Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi

06/06/2020 13:33

Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi nói chung, tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi nói riêng trước hết là trách nhiệm của mỗi gia đình.

Gần đây, tôi từng nói chuyện với một người đàn ông ngoài 60 tuổi với khuôn mặt khắc khổ, dáng người gầy gò, đang ngồi chờ vợ khám bệnh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ông buồn bã kể gần 1 năm trước vợ ông (cũng trên 60 tuổi) thấy nổi hạch đau ở vùng cổ, đi khám phát hiện bị mắc ung thư phổi, bệnh đã di căn sang nhiều bộ phận cơ thể. Hằng tháng, ông đưa bà đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để xạ trị vài ngày rồi lại về quê, mỗi lần như vậy rất tốn kém. Ông vẫn gắng gượng cùng bà chống chọi với căn bệnh quái ác, dù hy vọng rất mong manh.

Những người cao tuổi (NCT) không được kiểm tra sức khỏe định kỳ (KTSKĐK), khi phát hiện ra triệu chứng bất thường mới đi khám chữa bệnh như trên rất nhiều. Cuộc sống của không ít NCT còn khó khăn, không đủ tiền để KTSKĐK. Cũng có những gia đình khá giả song vẫn ngại đi KTSKĐK. Tâm lý chung của không ít NCT là khi đau yếu mới chữa trị.

Dự báo những năm tới, Việt Nam sẽ có tốc độ già hóa dân số nhanh, đồng nghĩa với số lượng NCT sẽ nhiều lên. Nếu không làm tốt KTSKĐK sẽ dẫn tới nhiều NCT không phát hiện được bệnh tật từ sớm để kịp thời chữa trị, tạo thêm gánh nặng cho mỗi gia đình và xã hội, ảnh hưởng tới chủ trương để NCT "sống vui, sống khỏe, sống có ích".

Chăm sóc sức khỏe cho NCT nói chung, tổ chức KTSKĐK cho NCT nói riêng trước hết là trách nhiệm của mỗi gia đình. Các con cháu cần phụng dưỡng, chăm sóc tốt cho cha mẹ, ông bà. Còn trách nhiệm của Nhà nước trong vấn đề này ra sao?

Chính sách, pháp luật về KTSKĐK cho NCT đã được quy định khá rõ. Theo điều 13 Luật NCT, Trạm Y tế cấp xã có trách nhiệm phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên KTSKĐK cho NCT, kinh phí do ngân sách nhà nước bảo đảm. Nội dung này được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 96/2018/TT-BTC ngày 18.10.2018 và trước đó là Thông tư số 21/2011/TT-BTC ngày 18.2.2011 của Bộ Tài chính. Theo Thông tư số 96, ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT tại nơi cư trú, trong đó có việc KTSKĐK. Trạm y tế xã lập kế hoạch, phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên tổ chức KTSKĐK cho NCT tại địa phương theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Kinh phí thực hiện các đợt KTSKĐK cho NCT do ngân sách địa phương bảo đảm trong dự toán hằng năm của cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra sức khoẻ cho NCT theo phân cấp về chuyên môn y tế và phân cấp ngân sách của địa phương.

Thực tế, việc tổ chức KTSKĐK cho NCT ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước còn hạn chế, thiếu sót. Nhiều nơi chưa thực hiện được chính sách này. Có những địa phương đã tổ chức thực hiện, song số lượng NCT được KTSKĐK còn ít. Tại Hải Dương, theo số liệu nêu trong Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT năm 2020 của UBND tỉnh, toàn tỉnh có gần 98.100 lượt NCT được KTSKĐK ít nhất 1 lần/năm, trong khi toàn tỉnh hiện có 297.816 NCT.

Lý do chính dẫn tới chính sách KTSKĐK cho NCT chưa được thực hiện đồng bộ, hiệu quả vì cần nguồn kinh phí lớn, ngân sách nhiều địa phương chưa cân đối được. Giả sử mỗi lần KTSKĐK cho 1 NCT phải chi 400.000 đồng thì kinh phí để KTSKĐK cho toàn bộ NCT ở Hải Dương lên tới 119 tỷ đồng. Ngoài ra, để tổ chức KTSKĐK cho NCT hiệu quả thì e rằng nhân lực, trang thiết bị của các trạm y tế tuyến xã hiện nay chưa đáp ứng được.

Đề án chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025 của Bộ Y tế đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 80% số NCT trong cả nước được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe. Phải có sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân mới có thể hoàn thành mục tiêu khó khăn này. Nếu thực hiện thành công, có lẽ đây sẽ là một bước đột phá trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Hội NCT các cấp cần có lộ trình, kế hoạch hằng năm, nhất là đề ra được các giải pháp huy động nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện. Bên cạnh nguồn kinh phí của Nhà nước, việc vận động, huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa rất quan trọng. Nên chăng mỗi địa phương trước khi triển khai diện rộng, cần chọn 1 hoặc 2 đơn vị hành chính cấp xã hoặc cấp huyện để làm điểm, rút kinh nghiệm để chỉ đạo cho nơi khác.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi