Ngôi nhà thừa kế

12/07/2020 16:16

Cuộc họp gia đình chưa bao giờ căng thẳng như thế. Ông Xiêm rao bán ngôi nhà với các con để lấy tiền chữa bệnh vì một trăm triệu gửi tiết kiệm ông đã chi hết sau năm đợt đi viện hóa trị.


1. Ông Xiêm chưa đến lục tuần, nhìn khỏe mạnh, cường tráng. Sáng sáng, chiều chiều ông mặc quần áo thể thao đi bộ, đạp xe tập thể dục quanh làng hay chơi cầu lông, bóng bàn với đám thanh niên choai choai nhàn rỗi. Khối anh tứ tuần có xách dép chạy theo ông cũng không kịp, thua ông ở vẻ ngoài phong độ, chỉn chu. Ông có cách ăn uống, ngủ nghỉ, thể thao rất khoa học, ít ai bì được.

Vậy mà chỉ sau một đợt ho kéo dài, ông đi khám bệnh định kỳ, đùng một cái bác sĩ bảo ông bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Phổi hỏng gần hết rồi. Ông chết lặng người, không tin. Thuốc lá bỏ mấy chục năm nay cơ mà. Thuốc lào thì không bao giờ động đến. Đứng cạnh mấy anh hút thuốc lào hôi rình, ông chỉ muốn ói. Sớm nào ông cũng uống một cốc nước lọc to tướng để thải độc ra khỏi cơ thể trước khi ăn sáng. Dạo này ho húng hắng, ông nghĩ mình bị viêm họng mạn tính thôi. Ông nghĩ có lẽ vì những ngày đi làm kinh tế trên miền núi hay tắm nước lạnh, tắm mưa, tắm suối nên giờ có tuổi bị ảnh hưởng chứ ung thư làm sao được. Có triệu chứng gì đâu, không thể nào? Nhất định phải lên tận viện K trung ương để làm xét nghiệm lại. Ông tự trấn tĩnh bản thân: “Chết có số, sợ gì”.

Ông giấu hai thằng con trai và đứa con gái út nên dâu rể cũng đừng hòng biết chuyện. Một mình ông bắt xe lên Hà Nội khám lại. Cầm tờ kết quả xét nghiệm, chiếu chụp trên tay, mắt ông hoa lên như có hàng nghìn con đom đóm. Ông ngồi phịch xuống ghế đá ở hành lang bệnh viện, thở dốc: “Thế là lĩnh án tử rồi còn gì”. Nhưng ông chưa muốn chết. Ông còn trẻ, chưa thể đi theo bà ấy được nên nhất định còn nước còn tát. Tốn kém cũng nhất định phải xạ trị, phải truyền hóa chất theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Dù có phải bán nốt cả ngôi nhà hai tầng để lấy tiền chữa bệnh thì ông cũng làm. Đến nước này thì ông cũng chẳng cần để lại cái gì cho các con. Chúng phải tự lo thân chúng, phải tự lực cánh sinh. Từ khi vợ ông mất, ông đã rèn cho ba đứa con bản lĩnh tự lập, không được ỷ lại, dựa dẫm vào người khác. “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, ông vẫn hay nói những câu đại loại như thế.

Bây giờ thì ông Xiêm không giấu được chuyện mình mắc bạo bệnh. Cái tin ông bị ung thư phổi làm cả làng Thượng xôn xao. Các bà, các cô thi nhau thắc mắc: “Tài nhỉ? Ăn sạch, ở sạch, làm nhàn và chăm tập thể dục như ông Xiêm mà ung thư được thì chứng tỏ cái bệnh này nó chẳng chừa một ai”. Đám thanh niên choai choai thì nháy nhau rồi cười hô hố: “Đàn ông độc thân, thiếu cái khoản ấy là khó sống thọ lắm”. Mấy chị phụ nữ đi qua nghe thấy, có chị vặc lại: “Gớm! Mấy ông nỡm, đừng có cười trên nỗi đau của người khác”. Lại có chị bĩu môi: “Biết người ta thiếu đấy à, chắc gì. Bệnh tật bây giờ chẳng biết đâu mà nói trước. Ung thư nó có chừa ai đâu”.

