Ngày trở về

08/04/2018 05:29

Mơ về làm dâu khi gia đình tôi đang gặp biến cố. Bố tôi làm ăn vỡ nợ, căn nhà ba gian chỉ còn cái xác không. Tôi bỏ lên Hà Nội lánh nạn rồi lấy chồng trên đó.



Mơ về làm dâu khi gia đình tôi đang gặp biến cố. Bố tôi làm ăn vỡ nợ, căn nhà ba gian chỉ còn cái xác không. Tôi bỏ lên Hà Nội lánh nạn rồi lấy chồng trên đó. Tôi và Mơ chẳng mấy khi gặp mặt và ngồi chung mâm với nhau. Tôi ít về nhà còn nó thì chỉ ở nhà. Ngoảnh đi ngoảnh lại cả chị chồng em dâu đều đã ngoại tứ tuần và cuộc đời xô đẩy, mỗi người một phận.

Tôi cá tính mạnh, sống độc lập và thích tự do. Sau vài năm kết hôn thấy không thể tiếp tục duy trì cái gọi là “nấm mồ của tình yêu”, tôi đã chủ động ly dị. Đang ở trong gia đình chồng bề thế, điều kiện khá giả, có chồng con đàng hoàng, nay tôi ra tay trắng. Mọi người bảo tôi dại nhưng đó là quyết định để đổi lấy cuộc sống mà tôi chọn nên tôi chả có gì phải ân hận. Tuy sống độc thân nhưng tôi cũng chẳng tiết kiệm được là bao vì tôi đi đó đây suốt và có khối thứ phải chi tiêu.

Cũng vì lẽ đó mà tôi có nhiều cơ hội về nhà hơn. Mỗi lần về tôi lại chứng kiến cuộc sống của vợ chồng em trai. Không hiểu sao chúng nó sống được kiểu ấy. Em trai tôi thì tính gia trưởng, hay cáu kỉnh chả khác tính bố tôi là mấy. Còn em dâu, người ta bảo “chân trước bước đâu chân sau theo đấy” cấm có sai. Mơ cũng cung cúc chiều ý chồng giống như mẹ chồng vậy. Thậm chí nó còn phục tùng chồng hơn cả mẹ tôi.

Tính Mơ vốn tằn tiện. Nó thường tranh thủ đi chợ tầm trưa, lúc người ta ế hàng, bán đổ bán tháo để mua được mớ cá, mớ tôm đã trắng hếu cả bụng. Nó cặm cụi suốt buổi trưa, kỳ cạch chế biến. Điều ấy hoàn toàn xa lạ với lối sống thích ăn nhà hàng, thích xài đồ sang của tôi. Nhiều lần chồng nó mắng: “Người đâu cứ tham đồ rẻ, của rẻ là của ôi”. Thế mà nó vẫn không chừa. Quốc thì nóng tính, hễ vợ sai ý là điện thoại, ti vi biết bay hết. Mơ chỉ im lặng, nhẫn nhịn. Tôi bảo Mơ: “Sao mợ không cãi để nó làm càn quen đi?”. Mơ chỉ cười. Nó lại còn bênh chồng: “Tính anh ấy thế chứ không có gì đâu chị ạ”.

Đôi lúc thấy Mơ buồn, tôi cũng muốn chuyện trò cho nó khuây khỏa. Nhưng không biết có phải tại sự khác nhau giữa cái sang chảnh từ bé của tôi và cái tính quê mùa bẩm sinh của nó hay tại cái ranh giới chị dâu - em chồng mà tôi vẫn thấy mình khó gần với nó. Tôi chả thể cắt nghĩa được tại sao tôi không nói chuyện hay tâm sự nhỏ to với Mơ. Thường tôi chỉ hỏi han em dâu vài câu cho có chuyện rồi kệ nó lúi húi dưới bếp. Nó chẳng bao giờ phàn nàn, chỉ lủi thủi nấu nấu nướng nướng một mình. Còn tôi tiếng là về thăm nhà nhưng thời gian chủ yếu ngồi buôn điện thoại, lướt Facebook tán gẫu với bạn bè.

