Mùa vải

04/06/2018 08:01

Mấy ngày nay, làng Thúy như mở hội. Khách đến mua vải dập dìu vào ra. Những quả vải màu đỏ sậm, nhiều hơn lá, như những vầng lửa lớn đốt cháy không gian.



Mấy ngày nay, làng Thúy như mở hội. Khách đến mua vải dập dìu vào ra. Những quả vải màu đỏ sậm, nhiều hơn lá, như những vầng lửa lớn đốt cháy không gian. Bố con lão Tăng tất bật lên xuống. Áo quần ướt sũng mồ hôi. Anh Tảng, con lão, cố nhoài người bẻ thêm vài cành vải ngoài xa. Cành vải dường như không chịu nổi sức nặng của cơ thể Tảng, trĩu xuống muốn gẫy. Người mua đứng dưới chỉ trỏ, chuẩn bị lồ sọt xếp vải. Họ là khách mua ở xa. Họ không có thói quen chờ đợi. Toàn hàng tươi. Để chậm ngày nào, thậm chí vài giờ cũng đủ khiến họ khuynh gia bại sản. Nhiều đám mây đen lởn vởn trên bầu trời như đe dọa một cơn mưa rào đổ xuống. Lão Tăng cầu trời nắng ráo cho vài ba ngày nữa. Giá đang cao ngất ngưởng. Chả cứ gì lão, cả làng Thúy đều mong như thế. Chăm cây suốt năm chỉ trông vào mấy ngày thu hoạch. Ngày giờ là tiền bạc. Lão Tăng đưa ống tay áo quệt ngang mồ hôi, nói với con trai: "Bình tĩnh. Bình tĩnh. Kẻo hạ thổ lại không bõ tiền mua thuốc. Chưa mưa được đâu". Nói vậy nhưng lão cũng chẳng thể bình tĩnh nổi. Mưa xuống sẽ làm chậm của khách hàng một ngày. Tảng cười cầu tài: "Bố cứ yên tâm đi, không ngã được đâu. Năm nào ông trời chẳng dậm dọa như thế. Sau vụ này bố thưởng cho con cái iPhone nhé". Lão Tăng không thèm trả lời. Lão thầm rủa: "Không có điện thoại chắc mày không hái vải? Ăn ở đâu? Mặc ở đâu? Tiền học hành ở đâu, con ơi".

Chiều qua lão Tăng hái chùm vải đầu mùa mang ra đền thành hoàng làng tạ ơn. Làng Thúy có tục lệ như thế. Lão lẩm bẩm: "Tạ ơn Ngài đã phù hộ cho con trúng mùa, lại được giá. Nhưng con thấy mệt mỏi quá rồi, không còn đủ sức chăm sóc nữa. Có lẽ sau vụ này con sẽ bán hết, lấy tiền tập trung cho thằng con tiếp tục ăn học". Tiếng chân nhảy xuống đất của anh con khiến lão đứt đoạn dòng suy nghĩ. Lão bảo con nghỉ chút lấy sức. Nó không chịu ngừng tay. Mọi người như đang chạy đua với cơn mưa. Đã lắc rắc vài hạt mưa nhẹ. Lão Tăng ngồi đánh bệt xuống đất, tựa lưng vào gốc vải, mắt dõi theo thằng con. Trong lòng lão cuộn lên niềm thương cảm.

Tảng mồ côi mẹ từ năm chưa đầy 10 tuổi. Lão xin nghỉ dạy học từ vùng núi cao rừng thẳm về chăm con. Những tờ giấy khen của ngành giáo dục được lão cẩn thận cuộn lại, để tận đáy hòm. Lão được xã cấp hẳn cho một mẫu ruộng. Đấy là xã ưu tiên, phần vì lão đã cống hiến tuổi trẻ tận vùng cao cho sự nghiệp trồng người. Phần khác lão có sáu năm tham gia quân đội, chống Mỹ, cứu nước. Dân trong làng thương ông giáo nghèo gà trống nuôi con. Ai cũng hy vọng đời sống bố con lão sẽ khá hơn. Ban đầu lão gieo cấy lúa. Cũng chỉ đủ vơ vạt đút miệng. Sau lão quyết định đầu tư trồng vải. Bố con lão đánh vật với trời mấy tháng mới được ruộng vải đẹp mắt. Nhưng ông trời chẳng chiều lòng người. Được mùa mất giá, hoặc được giá thì lại mất mùa. Cái điệp khúc ấy triền miên xảy ra. Người trồng vải bao phen dở khóc dở cười. Có năm vải chín rục trên cây mà chẳng nhà nào thèm thu hoạch. Tiền công thuê hái còn cao hơn tổng số tiền bán vải. Nhưng quả vải đâu như hạt thóc, không để dành được. Ăn chơi ăn bời chứ nào có ai ăn vải thay cơm. Bố con lão cứ lục xục như người bị ngạt nước.  

