Nụ hôn đầu

25/12/2017 07:52

Tháng Tư năm 1972, đại đội bảo vệ trạm phẫu được bổ sung chừng hai chục tân binh. Toàn gương mặt trẻ trung ngời sáng.

Tháng Tư năm 1972, đại đội bảo vệ trạm phẫu được bổ sung chừng hai chục tân binh. Toàn gương mặt trẻ trung ngời sáng. Trong số đó có Bảo, một chàng trai phố thị lém lỉnh và tài hoa. Đợt bổ sung quân ấy qua vài ba cuộc chống càn đã vơi đi. Số còn lại đều trở thành lính cựu, thành cán bộ tiểu đội, trung đội. Tôi ngày đó là bác sĩ trạm phẫu, 24 tuổi, vào chiến trường trước họ một năm. Quan hệ giữa hai bên rất thân tình, thắm thiết. Lớp lính mới gọi tôi là "Chị hiền". Cũng đúng thôi vì tôi hơn họ tới ba, bốn tuổi. Thoạt đầu nghe lạ tai và ngượng. Sau quen và trở thành không biết bao nhiêu đề tài tiếu lâm mà chỉ có những người lính mới nghĩ ra được.  

"Quê em là một thị xã cổ, có từ hai trăm năm trước. Phố em làm nghề đan cót. Nhà ở toàn lợp lá gồi" - Một lần Bảo tâm sự- "Đầu phố phía Cổng Chông có một cây đa to lắm. Các cụ truyền lại rằng cây đa ấy có tuổi thọ tới 500 năm. Năm 1968, máy bay Mỹ thả bom bật gốc, đổ nghiêng. Tưởng chết. Thế mà đến mùa xuân cây lại đâm chồi nảy lộc. Chị bảo thế có tài không?". Lần khác Bảo nói: "Chị không thể hình dung ra những đêm tháng chạp rét quắt tai. Gió bấc thổi ào ào từng cơn, quét dọc con đường khuya vắng bóng. Em ôm cái bị đựng lạc rang vào ngực cho ấm. Vừa nhảy tâng tâng vừa rao: "Ai lạc rang húng lìu đ...ây". Tôi hỏi: "Vắng người như thế thì em bán cho ai?". "Có chứ. Chẳng hạn một cặp tình nhân đi chơi về muộn. Một ông đạp xích lô ngồi ngáp chờ khách chuyến tầu khuya".

Tôi chưa hề đặt chân tới cái thị xã có tuổi đời gần hai trăm năm ấy. Tôi ở miền trung du, lại thuộc vùng sâu vùng xa. Hình thù chiếc tầu hỏa ra sao mãi đến khi vào đại học mới biết. Tôi cố hình dung ra cái thị xã vừa nghèo vừa cổ. Cái phố Phạm Ngũ Lão dài hun hút gió lùa. Cả mùa hè lẫn mùa đông.Trên nóc nhà lởm chởm những cây dóc chằng néo chống bão. Tiếng ầm ì suốt ngày từ nhà máy sứ vọng ra. Tiếng còi tầu rơi vào thinh không. Và tiếng rao khản đặc của một thằng bé mười ba tuổi. Bảo ước ao sau này trở thành thầy giáo. Nhưng chưa học xong phổ thông thì một lần nữa chiến tranh lại ập đến.

