Ngày đốt nắng

05/07/2020 10:27

Ngân vươn người mở chốt cho cánh cửa sổ toang ra, có cơn gió nhạt thổi vào cùng những tia nắng mặt trời mới sáng ra đã chói chang, tiếng ai đó trong phòng, bao giờ mới hết những ngày đốt nắng thế này…



Phòng 26. Ông Cảnh nằm trên giường số 2, người gày đét tưởng còn một nhúm, bàn tay nổi đầy gân xanh, dây truyền loằng ngoằng. Ngoài trời, nắng đã lên tới ba mươi bảy độ nên hai chiếc quạt trần phành phạch quay trong phòng cũng chỉ phát ra những luồng gió nhợt nhạt không làm dịu được cái nóng. Cữ này trời đốt nắng đẫy tuần mà chưa có mưa gió gì, không khí ngột ngạt khó chịu vô cùng.

Ngân đẩy xe băng ca đưa ông Dụ vào phòng, nhận giường số 3, bà vợ ông Cảnh đang cầm quạt nan phe phẩy thêm cho chồng, nhìn thấy bèn quay người ra vồn vã như người làng gặp nhau: “Ông mổ rồi hả cô? Vào phòng này với ông Cảnh nhà tôi là vui rồi”. Ngân gật đầu, cười chào cả phòng. Cả hai ông gần tám mươi cùng đi mổ, ông Cảnh mổ sỏi thận, bố Ngân mổ u tiền liệt tuyến. Ông Cảnh khẽ ngóc đầu dậy, thều thào: “Nhanh khỏe thôi, tôi với ông sẽ chơi cờ tướng. Bà nó nhà tôi cất bàn cờ dưới gầm giường kia kìa”. Từ khi phẫu thuật xong chuyển xuống phòng cấp cứu nằm đến giờ, Ngân mới thấy nét mặt bố tươi tỉnh lên khi nghe nói đến cờ tướng. “Chắc ông vẫn đau lắm phỏng?”. Giọng bố Ngân yếu ớt: “Đau. Hơn cả cái đận chiến trường Trị Thiên bị viên đạn thằng giặc bắn xuyên qua bụng”. “Rồi sẽ qua mau ông ạ. Về ông phải kiêng đạp xe hàng tháng đấy nhá!”.

Hai ông, người đầu này, người đầu kia tỉnh, gặp nhau ở bệnh viện, cùng đợi khám bệnh, qua một vài câu hỏi xã giao, biết nhau đều từng là lính Trường Sơn thế là câu chuyện kéo dài nên đã rút ngắn lại những quãng thời gian chờ đợi đến lượt thăm khám.

Ông Cảnh vốn con độc đinh, bố từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ bị sức ép pháo mù cả hai mắt, mười tám tuổi ông vẫn xung phong đi lính vào chiến trường. Những trận sốt rét rừng, những cơn đói phải ăn củ mài, chuối xanh, măng rừng trừ bữa, những trận quần nhau với giặc, qua giọng kể của ông cứ nhẹ bẫng. Ông say sưa kể cả lần ông bị thương ở chân trái, bác sĩ mổ sống để gắp viên đạn ra, đau tưởng chết. Ngân ngồi bên bố nghe ké mà cứ bị cuốn vào câu chuyện cuộc đời ông.

Trước khi chàng thanh niên Cảnh cao lớn, điển trai vừa hai mươi tuổi lên đường nhập ngũ, bố mẹ ông đã nhắm cho Cảnh một đám ở làng bên. Cảnh đến nhà cô gái xem mặt, thấy Thơm đang ở dưới ao vớt bèo tây để thái cho lợn, mắt Cảnh đã hút chặt vào cái bắp chân tròn trắng như ngó cần. Ba ngày sau làm đám hỏi, năm ngày sau cưới. Lúc bấy giờ, ông bà nội Cảnh đang nuôi con lợn định làm giống đã khiêng sang cho bố Cảnh làm đám cưới nên thành ra đám cưới to nhất làng từ trước tới nay, những mười mâm cỗ, ngồi chật sân, tràn cả ra chỗ gốc mít. Đêm tân hôn cô dâu khóc thút thít, nhưng sáng sớm dậy thì bẽn lẽn xấu hổ không dám mở cửa buồng ra nhà ngoài vì sợ chạm mặt bố mẹ chồng.

