Những mùa xuân không vàng úa

19/03/2018 09:11

Tôi vốn xinh gái từ bé. Khi lớn lên chuẩn như hoa hậu, nghề nghiệp ổn định. Vì vậy có khá nhiều "vệ tinh" vây quanh.

Tôi vốn xinh gái từ bé. Khi lớn lên chuẩn như hoa hậu, nghề nghiệp ổn định. Vì vậy có khá nhiều "vệ tinh" vây quanh. Vô khối chàng còn làm những bài thơ vô cùng ướt át gửi tặng tôi. Ấy vậy mà tôi chẳng hề thấy rung động chút nào. Đôi lúc tôi có ý nghĩ thoảng qua: Hay mình bị bệnh? Một người bạn thân từ tấm bé là bác sĩ đa khoa, sau khi khám rất kỹ cho tôi, phán một câu xanh rờn: "Mày chả có bệnh gì hết. Ở tuổi 25 chưa chồng giờ có gì lạ đâu. Biến, biến ngay". Thi thoảng tôi bắt gặp mẹ tôi thở dài. Mẹ giới thiệu hết đám này đến đám khác. Nhiều khi tôi phát bực, tự ái không để đâu cho hết. Cha tôi lườm: "Khi bằng tuổi con, cha đã có bẩy tuổi quân, đánh hàng trăm trận và yên bề gia thất". Tôi không dám cãi. Những điều cha tôi nói đều đúng. Nhưng đâu phải vì thế mà mang kinh nghiệm của mấy chục năm trước làm khuôn mẫu cho ngày hôm nay. Như mẹ tôi có lần nói vui "chẳng còn hữu dụng trong thời bình". Tự dưng tôi chợt buồn. Tim nhói đau. Tôi thấy thương thế hệ cha mẹ tôi. Toàn bộ đam mê khát vọng riêng tư phải gác lại để phấn đấu cho mục tiêu chung: Giải phóng miền Nam. Kiêu hãnh và cao thượng. Khổ đau và mất mát.

Một lần cô tôi ốm nằm viện. Cha tôi bảo: "Cái Liên nghỉ vài ngày chăm cô". Chuyện đó quá đơn giản với một đứa con ngoan như tôi. Cô tôi là cán bộ thành phố nên đông người đến viện hỏi thăm lắm. Già có trẻ có, quê có phố phường cũng có. Họ nói chuyện đủ thứ. Ngồi nghe, tôi chả thấy gì quan trọng. Nhưng khi cô tôi nghiêng đầu hỏi khẽ một bà bạn: "Thằng Thảnh đâu?". Bà kia bảo: "Nó ngoài cửa, tôi gọi vào nhé". Tôi hiểu ra tất cả. Tự ái và sĩ diện. Tôi đâm bực cả với cô. Muốn gắt lên một câu gì đó. Nhưng cái bực qua nhanh khi người con trai tên Thảnh xuất hiện ở cửa phòng. Tình yêu sét đánh thật khủng khiếp. Vừa nhanh vừa mạnh khiến tôi bất ngờ đến ngớ ngẩn, lúng túng như đứa con gái mới lớn. Thảnh thanh tú cao sang, nhưng cứng cỏi và đầy nghị lực. Máu trong người tôi bốc lên đỏ mặt. Trong đầu tôi thoáng nghĩ: "Chàng trai này sẽ là chồng mình?". Sau này yêu nhau, Thảnh bảo: "Em đã gây cho anh xao xuyến ngay từ lần gặp đầu tiên". Thế mới biết tình yêu đến từ muôn nẻo, không thể lý giải nổi. Khi tất cả mọi người về hết, cô tôi bảo: "Lấy chồng kén giống. Thằng này chỉ là thợ bậc cao thôi, nhưng hiền lành chịu khó. Mẹ nó biết dạy con, lại đảm đang tế nhị. Này, cô bảo cho mà biết, thời nay kiếm một thằng như nó hơi bị hiếm đấy". Tôi bật cười: "Cứ cho là đặc sản đi". Cô tôi lườm: "Mày chê đống gai sồi, không khéo lại ngồi phải đống gai găng đấy con ạ". Còn con Thảo Vân, bạn thân hồi sinh viên, đã có chồng con, kinh nghiệm đầy mình, thì bảo: "Ối giời. Cứ nghĩ hôn nhân là thiên đường, vào rồi mới biết, hóa ra địa ngục. Một khi ván đã đóng thuyền, chàng ta quay ngoắt 180 độ. Phong lưu hào hoa mất sạch. Mày cứ nhìn vợ chồng tao thì rõ". Khiếp quá. Nó lú lẫn mất rồi. Ai đã gieo mầm hoài nghi vào nó? Khó khăn quá ư?