Nhìn bộ đồ Mơ mặc, tôi biết ngay là đồ cũ của tôi. Có tới chục năm sau khi nó về làm dâu nhà tôi, tôi vẫn thấy nó dùng lại đống đồ khi lên Hà Nội tôi bỏ lại nhà. Tôi thì khác, cứ chán là bỏ. Cái áo có khi vừa mua về bị ai chê là không bao giờ tôi mặc nữa. Mỗi lần trông nó mặc đồ của tôi hệt như cái phiên bản lỗi làm tôi thấy vừa tức cười vừa bực bội. Điều làm tôi thấy lạ là cái gì nó cũng gật, cũng vâng. Tính hà tiện vậy mà có khi cả đời nó chưa biết lắc đầu bao giờ. Lúc mới cưới, có chỉ vàng hồi môn của mẹ đẻ, vậy mà chồng nợ nần, gạ “bán nhé” nó gật liền. Có ít tiền tiết kiệm chồng bảo cho bạn vay, cho anh nọ, chị kia vay, nó cũng “vâng”. Nhiều lúc tôi nghĩ hay tại hồi bé nó bị sài giật nên có khi trong đầu định lắc thì hành động ra ngoài lại thành gật. Mà có khi ở lâu với gã chồng gia trưởng, độc đoán nó đã thích nghi và hình thành phản xạ gật có điều kiện, chẳng khác nào đầu hàng không điều kiện. Chồng bảo dành dụm xây nhà rồi lại đem tiền đấy đi xây cho bố mẹ trước. Nó bảo đúng rồi, phải thế mới đúng. Thế là căn nhà khang trang ở quê giờ bố mẹ tôi đang ở đã được vợ chồng nó xây lên. Vừa rồi, Quốc gọi tôi về bảo: “Thôi! Chị mua nhà mà ở chứ đi thuê mãi sao tiện, có gì vợ chồng em hỗ trợ”. Nhưng tôi thì đâu có đồng nào dành dụm mà mua. Nghĩ đến lúc được cầm xâu chìa khóa căn hộ chung cư, lòng tôi phơi phới vô cùng. Tôi sẽ mời người nhà và những đứa bạn thân đến liên hoan nhà mới. Tôi sẽ khoe với mọi người rằng điều kỳ diệu đã đến với tôi, rằng con bé trắng tay nay đã có nhà riêng rồi. Tôi vui quá nên dù trời đang mưa gió vẫn về quê để tìm cách vay tiền mua nhà.

Tiện đường về tôi tạt vào nhà vợ chồng Mơ trước. Đứng ở cổng nhìn vào tôi thấy tường tróc lở từng đám, ba mẹ con nó đứng tát nước từ trong nhà ra sân. Ngôi nhà hơn cả tuổi tôi. Tôi còn nhớ ngày nhà chồng tôi đến thăm nhà cũng vào hôm trời mưa như thế này. Cả nhà tôi phải mang chậu thau ra hứng chỗ dột giữa nhà. Ngôi nhà nơi mẹ gói ghém đồ đạc để tôi đi mong con kiếm tấm chồng tử tế. Mẹ sợ con gái đến tuổi gả chồng mà gặp gia cảnh kiểu này e khó phá “bom nổ chậm”. Tôi như người hụt hơi bước lùi mấy bước, lưng dựa vào tường. Tay cầm ô buông thõng, tôi để mặc mưa gió tạt vào mặt, hai mắt cay xè. Tôi như còn nghe tiếng mẹ tôi khóc, tiếng người ta tru tréo đòi siết nợ căn nhà lúc bố tôi làm ăn thua lỗ không có khả năng trả tiền vay nặng lãi của người ta. Những ngày tăm tối ấy tôi đã vội quay gót đi thì Mơ lại chui đầu vào. Và tôi không thể tưởng tượng được vợ chồng nó đã trải qua những ngày tháng đó như thế nào. Tôi vẫn nghĩ chẳng ra gì về Mơ. Nào là xấu, nào là bần tiện, nào là dại, là đần, chồng bảo sao nên vậy. Tôi đã nghĩ người chịu đựng nhất thiên hạ về những thói gia trưởng của đàn ông chắc chỉ tồn tại ở mẹ tôi và đã chấm dứt ở thời của bà. Và tôi cũng nghĩ nỗi khổ của phụ nữ chỉ có thể do đàn ông gây ra. Nhưng bây giờ tôi mới nhận ra mẹ tôi không chỉ khổ vì ông chồng độc đoán gia trưởng mà bà còn khổ vì cô con gái quý hóa ngang ngược như tôi. Còn em dâu tôi, số phận đưa nó đến thế chân tôi bước vào căn nhà cuối con ngõ hẹp kia, cái đứa cả đời chưa tự tay mua cho mình một thỏi son, cái đứa chuyên mặc áo quần từ “siêu thị vỉa hè”... chẳng phải giờ nó đang khổ lây vì tôi sao. Giá mà... tôi vẫn chịu ở trong căn nhà dành cho mình, nơi có chồng, có con mà không đi theo tiếng gọi của cái tôi ích kỷ thì có thể căn nhà dột nát kia chắc gì đã gắn với số phận em dâu tôi lâu thế.

Gần 20 năm trời từ lúc làm dâu một gia đình bề thế đến lúc trở lại độc thân tôi vẫn tay trắng. Còn Mơ, giờ cũng có gì trong tay? Nhưng 20 năm của nó là lần hồi trả hết nợ nọ nần kia, là bao nhiêu chắt bóp tiện tằn, là bao nhiêu lần trì hoãn mua cái nọ sắm cái kia. Các cháu tôi đã lớn cả rồi, chắc chúng đã từng ước về một căn nhà khang trang nơi chúng có phòng riêng xinh xinh. Và tuổi thơ với những ước mơ cũng đã lùi lại. Các cháu tôi vụt lớn lên mà không thể chờ đợi căn phòng riêng lung linh xa xăm của tuổi thơ kia biến thành hiện thực.