Mười một năm ròng rã, vừa lao động sản xuất, vừa chăm sóc bố mẹ chồng đến khi ông Cảnh bị thương được ra quân về đến nhà thì bố cũng mất mà chưa được gặp mặt cháu trai nối dõi tông đường. Tận sáu năm sau, Thơm mới có bầu, kết quả sau một thời gian dài hai vợ chồng kiên trì uống thuốc nam của một bà Mán trên rừng và cầu xin thần Phật. Thằng Bân sinh ra từ bé đã được chiều. Mấy năm sau, mẹ ông Cảnh theo cha về cõi, bà mẹ ông mãn nguyện vì đã có cháu nối dõi. Hai vợ chồng vừa cấy trồng bảy sào ruộng vừa nuôi lợn, bò. Vậy mà cứ cuối năm giáp hạt là nhà ông Cảnh cũng mất già nửa tháng ăn sắn ăn khoai trừ bữa. Mùa đông năm ấy, rét hại mất vụ trồng màu, thóc trong bồ đã vãn, ăn uống kham khổ khiến bà Thơm bị một trận ốm quật cho không dậy nổi, ông Cảnh phải bán con lợn đi lấy tiền đưa vợ đi bệnh viện chữa bệnh nhưng bác sĩ lắc đầu trả về. Chỉ nửa tháng sau, bà Thơm bỏ bố con ông mà đi, ông lâm vào cảnh gà trống nuôi con.

... Thằng Bân càng lớn càng lười, giao cho chăn bò có lúc còn để bò lạc sang đồng xã khác, may có người nhìn thấy về báo cho ông Cảnh sang tìm, con bò đã giẫm nát góc ruộng đang bị buộc ở góc tre. Khi ông Cảnh dong bò về qua mấy mẫu ao cá thì thấy đứa trẻ con đứng khóc trên bờ, dưới ao dập dờ bóng áo hoa. Ông Cảnh vội lao xuống, đưa được con bé lên, người nó đã tím tái, ông bế thốc ngược rồi chạy mấy vòng quanh bờ ao. Những kinh nghiệm cứu người bị đuối nước ông được dạy trong quân đội đã giúp ông giành lại tính mạng cho con bé. Đúng ngày mùng một đầu tháng, bố con bé đội mâm xôi thủ lợn dẫn nó đến nhà ông Cảnh xin nhận ông làm bố nuôi. Từ đó, hai nhà qua lại thân thiết, con bé quý ông hay sang chơi, hoặc làm giúp việc vặt trong gia đình, có bóng đứa con gái nhỏ, căn nhà gọn gàng hẳn lên.

Học hết lớp chín không thi đỗ lớp mười, thằng Bân đòi học cao đẳng nghề. Năm sau, họ hàng bạn bè động viên, dẫn mối, ông Cảnh quen và cưới bà vợ bây giờ, bà Luy, lúc ấy đã ba mươi chín tuổi, ông Cảnh thì đã năm mươi hai. Ba năm nuôi thằng Bân học cao đẳng khá gian nan vì nó học dốt còn hay gây gổ đánh nhau khiến ông Cảnh mấy phen bị gọi lên trường, lên xã để giải quyết. Khi thằng Bân ra trường, bà Luy sinh được thêm cậu con trai cho ông Cảnh. Thằng Bân lười biếng, dạng tinh ăn mù làm, làm thợ cho năm chủ không chủ nào kéo dài quá ba tháng. Hai năm sau, Bân đòi cưới vợ. Con bé tên Kim, làm thợ cắt tóc gội đầu cho một tiệm ngoài phố, thằng Bân hay vào đó, rồi mê nhau. Ông Cảnh bảo chưa có việc làm thì lấy vợ về để làm gì? Thằng Bân thõng thượt một câu, để làm bố, nó có chửa rồi. Thế là đám cưới.