Lão Tăng sinh ra ở làng vải. Đời cha, đời ông đều ở làng Thúy, sinh sống bằng cây lúa củ khoai. Nhưng lão lại trưởng thành trên vùng rừng thiêng nước độc. Quen ăn gạo nương, quen tắm nước suối từ năm hai mươi tuổi. Tốt nghiệp lớp 10, chàng thanh niên tên Tăng tràn đầy sức sống và nhiệt huyết. Tăng vào ngành giáo dục theo lớp 10+2. Học xong sư phạm, cấp trên phân công Tăng lên vùng cao "cắm" bản, cùng lời hứa: "Sau năm năm sẽ được về dạy nơi thành phố". Chàng thanh niên quê mùa chẳng ước vọng gì cao sang. Chỉ mong được trở về ngay nơi quê cha đất tổ. Cuối năm dạy thứ tư, cấp trên điều Tăng sang quân đội. Ngày hòa bình, Tăng về làng lấy vợ. Chẳng tìm hiểu yêu đương gì hết. Cha mẹ hỏi cho. Không sao. Chỉ cần cha mẹ vui lòng là được. Tăng yên tâm trở lại miền ngược dạy học. Khi cha mẹ mất, rồi đến lượt người vợ thân yêu cũng mất theo, lão đành xin nghỉ hưu non. Không về sao được. Không về lấy ai hương khói gia tiên dòng tộc? Lấy ai cúng giỗ cho ba người thân vừa mất? Lại còn thằng con học hành tối dạ ai chăm? Về quê, lão Tăng chỉ chuyên tâm vào thằng con và đồng ruộng. Mỗi lần nhìn con, lão lại nhớ tới người vợ xấu số. Một đời làm vợ, cúc cung tận tụy với gia đình nhà chồng, mà ăn ở với chồng chỉ tính bằng tháng bằng ngày. Lão nhiều khi không nhớ nổi khuôn mặt vóc dáng người vợ má ấp vai kề. Có một điều lạ là lão rất nhớ mùi hương nhu vợ thường gội đầu mỗi bận lão về phép. Cái hương vị ấy cứ thoang thoảng mãi không thôi. Đến tận ngày hôm nay, trên chiếc gối, trong căn nhà này vẫn như có mùi hương ấy.

Trong họ ngoài làng mai mối gán ghép cho lão bà nọ bà kia. Lão đáp lễ: "Cảm ơn". Chẳng ra đồng ý, chẳng ra phản đối. Nhưng thằng con trai lão, anh Tảng, năm nay hơn 20 tuổi, lại tỏ ra vô cùng tức giận. Tảng ghét những người đàn bà mà láng giềng nhắc tới. Nhất là bà Đào. Anh cho rằng bà Đào đang âm mưu cướp đi tình cảm cha con anh. Thế thôi. Mỗi lần ra chợ, Tảng đứng từ xa nhìn vào quán bà Đào bằng đôi mắt tức tối. Cứ như mẹ anh chết là lỗi tại bà Đào. Anh bịt tai, nhăn mặt khi ai đó nhắc tới bà Đào. 

Bà Đào cũng biết thằng con lão Tăng chẳng ưa gì mình. Nhưng lần nào gặp nhau, bà vẫn tươi cười niềm nở. Đáp lại, thằng con lão Tăng chỉ ừ hữ đầy hằn học. Bà Đào bị ông chồng bỏ rơi từ ngày bức tường Béc-lin sụp đổ. Trước đó, ông chồng bà đang đi xuất khẩu lao động bên Đức. Mấy năm sau ông ta kéo luôn cả ba thằng con sang, bỏ mặc bà Đào trong cảnh khó khăn. Giờ thì ổn rồi. Bà Đào là chủ một cửa hàng quần áo may sẵn ở chợ huyện. Cửa hàng bà đông khách. Mỗi lần lão Tăng đến mua phải chờ một, hai tiếng đồng hồ. Vả lại lão đâu có vội. Khi ngồi góc quán, lúc sang quán nước đối diện nhìn bà Đào tíu tít nhận tiền, trao hàng. Lão ngồi đấy như ngắm lại cô gái làng trẻ trung xinh đẹp của hơn ba chục năm trước. Chén nước cứ xoay xoay trong tay lão. Lão như sống lại một thời đã qua. Bà Đào đó, vẫn toát ra từ đôi mắt thẳm sâu. Vẫn cái mom sông xưa mà lão đợi bà như chờ một phép màu kỳ diệu. Thỉnh thoảng bà Đào liếc nhìn lão ái ngại. Mặc. Lão cứ ngồi. Khách vãn, lão đứng dậy, móc tiền trả. Bà Đào nhận tiền. Nắm tiền trong tay nóng hơi lão Tăng. Không cần biết bao nhiêu, bà nhét ngay vào bị. Không ai nói với ai lời nào. Bà đứng sững nhìn cái dáng xiêu xiêu của lão khuất sau đám người đi chợ. Để rồi, cả bà, cả lão Tăng lòng dạ cứ xốn xang. Một lần bà Đào bảo: "Ngày ông đi, tôi không chờ nổi. Lỗi tại tôi. Giờ ông trách gì tôi cũng xin nhận". Lão Tăng cười nhẹ: "Sao bà không lấy người lành lặn mà lại lấy cái thằng chân đi chấm phảy, mắt trắng môi thâm? Hay nó là con ông Chủ tịch xã?". Bà Đào ôm ngực rên lên: "Giời ơi! Bao nhiêu trai tráng khỏe mạnh đều ra trận hết. Tôi biết lấy ai? Mới lại...". Lão Tăng không chú ý đến câu bỏ lửng của bà Đào. Cái đầu húi cua của lão gật gật: "Tôi biết, tôi biết. Ngày tôi về làng, mẹ tôi bảo bà đã sang sông. Cách quê một thôi đường". Miệng trả lời bà Đào nhưng ký ức lão lại trôi dạt về hơn ba chục năm trước. Cái ngày lão chuẩn bị vào Nam chiến đấu.

