Làng quê phía xa xa

29/01/2018 07:51

Cuối năm. Thời tiết như người đàn bà cay nghiệt và khó tính, lúc thì mưa dai dẳng cùng với cái lạnh buốt tê lòng, lúc lại nắng hanh hao đến khô khát những nỗi niềm của người đa cảm.

Cuối năm. Thời tiết như người đàn bà cay nghiệt và khó tính, lúc thì mưa dai dẳng cùng với cái lạnh buốt tê lòng, lúc lại nắng hanh hao đến khô khát những nỗi niềm của người đa cảm. Vy bận bịu với công việc và con cái đến mức chỉ khi bước ra đường mới hay trời đang mưa hay nắng. Cả năm tất bật, quay cuồng với phố xá, nhiều khi Vy thấy mình đã trở thành người phố thực sự, với một ngôi nhà tiện nghi giữa lòng thành phố, một công việc ổn định, gia đình chồng mấy đời ở phố, và những đứa con Vy cũng được sinh ra ở thành phố. Thế nhưng cảm giác của thời tiết cuối năm vẫn khiến Vy thấy chênh chao thiếu khuyết điều gì.

Bố mẹ chồng Vy vốn là người gốc gác nhiều đời ở phố nên luôn mong muốn người con trai duy nhất là Khải phải lấy vợ là người thành phố để gìn giữ những nét sang trọng của người phố cho thế hệ sau. Nhất là mẹ Khải, một người phụ nữ trí tuệ, đảm đang và cũng rất quyết liệt. Không phải bà coi thường người quê, thế nhưng với kinh nghiệm và sự từng trải thì bà tin rằng chỉ người phố mới mang trọn vẹn tính cách, tâm hồn và nếp sống trang nhã, tinh tế mà vẫn thích nghi được với những bộn bề tất bật của phố. Đơn giản như việc mỗi sáng mùng một hay hôm rằm thì dâu con trong nhà phải là người dậy rất sớm lo dọn dẹp nhà cửa tinh tươm, rồi mua hoa trái và hương hỏa. Đồng thời không được xao nhãng việc bếp núc bữa sáng cho gia đình. Và tất nhiên công việc ở nhiệm sở cũng phải chuẩn bị chu đáo để cấp trên và đồng nghiệp khi đến chơi nhà đều nói những lời dễ nghe. Đó là những công việc mà mấy chục năm qua bà đã làm đều đặn. Chưa kể gia đình mấy đời đều độc đinh nên Tết lớn Tết bé hay giỗ chạp đều một tay bà lo liệu. Từ đời mẹ chồng bà cho đến đời bà đều vậy, nên nhất thiết con dâu bà cũng phải vậy. Mặc dù đôi lúc ngẫm lại cuộc đời làm dâu trong phố của bà cũng không ít những xót xa tủi phận. Nhà mẹ đẻ bà chỉ cách đấy dăm trăm mét nhưng không phải hễ bố mẹ ốm đau là bà chạy về ngay được. Ngày nào cũng đi làm qua con ngõ nhà mình nhưng không mấy khi bà đủ thời gian để rẽ vào, cái ý nghĩ phận gái lấy chồng đã khiến đường về nhà trở nên xa xăm... Vì sự chu đáo trọn vẹn bên chồng mà lắm khi bà đành nuốt nước mắt vào trong để gia đình chồng được đẹp mặt.

Ngày Khải đưa Vy về giới thiệu, ông bà tiếp đón một cách lịch sự và phải phép nhưng Vy đủ tinh ý để nhận ra trong từng cái nhìn, từng câu nói của bà một khoảng cách vô hình tưởng như Vy không thể chạm tới.

- Vy này, cháu sống ở thành phố lâu chưa?

- Dạ thưa bác, cháu sống ở đây được sáu năm rồi ạ, kể từ khi cháu đi học đại học.

- Ừ, chừng ấy thời gian có lẽ cũng không đủ để thích nghi và coi như là người phố được đâu nhỉ. Con người ta ai cũng có cái gốc gác, khó mà thay thế được, cháu ạ...

Vy hiểu ý của bà và có ý định chia tay Khải để gia đình anh được hài hòa. Vy là một người yêu tự do, cô biết mình khó mà khuôn phép được trong một gia đình nặng lễ nghi, lề thói. Tự do của Vy là được làm trọn vẹn mọi việc mình yêu thích. Đó cũng là những công việc mà mẹ Khải đòi hỏi ở người con dâu. Tuy nhiên, khác nhau là Vy muốn tự do làm mọi thứ còn với mẹ Khải thì đó là công việc phải làm.