Ông Cảnh phải bán hai con bò đi với số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng mới đủ tiền làm đám cưới. Nguyên cái khoản vợ chồng nó đi chụp ảnh cưới ở Tây Bắc đã mất đứt mười lăm triệu, hơn cả con bò cái rồi. Lúc đầu, ông gàn đừng đi chụp ảnh, nó gằn, hay là bố dì ghét con, chỉ lo cho em Cò thôi. Đêm, bà Luy thở dài bảo, thôi rút cái sổ tiết kiệm của ông. Thằng Bân lấy vợ tháng trước tháng sau đòi ra ở riêng, đòi ra đất cụ nội ngay ngã ba làng cho vợ nó mở tiệm cắt tóc gội đầu, nó sẽ đi làm thuê ở cửa hàng cơ khí nhà chú Bao gần đó. Ông Cảnh đưa cho nó chìa khóa, nó đòi cả "sổ đỏ" để sang tên vợ chồng nó thì bố mẹ vợ mới cho tiền xây xướng lại, ông không đưa, nó tức hằm hằm đi, cả năm tháng sau nó không thèm về nhà. Đận ông Cảnh ốm, vợ nó vác cái bụng bầu về trước, tối nó về sau. Ba tháng sau, vợ nó đẻ, nó chạy xe về gọi bà Luy sang chăm sóc giúp, bảo bà ngoại hay ốm không thức khuya được. Thương cháu, ông Cảnh động viên vợ, nó đang bấy bớt, bà sang đỡ nó một tay.

Ông Cảnh đã ngồi dậy được, kêu ăn cháo mãi chán, muốn ăn cơm. Vết thương đã không còn chảy nước vàng, ông Cảnh lần giường tập đi. Ông Dụ thì mổ sau hai ngày, người vẫn còn yếu, Ngân luôn phải bên cạnh chăm sóc. “Ông có mụn con gái mà lại hay!”. Ông Cảnh nhìn Ngân lau rửa cho ông Dụ, cười cười: “Ngày xưa bà cụ nhà tôi còn sống thấy vợ chồng tôi có mỗi mụn con gái cũng buồn lắm. Giờ ốm đau mới biết đúng là con gái là của để dành. Sao không thấy anh Bân đến thăm ông?”. Mặt ông Cảnh bỗng phừng phừng như những ngày trời đốt nắng chang chang. “Tôi sinh con trai như thằng Bân mới chỉ toàn thấy khổ thôi ông ạ. Vợ nó cũng vừa sinh đứa thứ hai được hơn tháng, mà có khi nó không lên còn hơn”. Bà Luy vừa bón cháo cho ông Cảnh vừa kể: “Ông ấy nhà tôi vượt tuyến, tốn lắm. Còn con bò đã bị dắt trộm mất rồi. Định vay tạm mấy cậu đằng nhà tôi thì cô con nuôi ông ấy nó gửi tiền về, bảo biếu bố đi chữa bệnh. Con cái Nhung ấy nó lấy chồng Hàn Quốc, may gặp nhà người ta tử tế. Mỗi lần gửi tiền về cho bố nó, là ông ấy lại đạp xe mang sang cho bảo con gái biếu. Thế mà cuối năm ngoái, thằng Bân hùn vốn mở xưởng cơ khí với người ta bị sập tiệm, kêu cứu, ông ấy có chục triệu lại phải đưa cho hết”. Ông Cảnh nhìn ra ngoài hành lang, những bóng người đi qua nhòm vào hỏi thăm người nhà, ánh mắt ông mệt mỏi: “Tôi thì còn khổ với nó. Cái con vợ nó cũng đoảng vị, gội đầu cắt tóc mà cả ngày có một người khách vẫn không chịu đi làm công ty như người ta”.