Trận chống càn ác liệt hơn dự tính của mọi người. Các y, bác sĩ vừa phải chuyển thương binh vừa tham gia chống càn. Anh Khâm, trưởng trạm, phân công tôi theo đại đội bảo vệ. Lửa khói mù mịt. Tiếng nổ các loại súng vang rền. Thấp thoáng trong làn bụi và khói, xác địch nằm đè lên nhau. Chúng tạm rút để sau đó tổ chức đợt tấn công mới. Trận địa bỗng trở nên im ắng. Yên tĩnh đến ngờ vực. Những người lính giải phóng bình thản chờ đón kẻ thù. Lâu lâu lũ máy bay trực thăng phành phạch lướt qua. Tiếng Bảo nói nhỏ: "Anh Hải. Địch tới". Đại đội trưởng Hải dặn: "Chờ chúng vào gần thêm chút nữa. Tiểu đội của mày chặn ở đây. Tao dẫn tiểu đội 3 chọc sườn". Khoảng cách giữa hai bên rút dần. Năm chục mét... Rồi hai chục. Những tên lính Sài Gòn dè dặt từng bước. Những chiếc mũ sắt nặng nề chụp lên đầu chỉ còn hở đôi mắt lo âu hoảng sợ. Bốn trái đạn B40 đồng loạt nổ dữ dội. Bốn quầng lửa và khói đen trùm lên đội hình địch. Bảo vung tay ném liền hai trái thủ pháo vào đám lính gần nhất. Trận đánh xảy ra chừng ba chục phút. Khi tiểu đội 3 do đại đội trưởng Hải dẫn đầu xông ra thì thế trận đã an bài. Kẻ địch rút ra bìa rừng và gọi pháo bắn cấp tập vào những nơi chúng nghi ngờ. Một quả đạn pháo rơi cách công sự của Bảo khá xa. Không nổ. Khi Bảo đi ngang qua, bất ngờ phát nổ. Những mảnh pháo dường như chỉ nhằm vào Bảo. Một mảnh xuyên vỡ mắt trái. Một mảnh găm vào bụng. Một mảnh chắc to nhất cắt phăng chân trái, phần ngang đùi. Máu phun xối xả. Tôi cố gắng ga rô nhưng vẫn không hết chảy. Anh Hải vô cùng lo lắng. Chốc chốc anh lại hỏi, giọng cáu kỉnh: "Máu đã ngừng chưa?". Tôi lắc đầu: "Đứt động mạch chủ. Phải đưa gấp về trạm phẫu". Hải hạ giọng: "Ờ...ờ. Đừng giận nghe Tâm. Bởi anh nóng ruột quá". Rồi anh sai hai chiến sĩ khỏe mạnh cùng tôi đưa Bảo về ngay trạm phẫu. Bảo mê man ngay từ lúc bị thương. Suốt dọc đường tôi không rời mắt khỏi khuôn mặt bị băng một nửa, nửa còn lại là nước da xanh tái mầu chì, nhợt nhạt. Đó là di chứng của những trận sốt rét.

Bây giờ Bảo nằm đây. Bất động như một xác chết. Người con trai hơn 18 tuổi, nhập ngũ được 9 tháng, đi qua vài trận đánh, tưởng bom đạn không thể làm gì. Mười tám tuổi chưa hề có bóng hình người con gái nào đọng ở trong tim. Tôi nhớ đến tiếng đàn ghi ta của Bảo. Những bản nhạc hành khúc. Những bản dân ca. Những điệu nhảy của dân tộc nào đó. Tôi không hiểu lắm, nhưng thật hay và rộn rã. Người nằm ngả ngốn, người ngồi tựa vách hầm, vỗ tay theo nhịp. Nửa đêm Bảo khẽ cựa mình và mở mắt, thều thào: "Chị Tâm". Tôi nhìn vào con mắt còn lại của Bảo, con ngươi khẽ chuyển động: "Em thấy trong người thế nào?". "Hiện còn đau ở bụng. Ít thôi. Nhưng có lẽ em không sống nổi". "Đừng nghĩ quẩn. Đây là trạm phẫu có đầy đủ thuốc men và phương tiện". Bảo khẽ lắc đầu: "Em biết mà. Chỉ thương mẹ em. Chắc mẹ sẽ buồn khi biết tin này". Bảo nói đúng. Những ống thuốc cầm máu dường như không có tác dụng. Bảo bị thương nặng quá. Vuột khỏi tầm tay của một trạm phẫu tiền phương. Tôi thấy mình bất lực, buồn quặn thắt. Căn hầm trở nên trống vắng. Nóc hầm nặng trĩu đang nhểu ra từng giọt nước. Vậy là sẽ vĩnh viễn mất Bảo. Chẳng nhẽ cuộc đời một con người lại kết thúc vậy sao? Tàn nhẫn và độc ác quá. Nhưng với Bảo thì quả thật là đột ngột và bất ngờ. Quả đạn pháo vu vơ lại nhằm trúng vào Bảo. Thật là một sự phi lý. Bảo khẽ gọi: "Chị Tâm". Tôi cúi xuống: "Em cần gì?". Tiếng Bảo nhỏ nhưng rõ ràng: "Em không thể sống được nữa. Đừng bơm thuốc cho phí. Chị biết đấy, mười tám tuổi em chưa từng cầm tay người con gái nào. Trước khi nhắm mắt, em thèm một nụ hôn của người khác giới. Xin phép cho em được hôn chị một lần. Một lần thôi". Tôi hơi giật mình. Thực ra một cái hôn chả là gì, nhưng với một chiến sĩ trẻ trước khi nhắm mắt, nó thiêng liêng và trân trọng xiết bao. Lời khẩn cầu của Bảo khiến tôi nhớ lại mối tình đầu của mình.

