Ai xung phong đi đầu?

10/01/2018 07:33

Đây là câu hỏi không dễ trả lời khi việc xung phong này lại là về tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập.

Không dễ vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cả lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị.

Kế hoạch thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) vừa được Tỉnh ủy thảo luận đề cập đến nhiều mô hình, chủ trương mới liên quan đến tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ. Theo đó, để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong kế hoạch, sẽ có những cán bộ đang từ cấp trưởng xuống làm cấp phó; có những cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập đang được bao cấp hoàn toàn hoặc bao cấp một phần phải chuyển sang tự chủ về tài chính; có công chức, viên chức sẽ nằm trong diện phải tinh giản biên chế… Đó là chủ trương đúng bởi bộ máy của chúng ta đang rất cồng kềnh, tiêu tốn nhiều ngân sách nhà nước và không phải chỗ nào cũng hoạt động hiệu quả.

Nhưng cơ quan, đơn vị, địa phương nào sẽ là người xung phong làm trước? Sẽ có nhiều lãnh đạo cơ quan, đơn vị nảy sinh tư tưởng chờ đơn vị bạn làm trước xem tình hình thế nào, rồi mình sẽ rút kinh nghiệm làm sau. Hoặc cho rằng chẳng đi đâu mà vội, cứ đợi, biết đâu chủ trương lại thay đổi (?). Chưa kể mọi sự thay đổi ban đầu đều vấp phải rào cản tâm lý ngại thay đổi, ngại động chạm của số đông.

Người xưa có câu cứ đi mãi sẽ thành đường. Việc không làm thì chẳng bao giờ xong, cũng không biết hay dở, tốt xấu thế nào. Vậy nên, khi đã có kế hoạch thì tất cả đều phải bắt tay vào làm. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Tư tưởng trông chờ, nghe ngóng rất đáng phê phán và cần loại bỏ. Tất nhiên, việc nêu gương, xung phong làm trước là cần thiết, và cấp trên làm gương cho cấp dưới sẽ có tác dụng thuyết phục cao hơn. Lấy một ví dụ cụ thể, hiện nay đội ngũ nhân viên của các trường học đang chiếm khá nhiều biên chế của ngành giáo dục. Việc mỗi trường học có 1 kế toán, 1 nhân viên văn thư... là không cần thiết. Để giải quyết vấn đề này, ngành giáo dục buộc phải sắp xếp lại đội ngũ, thực hiện tinh giản biên chế với đội ngũ nhân viên. Nhưng một vấn đề nhiều người cũng nhìn thấy là ở nhiều cơ quan, đơn vị, trong đó có cả đơn vị trong ngành giáo dục cũng đang có quá nhiều cán bộ cấp phó. Nếu chỉ thực hiện tinh giản nhân viên mà không giảm cán bộ lãnh đạo thì sẽ khó đả thông tư tưởng những người trong diện phải tinh giản biên chế.

Một vấn đề khác đặt ra trong sắp xếp lại tổ chức, bộ máy là mỗi bước đi đều phải hết sức thận trọng, bảo đảm dân chủ, khách quan và công bằng. Chỉ cần chỗ này hoặc chỗ khác có biểu hiện mất dân chủ, có biểu hiện của lợi ích cá nhân sẽ dễ dẫn đến khiếu kiện, khiến tình hình trở nên phức tạp.

Như nhiều ý kiến thảo luận tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 11 (lần 2) đã nêu việc dù khó nhưng nếu có quyết tâm cao cùng với cách làm phù hợp chắc chắn sẽ thực hiện được. Những người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền phải có quyết tâm chính trị cao nhất để thực hiện nhiệm vụ này.

HOÀI ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai xung phong đi đầu?