Về lại bến sông

08/12/2019 07:56

Xưa bến sông yên bình. Yên bình hiển hiện cả những vạt cát, bãi bồi, triền đê cỏ mần trầu tươi tốt.



Điều đầu tiên ông Thanh thấy sảng khoái vì nơi này vẫn nhiều gió. Gió thổi mát dọc chân đê từ thời trai trẻ đến tận giờ. Ngước nhìn cây cổ thụ, bao năm rồi vẫn vững chãi hiên ngang, vài chiếc lá rụng cho lòng xốn xang. Ông Thanh thả lòng xuôi về những cuộc chờ trăng dưới mái đê, bóng mộc miên cổ thụ. Hay dưới pho cổng làng uy nghi thâm trầm như tích tụ cả kho tàng văn hóa quê hương. Đã mấy chục năm rồi ông mới có dịp ngắm tán cổ thụ kỹ đến thế. Chợt khựng lại khi thấy phía bên kia vọng sang tiếng gọi: “Ông Thanh”. Ông sững lại. Đôi mắt xẻ ngang không gian. Ông thốt lên: “Bà  Hòa. Bà Hòa đấy ư?”.

Ông Thanh tiến lại gần ngôi nhà của bà Hòa. Bà đón ông, mời vào nhà uống nước. Dường như lâu lắm bà Hòa mới lại vui đến thế. Những nếp nhăn biết xốn xang, giãn ra, căng đầy niềm vui trên khuôn mặt.

- Cũng đến hai chục năm ông mới về thăm tôi ý nhỉ? - Bà Hòa chùng giọng, vờ giận dỗi.

- Tôi mang tiếng ở thành phố nhưng cũng bận đi nhiều nơi. Thực ra Tết năm nào tôi cũng về thắp hương các cụ, nhưng… ông Thanh ngắt giọng, như có gì chẹn ở cổ  - tôi, với lại…

- Tôi hiểu ý ông - bà Hòa cười xòa - ông ngại chứ gì. Không sao. Con cái chúng ta đã lớn. Ông nhà tôi…

Nhắc đến chồng, giọng bà Hòa nghẹn lại. Ông Thanh hiểu tâm trạng bà. Đã mấy chục năm kể từ ngày ông Hòa hy sinh trong trận đánh An Điền ở mãi Sông Bé, từ đó đến nay dù đồng đội đã nỗ lực nhưng vẫn chưa tìm được thi hài ông.

Ông Thanh chủ động rót nước chè bà Hòa vừa pha để phá tan không khí nặng nề. Ông hỏi han sức khỏe, công việc của bà. Bà có còn cấy sào nào không, dự định bán nước chè nữa hay thôi? Nghe nói con trai đã dùng phần đất bà vẫn ngồi bán nước chè để mở quán bia? Bà Hòa lấy tay dụi mắt, bảo mình cũng già rồi, ngồi bán nước mỏi lưng nên con trai bảo nghỉ. Nó lấy chỗ bán bia hơi cho khách gần xa. Quán ngay ở cổng nhà. Chiều tối rất đông khách. Còn bà chỉ trồng một vạt ngô ven đê lấy hạt nuôi gà. Ông Thanh gật đầu, như uống từng lời. Nhìn khuôn mặt bà Hòa lúc này, ông đoán bà vẫn còn nhiều nỗi ưu tư. Bỗng nhiên, bà nhìn lên ban thờ chồng, rưng rưng.

Ông Thanh ngậm ngùi, nói:

- Tôi về đây gặp bà cũng là để nói về chuyện đưa ông ấy về đoàn tụ với quê hương. Tôi xin lỗi vì đã giấu bà. Chục năm trước bà có nói với tôi chuyện đi tìm ông ấy. Nhưng bà không có điều kiện. Mấy năm nay tôi liên hệ với các đội quy tập hài cốt liệt sĩ, tìm đơn vị cũ khớp nối thông tin. Tôi định làm xong việc mới về gặp bà. Nhưng hôm nay tôi đã về trước, là muốn nói với bà rằng công việc đang tiến triển rất thuận lợi. Khi tìm được, sẽ nhờ con trai bà làm một thao tác nữa là giám định ADN thôi. 

Khuôn mặt bà Hòa đột nhiên bừng sáng. Bà túm chặt lấy tay ông Thanh:

- Ồ vậy ư?! Cảm ơn ông. Cảm ơn ông nhiều lắm! Tôi vẫn hằng mong được đưa ông ấy về với quê, với bến sông này. Bến sông gắn bó nhiều kỷ niệm của chúng ta.