Đêm ấy trời đầy sao, cao lồng lộng. Chỉ có vài đám mây trắng nhởn nhơ. Dòng sông Cái chảy qua làng dào dạt. Bờ sông êm ả, thấm đẫm sương đêm. Lá vải chao động đùa rỡn. Tăng bảo người yêu: "Chờ anh nhé. Nhất định anh sẽ trở về cưới em". Hai người ôm nhau dưới gốc vải nơi chân đê. Hai cơ thể nóng rực áp chặt vào nhau, quấn quýt. "Mai anh đi rồi. Chắc phải đợi hòa bình mới gặp lại". Bất chợt hai thân hình ngã ngửa. Trong khoảnh khắc một phần ngàn giây ấy, người con trai vẫn kịp nhìn thấy một khoảng ngực trắng nõn nà, trễ nải. Hai đôi môi nóng và khô mê mải tìm nhau. Cô gái như bị nhấc bổng lên, bồng bềnh lơ lửng. Sáng hôm sau, người con trai vững tin khoác ba lô vào Nam chiến đấu. Bà Đào không cần biết trong đầu lão Tăng nghĩ gì. Bà rơm rớm nước mắt: "Hôm ông lấy vợ, tôi đứng bên kia sông, ôm thằng Cả, lòng thắt lại". Lão Tăng hỏi: "Hóa ra bà vẫn nghĩ đến tôi ư?". Bà Đào như trút tất cả hờn giận vào câu nói: "Cái giống đàn ông là ngu nhất trần đời".

Sau lần nói chuyện đầy hờn giận ấy chừng vài tháng, bất ngờ bà Đào vội vã đến nhà lão Tăng như kẻ mất hồn. Lão Tăng lúng túng. Lão nghiêng trước ngó sau xem thằng con đâu. Dẫu lão biết rằng giờ này nó còn đang bận bịu với mấy đứa bạn nơi vườn vải. Bà Đào đưa lão một mảnh giấy bằng bàn tay xòe: "Giấy bảo lãnh của mấy thằng con bên Đức. Mới lại ông ấy cũng xin lỗi tôi, mong được sum họp". Lão Tăng ngẩn người. Đầu lão như vừa có ai phang mạnh thanh củi lớn. Bà Đào ngậm ngùi: "Chỉ thương thằng Cả mấy chục năm có cha có mẹ mà như kẻ mồ côi". Lão Tăng giật mình. Lão chắp nối mọi sự kiện, mọi lời bà Đào. Ngày lão ở bộ đội về cũng nghe phong thanh thằng Cả giống y sì lão. Giờ thì lão hiểu vì sao ngày ấy bà Đào vội vã lấy chồng. Chuyện chửa hoang là một trọng tội. Lão rền rĩ: "Con tôi. Trời ơi. Con tôi". Bà Đào gằn giọng: "Giờ ông tính sao?". "Tùy bà". Lão Tăng buông thõng. Bà Đào nhìn lão. Lạ lẫm và ngơ ngác. Bà quay ngoắt người bước nhanh ra cổng sau khi ném vào lão một câu: "Đàn ông là một lũ vô trách nhiệm. Sao ngày xưa tôi ngu thế, trao tất cả cho ông".

Mùa vải qua nhanh. Lão Tăng đưa con trai một cục tiền: "Mua lấy cái điện thoại loại tôn tốt ấy. Rồi chịu khó mà học. Chứ lúc nào cũng phụ thuộc vào thời tiết, vào giá cả thị trường thì đói to con ạ. Tao sẽ bán hết". Tảng ngần ngại bảo bố: "Đừng bán. Con đang có ý định đầu tư thêm. Việc học tính dần". "Không được đâu con ơi. Tiền đâu?". Con trai lão cười: "Cô ấy đồng ý góp vốn với con rồi". Lão hiểu "cô ấy" là cái con bé làng bên. Im lặng. Tảng đột ngột bảo: "Bố đón bà Đào về đi". Lão Tăng gắt: "Đi Tây rồi. Còn đâu nữa mà đón với đưa". Tảng ngạc nhiên: "Đi đâu? Hôm qua còn nhập cả một xe hàng đầy cơ mà".

Lão Tăng lúng túng trước mặt con trai. Lão cầu mong dòng chảy thời gian cứ êm đềm, dịu ngọt mãi mãi...

Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa vải