Chống bệnh quan liêu

07/07/2019 07:17

Quan liêu là một từ gốc Hán không dễ giải thích. Chỉ biết rằng theo Từ điển tiếng Việt, "quan liêu là lối làm việc thiên về mệnh lệnh, giấy tờ, xa rời thực tế, xa rời quần chúng".

Cách giải thích ấy khá hoàn chỉnh, đồng thời cũng chỉ ra được bốn ý cơ bản của quan liêu. Đó là "mệnh lệnh", "giấy tờ", "xa thực tế" và "xa quần chúng".

Như vậy, bệnh quan liêu sẽ gây ra tác hại rất lớn. Bao trùm nhất là đề ra những chủ trương, đường lối, biện pháp thực hiện... không khả thi, không hợp lòng người, gây tổn hại về sức người, sức của. Cơ quan càng cao, cán bộ càng to mà mắc bệnh này thì tác hại càng lớn. Quan liêu sẽ đẻ ra căn bệnh giấy tờ. Người quan liêu sẽ không có khả năng tập hợp, đoàn kết với người khác. Cán bộ và lãnh đạo nếu quan liêu sẽ xa rời quần chúng, không được quần chúng ủng hộ. Nhà văn quan liêu xa thực tế, sáng tác của họ sẽ lệch chuẩn hoặc viển vông, sai sự thật. Nhà báo quan liêu sẽ viết bài báo không chính xác, với những ý kiến chủ quan, phiến diện. Nhà giáo quan liêu sẽ không hiểu học sinh, không hiểu thực tiễn. Việc giáo dục học sinh sẽ rơi vào chủ quan, mệnh lệnh. Học sinh không tâm phục... 

Vậy mà, trong xã hội ta, có thể nói rất nhiều người mắc bệnh quan liêu với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Chúng ta hay nói "cán bộ quan liêu". Đúng thế, vì người cán bộ ấy hách dịch, mệnh lệnh, xa dân... là những dấu hiệu dễ nhận. Còn học sinh tiểu học có quan liêu không? Có đấy. Hiện các cháu không thích đi vào thực tế quanh mình như làng xóm, núi non, sông nước, phố phường, đồng áng... Nhiều cháu ở nông thôn ngày nay mà không biết con trâu, không phân biệt được những cây rất quen thuộc như lúa, ngô, đậu, lạc, vừng... 

Bệnh quan liêu đang lan tràn. Mặc dù nó không gây chết người ngay tức khắc hoặc hủy hoại tài sản như cháy nổ, sóng thần, lũ lụt..., song mức độ nguy hiểm không hề nhỏ. Vậy chống quan liêu bằng cách nào? Thứ nhất là học tập và làm theo lời Bác Hồ. Cuộc đời Bác, chỉ kể từ Cách mạng Tháng Tám thành công đến khi Bác về cõi vĩnh hằng, đất nước ta có bao sự kiện lớn lao, khó khăn thử thách: giặc ngoại xâm, nạn nghèo đói, tình trạng mù chữ, kinh tế lạc hậu, Bắc Nam còn chia cắt... Bác Hồ là người đứng mũi chịu sào cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ. Vậy mà Người luôn nêu cao tấm gương sáng về việc chống bệnh quan liêu. Hải Dương chúng ta cũng chỉ là một trong mấy chục tỉnh miền Bắc. Vậy mà từ năm 1965 trở về trước, Bác Hồ đã có 5 lần về thăm Hải Dương. Đến thăm các làng xóm, Bác xem giếng khơi, khu vệ sinh, nhà bếp, ra đồng cùng bà con chống hạn...

Những lúc không trực tiếp đến được vì công việc thì Bác gửi thư. Đặc biệt, Bác rất chú ý khen thưởng cho những tấm gương người tốt, việc tốt. Căn cứ để Bác khen thưởng là do các địa phương báo cáo lên. Cũng có khi Bác đọc báo gặp bài viết về người tốt, việc tốt. Người được khen là cán bộ xã, chị nông dân, cô y tá, giáo viên, học sinh... Bác khen thưởng kịp thời theo sự việc chứ không chờ tổng kết hay sơ kết. 

Thứ hai, để chống quan liêu, mỗi cán bộ tùy theo nhiệm vụ phải đi thực tế ít nhất một lần trong một tháng. Đi thực tế không phải đi tham quan, du lịch mà đến với dân, gặp ai ở đâu, tìm hiểu vấn đề gì, thu lượm được gì? Tôi tin rằng bất cứ cán bộ nào đi thực tế như thế cũng sẽ thu được rất nhiều điều bổ ích. Cách đi thực tế như vậy có thể áp dụng với tất cả mọi người, kể cả học sinh tiểu học. Ngày nay, nhiều phương tiện khoa học giúp con người nắm được thông tin toàn cầu trong một phút. Cái đó là rất tốt nhưng cũng làm cho con người quan liêu. Không cái gì thay được thực tế. Nếu nắm bắt được thực tế hằng ngày thì bệnh quan liêu chắc chắn sẽ dần được loại bỏ. 

VĂN DUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống bệnh quan liêu