***

Xưa bến sông yên bình. Yên bình hiển hiện cả những vạt cát, bãi bồi, triền đê cỏ mần trầu tươi tốt. Bà Hòa là “đối tượng” của ông Thanh và ông Hòa. Tuổi mười tám, bà Hòa vẫn chưa ngả về bên nào. Tóc bà thản nhiên xanh và da trắng ngần, không bị kìm giữ trong mối quan hệ nam nữ. Bến sông cứ thong thả trổ hoa mỗi mùa. Tháng sáu hoa bí, tháng mười hoa cải… Cũng không thể thiếu những loài hoa cỏ dại li ti nhưng biết vẽ những gam màu sinh động vào những vạt đồng. Trai gái trong làng vẫn tắm ở khúc sông chảy qua xã, qua làng, êm đềm như suối tóc. Hàng cây, lũy tre che chở cho sông, cho thân đê. 

Cụ thân sinh ra ông Thanh là cán bộ tiền khởi nghĩa. Ông Thanh hát hay, thơ giỏi, ước mơ trở thành nhạc sĩ. Ông đã được toại nguyện sau khi thi đỗ vào trường nghệ thuật. Ông đi học, vẫn viết thư về tâm tình với bà Hòa. Cha mẹ bà khi đó nhắc con: “Nó tính tình lãng mạn, nay đây mai đó, không hợp đâu!”. Bà Hòa dù lòng đã thích ông Thanh, nhưng ông Hòa cũng lành hiền thật thà. Lại trùng tên với bà. Đó là một trường hợp đặc biệt. Ông Hòa quanh năm gắn bó với bến sông, bãi bồi, vườn tược. Ông Hòa hay lam hay làm. Bà quyết định nghiêng về bên ông, dù ông không phải con người lãng mạn, chẳng xuất khẩu thành thơ cũng đâu biết vẽ tóc gom nắng trộn mây làm nhạc. Ông Hòa và ông Thanh chơi thân. Họ vẫn thư từ cho nhau trong những năm tháng cách trở. Ông Thanh tự động không viết thư cho bà Hòa nữa. Ông hiểu rằng dù lòng muốn, nhưng người con gái đó hợp với vùng quê, sẽ làm người vợ tốt của chàng trai vâm váp, khỏe khoắn vùng bãi bồi phì nhiêu ấy. Phải buông đi những ý nghĩ sở hữu bà. Phải để bà thuộc về người khác. Dẫu sao đó cũng là bạn ông. Ông bà Hòa thành vợ chồng. Bến sông vẫn ăm ắp hoa, đầy kỷ niệm. Bến sông thi thoảng được đánh thức bởi tiếng sáo của ông Thanh mỗi khi về quê. Đầy nỗi niềm nhưng giàu nhân ái. Đê thì cong mà điệu sáo cũng cong. Cong như những câu hát đầy nỗi niềm gái trai xuân sắc.

Thời gian trôi đi bằng những cái chớp mắt. Cả hai ông lên đường nhập ngũ, cùng đơn vị. Bà Hòa cuộn nỗi ngậm ngùi trong lòng. Bà giấu dòng nước mắt tiễn chồng và người bạn thân lên đường. Bom đạn xé bầu trời, xé rừng cây và cướp đi bao người con yêu nước, người chồng, người cha trách nhiệm. Bom đạn chiến tranh vẽ ra những bức tranh đau thương đầy nước mắt. Cũng tạc ra những dáng hình vọng phu chờ chồng. Bà sinh con sau khi chồng lên đường chừng tám tháng. Hai năm sau ông về phép nửa tháng, bà có mang và sinh cậu con thứ hai. Bà chăm đồng, chăm bẵm cho mùa màng ven sông và nuôi con. Cuối năm 1974 bà nhận được tin sét đánh, chồng hy sinh trong trận đánh An Điền từ mùa thu năm đó. Nước mắt trào dâng quện máu sôi. Bà chết lặng. Bóng cây mộc miên cổ thụ như cũng xiêu đi, chùng lòng cúi đầu dâng hồi mặc niệm. Cha mẹ và chị em nơi thôn xóm động viên bà gượng dậy, nuôi con…

***

- Tôi không muốn nhắc lại quá khứ, nhưng bà có thể cùng tôi ra bến sông cũ được không?

