Bất ngờ chết oan trên đường

26/09/2020 11:02

Đang đi trên đường bị cây đổ trúng hay sẩy chân lọt xuống mương, xuống cống đến thiệt mạng là những tai nạn không ai mong muốn.

Không phải đến bây giờ, khi vừa có thêm một người bị cây ngã đè ở TP Hồ Chí Minh và một người lọt mương thoát nước ở Đồng Nai thiệt mạng, câu chuyện về những cái chết bất ngờ xảy đến trên đường từng được cảnh báo từ nhiều năm qua nhưng chưa thấy giải pháp hữu hiệu nào được áp dụng, trong khi "thần chết" vẫn cứ tới và những cá nhân, đơn vị phải chịu trách nhiệm còn chưa được gọi tên.

Gần bốn năm trước, ngày 29.11.2016, Sở Giao thông vận tải và Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo "An toàn cây xanh đô thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh" quy tụ nhiều cơ quan, nhà nghiên cứu, chuyên gia về cây xanh tham dự. 

Tại hội thảo này, nhiều chuyên gia cho rằng cây xanh có thể sống rất lâu trong môi trường tự nhiên, nhưng cây trồng lấy bóng mát ở đô thị thì có tuổi thọ nhất định và cần thiết phải được "nghỉ hưu", nếu không sẽ gãy đổ, gây tai nạn. Kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm, cựu cán bộ kỹ thuật Công ty Công viên cây xanh thành phố kêu gọi khẩn thiết: "Chết do cây gãy, cây ngã là những cái chết từ trên trời rơi xuống nhưng có thể đề phòng được. Đừng để có thêm những cái chết từ trên trời rơi xuống như thế!"

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải khi đó chủ trì hội thảo cho hay sẽ đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu xác định tuổi cây xanh đô thị cũng như nghiên cứu tổng thể về hệ thống cây xanh đô thị của thành phố để chủ động có phương án thay thế những cây già cỗi, hư mục và những cây không còn phù hợp với điều kiện đô thị. Tiếc là sau hội thảo đó, nhiệm vụ quản lý cây xanh được chuyển từ Sở Giao thông vận tải sang Sở Xây dựng và câu chuyện "đặt hàng nghiên cứu" không còn nghe nhắc tới nữa.

Trả lời phóng viên sau vụ cây ngã làm chết người trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10) ngày 24.9, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh thừa nhận rất nhiều cây xanh trên địa bàn thành phố cần được thay thế. Nhưng thật buồn, một trong những lý do chậm thay thế những cây cổ thụ già cỗi, sâu bệnh, có nguy cơ ngã đổ được ông Điệp viện dẫn là sợ dư luận phản ứng, "ném đá" khi thấy có cây bị đốn chặt.

Cần thấy rằng người dân chỉ lên tiếng, dư luận chỉ "ném đá" nếu một cây đang xanh tốt bị chặt hạ không lý do chứ không ai phản đối việc đốn bỏ những cây đã mục ruỗng, sâu bệnh tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân. Nếu cơ quan quản lý có kế hoạch và thông tin đầy đủ cho người dân biết những cây nào sắp đến lúc phải thay thế, vì sao cần đốn hạ thì chắc chắn không phải nhận "gạch đá" từ dư luận.

Đang đi trên đường bị cây đổ trúng hay sẩy chân lọt xuống mương, xuống cống đến thiệt mạng đúng là những tai nạn không ai mong muốn. Nói như ông Nguyễn Trịnh Kiểm, đó là những tai nạn, những cái chết có thể đề phòng được. Do đó, không thể vì sợ dư luận "ném đá" mà không hành động quyết liệt để ngăn chặn những cái chết tức tưởi như thế!

Và do là tai nạn nên người dân chỉ còn biết cam chịu "trời kêu ai nấy dạ", trong khi các cơ quan có trách nhiệm khi đụng chuyện thường viện cớ "bất khả kháng" để chỉ "hỗ trợ" cho người bị thiệt hại thay vì phải bồi thường.

NGUYỄN TRIỀU

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất ngờ chết oan trên đường