Đó là năm thứ ba đại học, tôi biết yêu. Một chàng trai bình thường như bao chàng trai thời đó. Anh lái xe cho một công ty vận tải. Thời gian gặp nhau ít lắm. Những chuyến chở hàng vào Nam không ngừng nghỉ. Mẹ tôi phản đối quyết liệt. Đơn giản chỉ vì anh ấy là lái xe. Chẳng biết từ đâu thổi vào tai bà toàn điều không hay. "Hòn đất mà vứt lên xe cũng thành ma quỷ". Bà đã khổ gần hết đời với ông chồng lái xe rồi. Tôi ậm ừ nhưng vẫn bí mật gặp anh. Một lần anh rủ tôi đi dạo. Thành phố đêm phòng thủ vắng vẻ. Lác đác mới có một ánh đèn phòng không vàng vọt. Trời cuối thu, lá rụng nhiều như reo rắc nỗi niềm. Cả một bầu trời đầy sao lấp lánh. Anh chợt nắm tay tôi. Bàn tay cứng như sắt. Anh nói: "Phải như vậy mới có cảm giác đây là sự thật". Tôi sẽ rất hạnh phúc nếu như anh đừng tỏ ra quá vội vàng và mạnh mẽ. Một tay anh ôm tôi. Ánh mắt rực lửa khát khao khám phá khiến tôi hoảng sợ. Tay còn lại của anh chẳng hiểu vô tình hay hữu ý chạm mạnh vào ngực tôi. Người tôi run bắn. Tim đập thình thịch. Như một phản xạ, tôi lấy hết sức mình đẩy mạnh anh ra xa. Và ngoắt người vùng chạy. Vừa chạy vừa khóc ư ử như đứa trẻ bị đòn oan. Chắc anh có gọi với theo. Tôi không nghe thấy gì hết. Gió thổi ù ù bên tai. Bao nhiêu cảm xúc dịu ngọt về tình yêu, về nụ hôn đầu bay biến. Lũ bạn học nghe chuyện cười đổ nghiêng đổ ngả. "Tình yêu của mày chưa đủ mạnh đấy thôi". Đâu phải. Tôi yêu anh nhiều lắm. Tôi thật sự không hiểu tại sao khi yêu nhau người ta cứ phải hôn nhau. Lũ bạn lại tranh nhau giải thích. Toàn những lời có cánh về tình yêu. Có thể chúng nó nói đúng. Nhưng tôi không còn dịp để sửa sai. Anh đã ngã xuống khi xe vào đến Quảng Bình.