Hôn lễ được tiến hành sau ba tháng chúng tôi yêu nhau. Nhiều đứa bạn tôi chê ỏng chê eo. Nhưng tôi lại cho rằng mình may mắn vì được theo đuổi nghề mình yêu thích. Được người chồng tâm đầu ý hợp. Thảnh đang theo học một lớp đại học hàm thụ. Mỗi tối chúng tôi giúp nhau học tập. Rồi vẽ ra tương lai đầy tươi sáng cùng những đứa con đẹp như thiên thần. Miệt mài như người thám hiểm một chân trời chưa tỏ, một ao ước chưa thành. Vất vả như thế nhưng hai vợ chồng không hề ngại chuyện sinh nở. Niềm vui của anh vỡ òa khi tôi báo tin có bầu. Còn mẹ chồng tôi thì đúng như lời cô tôi khen. Bà là kết hợp mẫu người giữa phong kiến và hiện đại. Hẳn ngày xưa bà được dạy dỗ đến nơi đến chốn. Công việc tề gia nội trợ đúng như người phụ nữ ngày xưa mà tôi từng đọc trong sách. Nhưng trí tuệ bà lại bắt nhịp rất nhanh với thời mở cửa. Thấy bà lụi cụi nấu nấu nướng nướng, tôi nói: "Mẹ cứ tự làm khổ mình. Bây giờ dịch vụ tốt lắm, chẳng thiếu thứ gì". Bà nhìn tôi trìu mến, cảm giác như đang truyền sang tôi sự ấm áp: "Đúng là chẳng thiếu thật, nhưng những đồ ăn sẵn ấy không thể vệ sinh bằng mình tự làm. Khi người vợ, người mẹ nấu nướng là thể hiện tình cảm, là sự quan tâm với gia đình, với chồng con. Hạnh phúc gia đình sẽ gắn bó bền vững. Con có thấy thế không?".