2. Hậu bước chân về làm dâu nhà ông Xiêm thì mẹ chồng đã mất được chục năm rồi. Ông Xiêm cũng đi lại với vài người đàn bà góa nhưng chẳng ai được bền. Ông có ra UBND xã đăng ký kết hôn với bà Mơ nhưng chung sống được vài năm thì xích mích, mâu thuẫn, cãi vã nên bà ấy bỏ về. Hai người không có con chung nên ông Xiêm cũng không nộp đơn ly dị. Gần đây, Hậu nghe đồn bố chồng qua lại với một người phụ nữ lỡ thì, chỉ nhỉnh hơn Hậu một chút nhưng cô cứ lờ đi. Ông Xiêm không đưa người đàn bà ấy về nhà, không nói gì trước mặt Hậu thì khơi ra làm gì. Nguyên tắc ở nhà này là việc ai người ấy làm, cơm ai người ấy ăn.

Nhìn Hậu sáng nào cũng quần là áo lượt, đeo cặp, nổ xe máy đến trường dạy học tận chiều mới về, nhiều người tồng tộc bảo Hậu sướng một đời, không phải va mặt mẹ chồng, không bị ai xét nét. Nhưng cái sự thiệt thòi vì lấy chồng mồ côi mẹ, nhà cửa thiếu vắng mẹ chồng thì chỉ có Hậu mới cảm nhận được. Hậu thấm thía nhất là cái lần cô ở cữ, đúng lúc mẹ đẻ đi chợ bán cà chua bị một thằng say rượu tông vào ngã gãy chân, phải bó bột, nằm yên một chỗ nên không thể giúp cô được việc gì. Chồng là bộ đội cũng chỉ nghỉ phép được đúng một tuần là phải trở lại đơn vị. Đến ngày thứ năm, Hậu vùng dậy tự nấu ăn, tự giặt quần áo, tự tắm cho con. Vết khâu chưa kịp cắt chỉ, bục ra, tóe máu, đau hơn cả đau đẻ. Hậu sợ, không dám nghĩ đến chuyện sinh đứa thứ hai. Giá mà những lúc như thế có mẹ chồng đỡ đần thì tốt biết mấy...

Đơn vị xa nhà hơn trăm cây số nên hai tuần, anh Xoài, chồng Hậu mới về nhà một lần vào dịp cuối tuần. Bưởi, em trai anh Xoài cưới vợ là xin ở riêng, không muốn ra đụng vào chạm. Ông Xiêm đồng ý cắt cho vợ chồng Bưởi một khoảnh đất để xây nhà ngay cạnh với điều kiện phải trả ông một trăm triệu để ông gửi vào ngân hàng phòng thân, dưỡng già sau này. Ông rạch ròi: “Tao chẳng cho không đứa nào. Đủ lông đủ cánh rồi thì tự làm mà ăn, đừng hong hóng tài sản thừa kế của bố mẹ. Còn cái nhà này nếu vợ chồng thằng Xoài muốn ở thì mỗi tháng nộp cho tao ba triệu để tao ăn tiêu. Sau này về với tổ tiên, tao để lại cho mà làm nơi thờ tự. Không thích thì dắt nhau đi chỗ khác mà ở”. Vợ chồng Bưởi đồng ý ngay vì một trăm triệu mà được gần trăm mét vuông mặt đường. Vét hết tiền mừng đám cưới và vay mượn thêm bên nhà vợ, Bưởi mở cửa hàng tạp hóa buôn bán và sửa xe máy. 

Còn Hậu, dù muốn giẫy ra chỗ khác ở cũng không được vì đồng lương viên chức không biết tiết kiệm đến bao giờ mới có thể mua được một mảnh đất. Nghe loa truyền thanh oang oang thông báo lịch bỏ thầu khu đất gần bãi tha ma mà giá sàn đã 3 triệu một mét vuông thì làm sao vợ chồng Hậu có cơ hội. Hậu đành khuyên chồng đồng ý mỗi tháng chắt chiu nộp cho bố một khoản tiền để giữ mảnh đất của cha mẹ, không thể để nó rơi vào tay người khác được. Chẳng gì Xoài cũng là con trưởng.