Đến trưa hôm sau thì mọi người trong phòng cũng được gặp Bân. Mẹ đẻ bà Luy mất, bà phải về chịu tang, bà Luy đành gọi Bân lên trông giúp ông Cảnh hai hôm. Từ lúc Bân lên, ông Cảnh ít nói hẳn, đến nỗi ông Dụ bảo mai đỡ, bỏ cờ ra làm ván cho vui, ông Cảnh cũng không buồn trả lời. Ngoài những lúc vào cho ông Cảnh ăn, đưa đi tắm hay vệ sinh ra, Bân lại chui ra hành lang phía sau vật vạ ở manh chiếu một bấm điện thoại. Đêm hôm thứ nhất, phòng chật, Bân xung phong mang chiếu ra hành lang ngủ nhường nền nhà cho Ngân và chị Nụ cũng đi nuôi bố. Đêm hôm thứ hai, có bệnh nhân ra viện sớm, một bệnh nhân nam thì nhà gần, vợ chở về nhà ngủ, thế là còn thừa hai giường, Bân bảo hai chị lên giường mà ngủ để Bân ngủ dưới nền, đàn ông sức dài vai rộng, quen rồi. Ngân nghĩ thầm, trông dặt dẹo vậy mà cũng ga lăng. Đã sáu đêm nằm nền nhà, lại lo cho sức khỏe của ông Dụ mới mổ nên Ngân ngủ không ra gì, được đêm ngủ trên giường, ngon giấc Ngân ngủ say cho đến khi nghe vẳng có tiếng người nói xôn xao mới giật mình tỉnh dậy. Nhìn sang bên cạnh thấy chị Nụ đang nhớn nhác trước túi xách dưới gầm giường đã bị xới tung. “Trộm vào phòng mình, cửa sau bật chốt…”. Nước mắt chị Nụ rơm rớm: “Mất hai triệu để trong cái áo rồi, mai tôi lấy tiền đâu đóng tiền viện phí cho ông cụ. Mà cậu Bân đi đâu rồi?”. Ông Cảnh bám thành giường ngồi dạy, tay lật chiếu tìm cái túi vải bà Luy đã giấu kỹ dưới gối, mặt ông bỗng thất sắc: “Bà ấy chỉ đưa cho nó một triệu còn lại hai triệu cất vào đây, dặn tôi cẩn thận. Mà giờ thì cũng mất rồi, có lẽ nào... là thằng Bân?”. Nói đến đấy nước mắt ông Cảnh ứa ra. Ông Dụ thở dài, lần sang giường ông Cảnh, cầm lấy cánh tay đang run run đầy đau khổ: “Ông cứ bình tâm đã, tìm xem vương ở đâu”. Cố đè cơn nấc, ông Cảnh nghẹn ngào: “Người ta nghi nó nghiện, bảo tôi mà tôi không tin. Bác hàng xóm từng bảo với tôi là sáng sớm ấy nhìn thấy nó dắt con bò từ chuồng ra tôi cũng vẫn không tin… Chỉ có nó chứ còn ai vào đây nữa”. Im lặng đè lên căn phòng, nghe thế ai cũng thấy cám cảnh thay cho ông Cảnh, con trai thế này thì khác gì đeo nợ. Giọng ông Cảnh mệt mỏi hướng về phía Ngân: “Cháu xem có mất gì không? Có gì mọi người đợi bà nhà tôi lên, chúng tôi sẽ bàn cách...”. “Ông không phải lo lắng nhiều đến thế”. Ông cụ bố chị Nụ động viên. Ông Dụ cũng hướng mắt về phía con gái. Được nhiều người nhắc nhở phải hết sức cẩn thận khi ở bệnh viện nên tối nào Ngân cũng để tiền trong túi quần cộc cài kim băng cẩn thận rồi lại mặc thêm một cái quần lỡ ra ngoài nữa, chỉ còn mấy trăm tiền lẻ chi tiêu hằng ngày cất trong vỏ hộp thuốc đánh răng để trong ba lô giấu dưới gầm giường.

Ngân cúi xuống, kéo ba lô ra, mở khóa. Vỏ hộp thuốc đánh răng đã bật lên trên, bẹp rúm, vội nhìn lên thấy nét mặt ông Dụ vẫn còn tái xanh, ông Cảnh thì vẻ mặt nhàu nhĩ, đau khổ, Ngân lắc đầu nói nhỏ “Cháu không mất gì bác ạ!”. Đoạn Ngân đứng lên, vươn người mở chốt cho cánh cửa sổ toang ra, có cơn gió nhạt thổi vào cùng những tia nắng mặt trời mới sáng ra đã muốn chói chang, tiếng ai đó trong phòng, bao giờ mới hết những ngày đốt nắng thế này…

Truyện ngắn của NGUYỄN THU HẰNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày đốt nắng