Trước lời đề nghị của Bảo, tôi đắn đo. Việc Bảo máu me khắp người, áo quần rách nát hôi hám không phải là trở ngại cho nụ hôn. Bảo hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Bảo ngã xuống như một người lính chân chính. Bảo là bất tử. Bảo sẽ sống tươi đẹp trong ký ức của người còn sống. Nhưng quy định vẫn là quy định. Kỷ luật chiến trường không cho phép ai làm khác. Nó là biểu hiện ý thức tự giác của mỗi người chiến sĩ, vừa là quân lệnh thực hiện nghị quyết của chi bộ. Tôi băn khoăn. Thời gian sống của Bảo chẳng còn bao nhiêu. Nếu báo cáo và xin phép chắc sẽ không kịp. Ánh mắt Bảo cháy cồn lên điều gì đó thật khó tả. Dịu dàng và khẩn thiết. Khát khao và mãnh liệt. Trong một giây tôi thoáng rùng mình. Như có luồng điện cực mạnh chạy suốt sống lưng. Tôi quỳ xuống bất ngờ ôm choàng lấy Bảo. Mười đầu ngón tay lùa lên mái tóc rối bời đầy bùn đất của Bảo. Đôi môi tôi hôn lần lần từ ngực có trái tim đập loạn xạ, rồi đến cổ. Và dừng lại rất lâu ở đôi môi bệch bạc vì mất máu của Bảo. Ban đầu chậm rãi, ngập ngừng. Sau gấp gáp háo hức. Không phải Bảo mà chính tôi, chính tôi mới là kẻ thèm khát và tham lam. Như kẻ bị bỏ đói lâu ngày giờ gặp được đại tiệc. Tôi ghì chặt đầu Bảo trong vòng tay. Trong nụ hôn ngọt ngào và dài bất tận ấy, tâm trí tôi hiện về một thị xã vừa nghèo vừa cổ. Những ngôi nhà lá có nhiều đầu dóc lởm chởm chổng ngược lên trời. Quốc lộ 5 chạy xuyên dọc phố. Trước cửa nhà nào cũng bầy la liệt từng cuộn cót và tre nứa. Nhà máy sứ trẻ trung cùng tiếng máy ầm ì. Nước mắt tôi chợt ứa ra. "Chị khóc à? Em toại nguyện lắm. Vĩnh biệt chị". Tôi thầm thì: "Vĩnh biệt...Vĩnh biệt anh thân yêu". Hình như Bảo mỉm cười vẻ mãn nguyện. Rừng cây hiu hắt. Đâu đó hắt lên bầu trời tiếng chim lẻ loi như tiếng rao: "Ai lạc rang húng lìu đ...â...y".

Mải lo miếng cơm manh áo, sau hòa bình hơn 40 năm, tôi mới có dịp đặt chân lên cái thị xã "vừa nghèo vừa cổ" của Bảo. Đường vào nghĩa trang liệt sĩ rợp mát bóng cây. Xe đi chầm chậm như sợ làm kinh động những linh hồn đang yên nghỉ. Đã có nhiều người đến trước. Khói hương bảng lảng quấn quýt trên tán cây. Im lặng và thành kính. Chỉ có tiếng gió reo và những trái tim đang thổn thức. Tôi thong thả đốt một nắm hương trầm. Một nửa cắm vào trong cái lư đặt trước đài Tổ quốc ghi công. Một nửa cắm lên từng ngôi mộ trong nghĩa trang. Mỗi nấm mộ là một con người, là một cuộc đời. Hoài bão và đợi chờ. Chiến đấu và hy sinh. Tôi dành lại bẩy nén hương tiến tới ngôi mộ của Bảo. Và trang trọng đặt xuống bó huệ trắng muốt. Xong xuôi, chắp hai tay trước ngực, tôi thả hồn vào dòng suy tưởng hiếm hoi mà bấy lâu mải bon chen quên mất. Những mảnh ghép quá khứ ẩn hiện. Những gương mặt thân yêu lần lượt diễu qua. "Anh Bảo". Tôi bật ra tiếng gọi. Môi tôi bỏng rát như nụ hôn đầu hơn bốn mươi năm trước. Tự nhiên tôi thấy mình như có lỗi trong cái chết của Bảo. May thay, sự đền đáp của người đương thời với sự hy sinh của ngàn vạn liệt sĩ đã làm lòng tôi nguôi ngoai. Và tôi cũng đang hết sức mình trả món nợ ấy.

Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nụ hôn đầu