Cái niềm vui nhà mới phơi phới của tôi giờ tan biến như những bọt bong bóng trong cơn mưa xối xả. Mặc dù trời đã tối, tôi đi lang thang vô thức, toàn thân ướt sũng trong cái lạnh toát của nước mưa. Tôi không nhớ mình đã đi bộ trở lại ga tàu theo lối nào. Ánh đèn cao áp càng làm cho sức tạt của cơn mưa xối xả trông dữ dội hơn. Đây sân ga nơi 20 năm trước tôi khăn gói ra đi mong một ngày về thênh thang hơn, mong giúp mẹ đỡ buồn, giúp em đỡ khổ. Vậy mà... Tôi gục xuống chân cây cột đèn, hai tay ôm lấy thân mình. Nơi ngực tôi đau nhói như bị bóp nghẹt. Tôi khóc. Chưa bao giờ tôi thấy mình thê thảm như lúc này. Tôi như cảm được nỗi buồn đau trong lòng mẹ khi bà khóc xin tôi đừng bỏ bố con cu Bi. Bà còn dọa sẽ từ mặt tôi nếu tôi cứ làm theo ý mình. Vậy mà tôi vẫn bất chấp tất cả. Ngày tôi bé người ta đã bảo con gái tuổi Dần sinh nhằm hôm rằm lại thêm cái trán dô, mũi hếch, cằm chẻ của tôi thì lớn lên ngang phải biết. Không biết bao lần mẹ năn nỉ tôi trở về xin lỗi bố mẹ chồng, mẹ sẽ xin lỗi ông bà thông gia để tôi được về với chồng với con mà tôi chỉ để ngoài tai. Gần đây mẹ vẫn còn bảo: “Anh ấy còn chưa đi bước nữa, chị quay về vẫn kịp. Mẹ chưa thấy đứa nào một nách nuôi hai con nhỏ mà trách nhiệm được như anh ấy”. Việc này thì mẹ tôi đúng. Tòa cho tôi quyền nuôi con lớn, còn con bé ở với bố vì cháu nuôi bộ từ bé và quấn bác vú em hơn mẹ. Mà tôi thì không có khả năng nuôi thêm người giúp việc nên không thể nuôi cả hai bác cháu được. Nhưng lúc sang đón con lớn ra ở với mẹ thì con không chịu theo mẹ, không chịu xa bố và em. Anh ấy bảo: “Thôi! Để con ở nhà đi học cho gần, nhớ con thì cô cứ đến thăm con". Tôi thuận ý vì không muốn con bị xáo trộn nhiều. Mà cũng may là con bé ở với bố chứ theo tôi thì nay đây mai đó chuyển chỗ ở, chuyển trường liên tục làm sao theo kịp bạn bè.

Bao hồi ức miên man trở về trong đầu tôi. Tôi ngồi lặng và cứ lịm đi dưới chân cái cột đèn như thế. Thế rồi tôi chợt thấy như mình được ai đó che mưa cho. Rồi có ai đó vòng tay ôm lấy tôi. “Chị ơi sao chị về mà không điện để em ra đón. Chị lên xe em chở về”. Là em dâu tôi chứ còn ai nữa. Tôi gượng gạo: “Chị vừa xuống tàu, định chờ tắc-xi”. Mơ vồn vã: “Thôi! Khỏi tắc-xi cho tốn tiền. Chị lên xe em đèo về kẻo mưa cảm lạnh bây giờ”. Cái giọng ân cần giục giã của nó lôi tôi lên xe. Tôi ngồi thu lu sau xe vòng tay ôm lấy em dâu, đầu ngả vào lưng nó. Tôi hình dung ra cảnh mẹ đèo tôi ra ga, tôi cũng ôm cứng lấy thân mẹ tôi như thế này. Chỉ khác là lúc đó mẹ tôi - người đèo thì khóc còn bây giờ người được đèo lại khóc. Vì trời mưa nên em dâu không biết tôi đang khóc, nó nghĩ tôi bị ướt đang run lên vì rét, mới ôm chặt thế nên nó ra sức guồng chân phóng nhanh về nhà.

Hôm sau tôi trở về cơ quan đi làm chứ không về quê nữa. Ngồi trên tàu tôi lại chìm vào những miên man. Tôi tự thấy mình có lỗi với các con. Nếu không nhờ ngày trở về mưa gió ấy thì đến bạc đầu tôi cũng chưa nhận ra. Tôi phải lấy lại được nhịp sống đã thả trôi lâu ngày của mình bởi tôi còn quá nhiều việc để làm. Tôi thầm cảm ơn em dâu, cảm ơn những nhẫn nhịn chắt chiu của em. Tôi sẽ sớm đến thăm các con, thăm ông bà và bố các cháu. Tôi sẽ nói lời xin lỗi mọi người, không phải để được tha thứ mà vì tôi thấy mình cần làm vậy. Tôi thầm hẹn một ngày gần nhất sẽ về bên mẹ để xin mẹ thứ tha, xin mẹ thêm một lần ôm lấy đứa con lạc lối trở về. Giá ngày trước tôi chịu nghe lời mẹ, chịu nhẫn nhịn một chút thì có lẽ tôi đã không đánh mất những thứ quý giá nhất trong cuộc đời.

Truyện ngắn của TRẦN THỊ HẢO

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày trở về