Nhưng cuộc đời đâu chỉ có hoa hồng và nhung lụa, mà còn biết bao khổ đau và bất hạnh luôn rình rập trong mỗi kiếp người. Có khác chăng chỉ là ai chấp nhận, ai gục ngã mà thôi. Tôi đã có 10 năm hạnh phúc bên chồng cùng hai đứa con. Ngày tôi được công ty cử đi tu nghiệp ở nước ngoài thì Thảnh bị tai biến mạch máu não. Thế là đành hủy bỏ chuyến du học mà vợ chồng tôi hằng ao ước. Hạnh phúc đến và đi. Mau chóng và tàn nhẫn. Tôi không tin vào mắt mình khi đứng bên chiếc xe cáng một tấm thân mỏng dẹp phủ khăn trắng toát. Người bác sĩ nắm tay tôi an ủi: "Chị nên đưa anh ấy về sống trong vòng tay ấm áp của người thân". Thế là hết. Nhìn tấm thân bất động của Thảnh mà tim tôi như đang bị nhay bởi một lưỡi cưa cùn. Tôi không sợ vất vả. Tôi được bố mẹ chồng truyền cho nghị lực để vượt qua. Thảo Vân ôm tôi thầm thì: "Xưa nay nhân định thắng thiên đã nhiều". Tôi siết chặt tay con bạn, thầm cảm ơn nó đã quăng chiếc phao ra giữa cái biển lo lắng vô bờ bến của tôi. Tôi tìm đến Tây y rồi Đông y. Tuy Thảnh đã qua cơn nguy hiểm nhưng vẫn phải sống trong tình trạng bất động. Cơn bạo bệnh đã khiến người thợ có đôi bàn tay vàng như Thảnh trở nên thừa thãi. Bao nhiêu tiền bạc của bố mẹ chồng, của vợ chồng tôi dành dụm nhiều năm lần lượt đội nón ra đi. Tôi không tiếc nếu như điều đó giúp anh khỏi bệnh. Có người khuyên tôi nên chấp nhận số phận. Không, không thể như vậy. Tình yêu là món quà quý báu mà thượng đế ban tặng cho loài người. Nhưng thượng đế còn cho con người một thứ quý báu hơn, thiêng liêng hơn đó là tình chồng nghĩa vợ. Dù có đào đến tận xương tủy, dù có chôn xuống tận tầng địa ngục thứ chín, tôi vẫn tin Thảnh sẽ khỏi bệnh. Và cũng không bao giờ mất đi tình yêu đối với Thảnh. Cuộc sống không nhất thiết phải được kết hợp từ những mảnh ghép trùng hợp. Trong một khía cạnh nào đó nó lại là sự bù trừ của những cái thừa và những cái thiếu. Vừa đi làm vừa chăm sóc bố mẹ chồng, chồng, vừa phải lo cho hai đứa con đang tuổi ăn học. Có người còn e ngại rằng tôi trẻ đẹp, giao tiếp rộng với toàn người giàu, có địa vị nhất định trong xã hội, liệu tôi có giữ nổi mình, liệu tôi có chịu nổi một cuộc sống lâu dài bên người chồng tàn phế? Điều họ lo lắng không thừa. Vẫn còn khối người khen tôi trẻ và đẹp. Tôi ăn mặc xoàng xĩnh cũng như người chuẩn bị đi dự hội. Bao lời có cánh vây phủ xung quanh. Chẳng biết họ thật sự ngưỡng mộ hay chỉ là thử thách lòng chung thủy của tôi.

Nhờ thuốc thang đầy đủ, gặp thầy gặp thuốc nên Thảnh dần tỉnh táo. Đó là điều gia đình tôi mừng nhất. Nhưng tôi lại lo trong hoàn cảnh biết mình như thế Thảnh sẽ u sầu cô độc, sẽ tránh gặp mọi người. Nhìn vào mắt Thảnh tôi hiểu anh bỏ qua những ánh mắt thương cảm. Từ chối mọi lời chia sẻ. Ngay cả trong gia đình cũng vậy. Nếu không chu đáo, không tế nhị, anh sẽ rất đau khổ. Từ đau khổ sẽ sinh ra mặc cảm. Vô khối bài học ngoài đời đã minh chứng. Đàn ông là những người rất mẫn cảm về bệnh tật, về sự cô đơn bất lực của mình. Họ bị sốc khi bỗng nhiên trở thành người vô dụng, là gánh nặng cho gia đình. Tôi hiểu nỗi đau của chồng. Và càng đau đớn hơn khi đọc được những suy nghĩ ấy trong anh. Ai đã nói nhỉ, tôi không nhớ, rằng hạnh phúc là sự sẻ chia và hy sinh. Có phải vì thế mà lịch sử về con người luôn đau đớn và bất diệt? Rất may bố mẹ chồng và các con tôi dường như cũng đồng cảm với tôi. Mọi người chăm sóc, gần gũi anh nhiều hơn. Chưa khi nào tôi để anh ngồi ăn cơm một mình. Đến bữa tôi kéo chiếc bàn ăn kề bên giường nằm, đỡ anh ngồi dậy. Vừa bón cơm cho anh, tôi vừa ăn. Mọi người trò chuyện vui vẻ. Các con tôi lanh chanh kể chuyện học hành ở lớp. Tôi chia sẻ việc cơ quan. Hằng đêm, sau khi hoàn tất công việc, tôi nằm xuống cạnh anh. Âu yếm nhiều hơn hồi anh chưa bị bệnh. Chính tôi mới là người dựa vào anh để an ủi mình, an ủi chồng, để cùng nhau bước tiếp quãng đường dài: "Dù có bất kỳ điều gì xảy ra, em cũng không bao giờ để anh buồn. Nhất là buồn vì em. Không bao giờ". Tôi nói với anh. Hai chúng tôi ôm nhau, mặc cho những dòng nước mắt trộn hòa. Nước mắt của thổn thức, của hạnh phúc. 