Chỉ cần ới một cái “Thím Xoan ơi” là Hậu có thể nhờ vả được em dâu nhưng thói đời chị em dâu vốn bằng mặt không bằng lòng nên Hậu không thích phiền lụy. Ông Xiêm thì không bao giờ ngửa tay đòi bế cháu vì ông bảo: “Tao không quen, bé tí thế kia bế lọt tay tao. Ngày xưa, ba đứa con, tao cũng chẳng bế đứa nào”. Đã thế, ông tự nấu ăn chứ nhất định không ăn chung với “bà đẻ” và cũng nhất định không nấu hộ con dâu. Ông tuyên bố: “Thích gì tự nấu mà ăn”. Hậu nín nhịn, những lúc con quấy khóc, một tay Hậu ẵm con, một tay cầm đũa xào nấu, đến khi thằng bé ngồi được thì cô đặt nó vào xe, buộc thêm mấy thứ đồ chơi sặc sỡ và kêu leng keng là nó biết thân biết phận không khóc nữa. Lâu dần thành quen, Hậu đảm đang, nhanh nhẹn hơn thời con gái chứ không còn tủi thân, khóc rấm rứt một mình như lúc mới về làm dâu.

3. Cuộc họp gia đình chưa bao giờ căng thẳng như thế. Ông Xiêm rao bán ngôi nhà với các con để lấy tiền chữa bệnh vì một trăm triệu gửi tiết kiệm ông đã chi hết sau năm đợt đi viện hóa trị. Thuốc ngoại đắt hơn vàng. Nếu không có thuốc tốt chắc ông đi lâu rồi. Ông ngồi khoanh tròn trên giường, ra giá ba trăm triệu: 

- Đứa nào chồng đủ tiền thì được ngôi nhà này. Đấy là tao bán rẻ cho rồi - ông Xiêm vừa dứt lời thì một tràng ho khan kéo đến khiến ông phải dựa người vào tường, thở dốc.

Hậu choáng váng, tái mặt trước quyết định ấy của bố chồng. Rõ ràng trước kia ông nói sẽ để ngôi nhà này cho vợ chồng Hậu cơ mà. 

Xoài cau mày: 

- Bố không phải lo chuyện tiền nong chữa bệnh. Chúng con sẽ có trách nhiệm. Còn cái nhà này, vợ chồng con muốn ở. 

Cái Cam, con gái út của ông Xiêm buôn bán thịt lợn ngoài chợ nhanh nhảu:

 - Vậy thì theo ý bố, anh chị cứ chồng ba trăm triệu ra đây. Nếu không có thì để vợ chồng em lấy.

Cam nói bằng giọng chợ búa trắng như hành bóc khiến Hậu khó chịu nhưng không muốn vặc lại “giặc bên Ngô” lúc này. Hậu nuốt cục tức nơi cổ họng, từ tốn: 

- Bố cứ yên tâm chữa bệnh. Sức khỏe của bố là quan trọng nhất. Thiếu đến đâu chúng con sẽ lo đến đó. 

Bưởi gật gù, đắc ý: 

- Chị dâu nói phải. Từ giờ anh chị chi tiền thuốc men viện phí cho bố, khi nào hết số tiền ba trăm triệu thì chúng con sẽ có trách nhiệm chia đều để đóng góp. Bố không phải lo!