- Được chứ. Nhưng nơi đó giờ không còn bình yên nữa. Bến sông bị cày nát vì hút cát rồi. Lúc máy móc hoạt động sẽ rất ồn. Bãi bồi cũng tụt hết xuống nước.

Quả nhiên, như lời bà Hòa, ông Thanh không thể nhận ra vị trí bến khỏa trần của đám thiếu nữ trong làng, đâu là nơi thanh niên tụ tập tắm táp mùa hè, mùa thu. Cả khu vực giờ nước đục bao phủ. Phải dõi mắt xa tít sang bờ bên kia mới thấy những vạt ngô xanh.

- Ông có thể thất vọng về nơi này, nơi ông đã sáng tác bài Bến hoa nổi tiếng. Bà con làng ta thích bài hát đó lắm.

- Vâng. Tôi rút ruột gan ra để viết bài đó. Bài hát cũng theo tôi suốt những năm tháng ở chiến trường. Tôi đã may mắn hơn ông ấy…

Hai ông bà nhìn nhau. Bà Hòa bảo: 

- Chuyện đã lâu rồi. Chồng tôi hy sinh vì nước. Tôi thấy tự hào về điều đó.

Ông Thanh tạm biệt bà Hòa, tạm biệt bến sông, cây mộc miên cổ thụ trăm năm. Ông tự nhủ mình sẽ dứt khoát thỏa tâm nguyện bao nhiêu năm của mình, cũng là của bà Hòa. Gần chục năm qua ông và nhiều đồng đội cũ chung tay tìm những người đồng đội hy sinh còn chưa được về quê hương đoàn tụ cùng gia đình. Hành trình, bấy nhiêu nước mắt. Kiếm tìm gian khổ, hồi hộp chờ đợi, thất vọng rồi lại hy vọng. Những ca khúc oanh liệt một thời thôi thúc, là động lực để ông và những người đồng đội may mắn trở về chắt chiu từng đồng bạc, từng chút thông tin để dành lên đường, tìm hiểu, hỏi han, khớp nối tìm ra lời giải cuối cùng. Đó là một công việc trả nghĩa, ghi ơn  chẳng hề đơn giản. Đến lúc này, ông Thanh đã trải qua ba cuộc tìm kiếm phần mộ ông Hòa, nhưng cả ba lần đều chẳng đạt kết quả. Giờ ông tha thiết muốn đưa người bạn về bến sông này, để người vợ già mòn mỏi kia được an lòng. Được vậy ông sẽ nguôi ngoai nỗi đau khi người đồng đội dũng cảm nhiều lần giúp ông tránh đạn, được may mắn trở về. 

Tôi nợ ông mạng sống, cái nghĩa cái tình, ông Hòa ạ.

Ông Thanh nhủ, mình sẽ làm việc với Tỉnh đội nơi đồng đội nằm. Ở đó có những người đang làm nhiệm vụ nhiệt tình, kiến thức và trực giác tốt. Ông tin, lần này không thể nhầm được. 

***

Nắng và gió bộn bề. Rừng rú trập trùng. Mồ hôi rịn trên trán những người quy tập mộ. Ông Thanh hăng hái kết nối các thông tin, xác định vị trí nơi đồng đội nằm. Những cánh tay tỉ mỉ đào tìm, gương mặt ngời lên hy vọng. Với phần mộ tìm được, ông Thanh nhiệt thành cùng cơ quan chuyên môn lấy mẫu, phân tích, xét nghiệm. Tất cả có chiều hướng tốt. Niềm vui vỡ òa…

Ông Hòa được đồng đội, người thân đưa về quê hương vào một ngày đẹp trời. Một cuộc trở về ý nghĩa, xúc động. Nhiều người thân òa khóc. Bà Hòa cũng khóc. Nhưng sao lúc này mắt bà ráo hoảnh. Phải chăng bao đau khổ mỏi mòn đã lấy hết nước mắt bà. 

Những cánh cò cũng trở về bến sông để nghe dòng nhạc và ca khúc ông Thanh hát tặng. Tưởng như những con cò trắng đồng ca hát khúc tri ân. Những cánh cò hằn in trên nền trời, sà xuống bến sông bỗng chốc xanh lạ thường, biến thành những đóa hoa trắng, tinh tuyền. Một rừng hoa trắng rực rỡ vừa nở trên sông.

Truyện ngắn của NGUYỄN VĂN HỌC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về lại bến sông