Chính nhờ tình yêu thương của gia đình, của tôi mà Thảnh vượt qua được cái tâm lý thường tình. Anh lấy lại được thăng bằng và quyết tâm luyện tập chống chọi với bệnh tật. Ai bảo đau thương vất vả sẽ vùi dập người ta đến độ gục ngã? Người đó đã nhầm. Ý chí của anh thật tuyệt vời. Chưa làm được bằng chân tay thì anh làm việc bằng trí óc. Anh kèm cặp các con học tập, đọc sách báo cho vợ nghe. Với anh, chỉ cần giúp vợ con việc nhỏ thôi cũng là niềm vui. Nếu tôi tỏ ra không hài lòng thì anh cười bảo: "Để em còn có thời gian nghỉ ngơi". Anh vui vẻ hơn, thân ái với mọi người, hít thở bầu không khí trong lành và tươi mát mỗi sáng mỗi chiều. Độ này đôi bàn tay anh có vẻ như đã tuân theo khối óc điều khiển. Nhờ thế mà tôi cũng cập nhật được nhiều thông tin có ích qua trang mạng mà anh đọc. Các con tôi đã lớn. Một đứa vào đại học. Một đứa đang học lớp 12. Chúng tự lo được cho mình. Nhàn rỗi quá nên Thảnh quay sang trồng cây cảnh. Tôi mua những cuốn sách nói về kỹ thuật trồng cây cảnh cho anh. Khách đến chơi đều trầm trồ trước những tác phẩm độc đáo, phá cách của anh. Nhiều người muốn mua nhưng anh không bán. Anh bảo: "Chỉ tặng bạn bè và trang trí cho cái tổ ấm của mình thôi".

Điều kỳ diệu đã xảy ra. Ấy là hôm cả nhà đang bận rộn chuẩn bị đón xuân thì Thảnh bỗng đứng lên được. Anh vịn tay vào cái bàn ăn, hai đầu gối run run, hai tay buông khỏi bàn. Y như đứa trẻ đang tập đứng, chập chững muốn ngã. Trong phút chốc căn nhà như bừng sáng. Không gian như ngân lên, rung lên những giai điệu yêu thương. Tôi sung sướng cơ hồ muốn ngất lịm. Chao ôi, người chồng thân yêu của tôi đã đứng được trên đôi chân của mình. Điều quá đỗi bình thường với mọi người, nhưng lại là một kỳ tích của chồng tôi. Nước mắt tôi trào ra không thể ngăn nổi. Phút chốc tôi quên mọi mệt nhọc lo âu, chạy đến định ôm chầm lấy anh. Nhưng anh ra hiệu cứ để anh đứng xem được bao lâu. Tôi, bố mẹ chồng và các con đứng vây quanh Thảnh hò reo cổ vũ. Mắt ai cũng nhòa lệ.

Một mùa xuân nữa đã đến. Mùa xuân của năm thứ chín kể từ ngày anh lâm bệnh. Xuân đến rồi xuân lại đi. Nhưng trong tôi, ba trăm sáu mươi lăm ngày của hai mươi năm làm vợ, mùa xuân chưa một lần vàng úa.

Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những mùa xuân không vàng úa