Thuận… So với hàng chục triệu giáo viên, học sinh cả nước, đó chỉ là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”, dù vậy nó vẫn là điều phản cảm, gây nên những làn sóng dư luận không tốt.

Theo một vị đại diện Cục Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo), thời gian qua, bộ đã có nhiều giải pháp để chấn chỉnh đạo đức nhà giáo. Các địa phương đã quan tâm từ khâu tuyển chọn, sử dụng, quản lý trực tiếp đội ngũ nhà giáo và mỗi khi xảy ra các hiện tượng tiêu cực đã xử lý kịp thời các giáo viên mắc sai phạm. Thế nhưng, trái với sự chỉ đạo của bộ, những vụ việc thầy dâm ô với trò vẫn liên tiếp xảy ra và có phần nghiêm trọng hơn. Phải chăng những biện pháp trên thực hiện chưa đủ mạnh và chỉ là “phần ngọn”?

Qua các phương tiện truyền thông, người dân quan tâm đến phần gốc rễ của vấn nạn này. Trước hết cần xem xét từ khâu đào tạo những người thầy, cần coi trọng "ngành sư phạm là công nghiệp nặng của ngành giáo dục". Muốn vậy phải có sự đầu tư thỏa đáng cho ngành này, không chỉ có cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy… mà quan trọng hơn là đội ngũ những người đào tạo ra thế hệ thầy giáo, cô giáo tương lai. Bởi có thầy giỏi - theo nghĩa toàn diện - thì mới dạy được những người đi làm thầy có đủ phẩm chất cần thiết.
Thực tế cho thấy việc tuyển chọn sinh viên, đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục phẩm chất đạo đức, thực hiện học đi đôi với hành ở nhiều nơi chưa đến nơi đến chốn. Vì thế, khi bước vào môi trường sư phạm, đã có những thầy cô không đủ trí lực, kỹ năng, phẩm giá để vượt qua thử thách trước những cám dỗ của đời thường…

Để không còn những "con sâu" ấy, hơn bao giờ hết cần phải chấn chỉnh ngay công tác tuyển sinh vào các trường cao đẳng, đại học sư phạm. Phải tuyển chọn những thầy giáo, cô giáo tương lai hội đủ cả trình độ, năng lực và đạo đức. Trong quá trình đào tạo, những sinh viên đó phải là những người thực sự giỏi chuyên môn, đủ tư cách đạo đức để dạy học. Sau khi ra trường được tuyển dụng thì việc tiếp tục bồi dưỡng, học tập, rèn luyện của các nhà giáo trẻ càng quan trọng. Ngành giáo dục cần có quy chế, quy định trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên đối với đội ngũ giáo viên về mọi mặt, trong đó chú ý mối quan hệ thầy - trò. Đặc biệt cần giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn cho hiệu trưởng từ việc tăng cường bồi dưỡng tư cách, đạo đức đến kiểm tra, giám sát thường xuyên, qua đó sàng lọc đội ngũ. Quy trách nhiệm và xử lý nghiêm người đứng đầu đối với những vi phạm của giáo viên  trường mình…

Cùng với công cuộc đổi mới đất nước toàn diện, nền giáo dục nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh những thành tựu mới, thiết nghĩ cần có những chủ trương và giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa trong đào tạo, rèn luyện đội ngũ nhà giáo để không còn những “con sâu” trong môi trường giáo dục.

    NGUYỄN THẾ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để không còn những "con sâu" trong môi trường giáo dục