Công thổ quốc gia không phải vườn nhà của ai đó

29/07/2018 09:50

Những ngày gần đây, dư luận rộ chuyện lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang điềm nhiên cắt hơn 17.000 m2 đất công viên cho một chủ doanh nghiệp “mượn 43 năm” để xây dựng sân tập golf.


Xảy ra nhiều sai phạm trong lĩnh vực đất đai. Ảnh: TTXVN

Gần 60 biệt thự xây dựng trái pháp phép trên địa bàn huyện Ba Vì (Hà Nội) mà chính quyền sở tại và cơ quan chủ quản vẫn cho qua vì… nể, mặc kệ dư luận. Trước đó, dư luận cũng không ngớt bàn tán chuyện các quan chức và cán bộ có chức năng tham mưu ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... bán nhiều diện tích “đất vàng” với giá “bèo”.

Rồi chuyện không ít cán bộ có chức quyền ở các tỉnh miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên ngoài chỗ ở riêng như "cung điện" "biệt phủ" còn là chủ rừng với diện tích lớn đến mức ngạc nhiên. Đó là chưa nói đến nhiều vụ “lùm xùm” liên quan đến các vi phạm pháp luật về đất đai ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang)... Những thông tin đã lan tỏa nói trên có được, dù mức độ  chính xác có thể còn phải bàn, nhưng công phát hiện ban đầu thuộc về người dân, các cơ quan truyền thông.

Tất nhiên, trong đó không ít vụ việc, trước khi được công khai là nhờ công chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, kết quả làm việc vất vả của cơ quan Điều tra, Thanh tra; có vụ kết luận đã công khai, có vụ còn chờ. Có vụ đã có kết luận Thanh tra như vụ “mượn đất” ở Bắc Giang, dư luận không đồng tình vì trong kết luận thay vì phải khẳng định đúng hay sai thì “văn tự” lại “kết” là “chưa phù hợp”.

Người dân bức xúc, quan tâm đặc biệt đến các thông tin liên quan việc mua bán, chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đất có dấu hiệu mờ ám là lẽ đương nhiên vì đất đai là quốc gia công thổ, là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, trong khi số đông hiện vẫn chưa có “thước đất cắm dùi”. Ai cũng hiểu, Hiến pháp 2013 xác định đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước; song ai là người có quyền "định đoạt"? Bởi vậy, dư luận bức xúc, có phần "phẫn nộ" trước các thông tin cho rằng ai đó ngang nhiên "làm lơ" để doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh trái pháp luật, cho nhau mượn tài nguyên đặc biệt của quốc gia như mớ rau con cá. Như vậy thì đúng là còn chi thể thống, còn gì là kỷ cương phép nước.

Cần khẳng định là sau 4 năm Luật đất đai hiện hành có hiệu lực (từ 1.7.2014), công tác quản lý và sử dụng đất đai trên phạm vi cả nước đã đạt nhiều kết quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, nội dung khiếu nại trong lĩnh vực đất đai vẫn còn chiếm tới 64,6% trong tổng số đơn khiếu nại. Trong đó, không ít vụ việc đã trở thành điểm nóng trong xã hội, làm suy giảm niềm tin, lòng tin của người dân với lãnh đạo và bộ máy chính quyền địa phương, làm gia tăng mâu thuẫn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai.

Đảng và Nhà nước không dung túng, bao che cho những cá nhân, dù là cán bộ lãnh đạo cấp cao nếu có vi phạm, bao gồm những vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai. Cũng không hề có “vùng cấm” trong xử lý cán bộ có sai phạm. Nhiều vụ kỷ luật cán bộ kể cả xử lý bằng hình sự vừa qua là minh chứng rõ ràng. Tuy nhiên, với mức độ vi phạm, sai phạm đã phát hiện có địa chỉ chưa được xử lý thì người dân chưa thể hài lòng.

Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai không thể “nóng trên nguội dưới”; không chỉ quyết liệt thực hiện với những vụ việc đã rõ mà còn phải tăng cường phát hiện, thanh kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc còn có điều tiếng, còn dừng ở “dấu hiệu vi phạm”.

Phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực nhất là tham nhũng, tiêu cực trong công tác quản lý sử dụng đất đai không hề là việc dễ dàng. Tuy vậy, trong lĩnh vực đất đai, việc không đến nỗi quá khó là do "hòn đất vẫn biết nói năng" trong bối cảnh dân chủ ngày càng được mở rộng.

Người dân kỳ vọng với những kết quả khá rõ nét trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí như thời gian vừa qua, các vụ việc vi phạm, sai phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đã rõ địa chỉ cần khẩn trương kết luận rõ ràng, xử lý nghiêm khắc, đúng người, đúng tội, thu hồi những khoản chênh lệch (nếu có) trong các “liên minh ma quỷ” liên quan đến đất đai.

Mặt khác, từ thực tế thanh tra, kiểm tra các vụ việc, các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, việc cần làm ngay là khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi Luật đất đai hiện hành, khắc phục các kẽ hở trong luật có thể dẫn đến sự "vận dụng" cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm  mà gây thất thoát, lãng phí, phát sinh tham nhũng, khiếu kiện; gây bất an, bất ổn  về trật tự an toàn xã hội.

Đất đai công thổ luôn và mãi là tài sản, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, chứ không phải là sân sau, là vườn nhà của ai đó.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công thổ quốc gia không phải vườn nhà của ai đó