"Kỷ luật tích cực" thay vì trừng phạt

25/09/2020 13:30

Từ ngày 1.11, những hình thức kỷ luật gây ám ảnh với bao thế hệ học sinh và các bậc phụ huynh như phê bình trước lớp, trước trường, đuổi học sẽ không còn được áp dụng.

Thay vào đó là những hình thức “kỷ luật tích cực” bằng cách trao cho học sinh vi phạm cơ hội thực sự để sửa chữa, tiến bộ, mà không gây ra những “vết đen” trong tâm hồn, hay những hệ lụy ảnh hưởng tới tương lai các em.

Theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường tiểu học và Điều lệ trường THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, thì “học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện sẽ được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Như vậy, nội dung về xử lý kỷ luật học sinh đã có sự thay đổi rất lớn so với Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT. Thông tư 12 quy định: Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức: phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn.

Ngoài ban hành Thông tư 32, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thiện dự thảo thông tư mới quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông để thay thế các quy định cũ. Dự thảo thông tư mới hướng đến “kỷ luật tích cực”, một khái niệm ngày càng được các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh và những chuyên gia giáo dục đề cao. Đây được xem là phương pháp tiến bộ và hữu hiệu trong giáo dục những học sinh vi phạm nội quy, kỷ luật của nhà trường. "Kỷ luật tích cực" hướng tới những nguyên tắc như vì lợi ích tốt nhất của học sinh; không làm tổn thương đến thể xác và tinh thần của các em; khích lệ, tôn trọng và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh.

Bên cạnh đề ra “kỷ luật tích cực”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã loại bỏ hai hình thức kỷ luật gây tranh cãi, thậm chí bị cho là phản giáo dục là khiển trách, cảnh cáo học sinh trước lớp, trước trường, ghi sổ học bạ và đuổi học. Hình thức kỷ luật “bêu tên” trước lớp, trước trường sẽ làm học sinh mặc cảm, xấu hổ, gây tổn thương về mặt tâm lý, càng khiến các em ngỗ ngược, bất cần và có hành động xấu hơn. Việc ghi sổ học bạ nội dung kỷ luật đồng nghĩa tạo ra “vết nhơ” đeo đuổi và có thể cản trở những nỗ lực trong cuộc đời các em. Trong khi đó, với việc loại bỏ hình thức kỷ luật buộc thôi học, theo quy định mới, các nhà trường có thể áp dụng biện pháp tạm dừng học tập trên lớp, nhưng vẫn phải thực hiện kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh vi phạm.

Những thay đổi tích cực trong các chính sách về kỷ luật học sinh cho thấy các nhà giáo dục đã nhìn nhận rằng việc học sinh phạm lỗi không phải là chuyện tày trời, mà là những hành vi có thể xảy ra với bất cứ ai, nhất là trẻ em, trong những điều kiện, hoàn cảnh, môi trường nhất định. Việc xử lý kỷ luật chỉ nên áp dụng như một biện pháp cuối cùng sau khi nhà trường đã phối hợp với gia đình tìm ra nguyên nhân và hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các em tự nhìn nhận và sửa đổi. Xử lý kỷ luật phải nhắm đến mục tiêu cao nhất là xây dựng một môi trường học tập, rèn luyện thực sự nhân văn, là nơi học sinh vừa được trau dồi kiến thức, vừa tu dưỡng đạo đức và hoàn thiện nhân cách để có thể vững vàng bước vào đời.

THU HẰNG (TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Kỷ luật tích cực" thay vì trừng phạt