Từ hôm ấy, vợ chồng Hậu vừa chạy vạy khắp nơi để có tiền thuốc thang, viện phí vừa thay nhau chăm sóc ông Xiêm. Nhưng ông vẫn chưa có ý định sang tên mảnh đất và ngôi nhà. Bác sĩ nói riêng với vợ chồng Hậu rằng ông Xiêm chỉ còn rất ít thời gian nữa thôi. Ruột gan Hậu cứ sôi lên, bèn giục chồng nhắc khéo để bố làm thủ tục cho xong nhưng Xoài im re, sợ bố nghĩ ngợi, bệnh sẽ nặng thêm. Vợ chồng Cam và vợ chồng Bưởi thì ung dung phó mặc tất cả cho vợ chồng anh trưởng, từ tiền nong đến chăm sóc. Xoan còn đi rêu rao khắp làng rằng: “Anh chị ấy tham, bố chưa chết đã đòi chiếm hết ngôi nhà”. Chuyện đến tai Hậu, Hậu định gọi Xoan sang nói cho ra nhẽ nhưng lại nghĩ: “Mình là giáo viên, đôi co làm gì, không thèm chấp với em dâu. Rồi mọi người sẽ hiểu”.

4. Khi ông Xiêm chìm vào hôn mê thì ngôi nhà vẫn đứng tên ông. Hàng xóm biết chuyện, xui vợ chồng Xoài thảo một bản di chúc rồi ấn ngón tay ông Xiêm điểm chỉ vào đó. Bưởi nhìn thấy, giằng tờ di chúc, mặt đỏ văng đỏ vái, chỉ tay vào mặt Xoài, lớn giọng:

- Ai cho anh làm thế? Tôi sẽ kiện anh. Anh mất trí rồi à?

Hậu run rẩy, đứng nép đằng sau chồng. Xoài trợn mắt lên, giận dữ:

- Nhưng lúc tỉnh táo thì bố không chịu lập di chúc.

Bưởi càng nói to:

- Đó là quyền của bố. Chẳng qua là bố sợ bị đuổi ra khỏi nhà của mình.

Xoài sừng cồ lên:

- Chú nói thế mà nghe được à ? Chẳng con nào lại đi đuổi bố ra khỏi nhà.

- Thiên hạ có rồi đấy. Bố làm thế cũng phải thôi. Anh chị phải chồng ba trăm triệu ra đây!

Trên giường, ông Xiêm thở hắt ra rồi tắt lịm. Hậu sững sờ:

- Thôi! Bố đi rồi! - Hậu ngồi thụp xuống chân giường. Nước mắt trào ra, ướt nhoẹt hai bên gò má. Hậu tủi thân khi nghĩ lại quãng thời gian làm dâu ở cái nhà này. Đến bây giờ, một tấc đất đứng tên mình cũng không có. Hậu biết bố chồng lo xa, nhiều lần ông đổng giảng: "Đã cầm dao phải cầm đằng chuôi", nhưng ông không ngờ rằng mình lại ra đi sớm như thế này. Đến tận lúc được đưa từ viện về nhà ông vẫn đinh ninh rằng mình về nghỉ ngơi vài hôm rồi lại lên viện điều trị. Nào ngờ…

Đúng hôm tuần đầu ông Xiêm thì Bưởi lên tiếng đòi chia căn nhà thành ba phần. Xoài và Bưởi có tí men rượu, đấu võ mồm một thôi một hồi, trách móc xỉa xói rồi lao vào ẩu đả. Hậu cuống lên đi cầu cứu cô dì chú bác đến can thiệp. Chú ruột chạy sang, chỉ thẳng vào mặt hai anh em Xoài: "Bố mẹ mất hết rồi, anh em phải tự bảo nhau. Đáng lẽ qua trăm ngày thì chú mới đưa ra tờ di chúc này. Bố chúng mày lập lúc còn tỉnh táo, không đưa ra là thử lòng anh em mày thôi. Đây! Xem đi".

Di chúc ghi rõ ngôi nhà này để cho vợ chồng Xoài. Bưởi lao ra khỏi nhà. Xoài ngồi phịch xuống đi văng. Hậu lặng người, tay run run đốt ba nén nhang thắp lên bàn thờ bố chồng, nước mắt ứa ra: Bố ơi! Xin bố hãy tha lỗi cho chúng con!

Truyện ngắn của TRẦN THÚY LÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngôi nhà thừa kế