Tình yêu luôn là lý do duy nhất và sau cùng để thay đổi mọi thứ. Cuộc tình suốt 5 năm đủ để Khải thuyết phục bố mẹ anh và càng đủ để Vy vượt qua những e ngại trong lòng. Cho dù ngay khi bắt đầu họ đã gặp phải những khó khăn do sự khác biệt của tập quán vùng miền. Bố mẹ Khải mong muốn một đám cưới trang trọng và hình thức. Dù sao việc cưới con dâu là người ở nông thôn đã ít nhiều mất đi chút sang trọng vốn có của gia đình nên bố mẹ Khải muốn mọi việc đều phải tươm tất để họ hàng khách khứa không có gì phải to nhỏ. Ngược lại, phía gia đình Vy vốn xuất thân thôn dã, lấy sự thân tình để đối đãi với mọi người, không quen với sự kiểu cách long trọng. Thế nên ngay từ đầu người lớn hai bên đã không thể ngồi với nhau để bàn chuyện. Cho đến khi Khải và Vy phải tính kế, dọa rằng sẽ cứ như vậy mà về ở với nhau, không cưới xin gì cả thì mỗi bên người lớn mới chịu nhún nhường. Một ngày đám cưới kiểu long trọng ở phố và một ngày đám cưới kiểu dân dã ở quê. Những người thân ở phố có khẽ khàng rỉ tai mẹ Khải rằng: "Đám nhà chị to thì to thật đấy nhưng cứ như thiêu thiếu điều gì, hình như là chưa đủ sang vì đại diện nhà gái có vẻ như không môn đăng hộ đối cho lắm, cô dâu xinh thì xinh thật đấy nhưng vẫn không thoát ra khỏi vẻ chân quê". Mẹ Khải chỉ biết khôn khéo cười giả lả. Còn những người hàng xóm ở quê Vy, trong câu chuyện hậu đám cưới cũng phàn nàn: "Đám cưới cái Vy lấy chồng thành phố, cỗ thì to đấy nhưng mà có gì đó hơi gượng. Bọn trẻ không được thoải mái hò hét, người già thì không kịp nhai nhạt bã trầu". Bởi thường đám cưới ở quê vẫn tổ chức tận ba ngày. Bố Vy rít một hơi liền ba điếu thuốc lào rồi buông một câu chẳng rõ với ai: "Ôi dào, ma chê cưới trách, hai đứa nó đến được với nhau là vui rồi". Mẹ Vy thì chỉ biết thở dài, bà nghĩ thương con gái, không biết rồi nó sẽ sống ra sao ở phố với một cuộc sống đầy phức tạp.

Người lớn vẫn luôn lo xa như vậy. Còn những người trẻ như Khải và Vy thì luôn có những cách để thích nghi, mà Vy là một cô gái đảm đang, khéo léo. Những vất vả từ nhỏ của một cô gái nông thôn là sức mạnh tiềm tàng cho nghị lực của Vy sau này, huống hồ cuộc sống bây giờ đã tiện nghi rất nhiều. Theo thời gian, bố mẹ chồng tỏ ra hài lòng về Vy. Dù để nhận được những ánh mắt vừa ý của bố mẹ thì Vy phải đánh đổi lại không ít. Và vô hình trung từ bao giờ Vy đã trở thành người phụ nữ của gia đình thực sự với những khoảng thời gian được chia ra vừa vặn, đều đặn cho mọi việc. Cũng từ bao giờ, phút nghỉ ngơi của Vy là khi cả căn nhà đã chìm vào giấc ngủ.

- Phụ nữ sinh ra là để làm cho cuộc sống này trở nên trật tự như căn bếp hay ngôi nhà này con ạ.

Có lần đứng trong bếp nấu ăn cùng mẹ chồng, bà đã nói với Vy như thế. Vy mạnh dạn hỏi lại bà:

- Hồi còn trẻ như con, mẹ có nghĩ như vậy không ạ?

- Đó là điều bất biến, con dâu ạ. Ngay từ khi sinh ra người mẹ đã âm thầm trao chuyền điều đó cho con gái, để lớn lên, nghĩa vụ thiêng liêng ấy đã ngấm vào máu thịt người con gái. Đó là một bổn phận cao quý và vẻ đẹp của người phụ nữ chỉ được thể hiện qua điều đó mà thôi.

Vy im lặng. Sau câu nói của mẹ chồng, Vy chợt nhận ra đúng là lâu nay, một cách cố nhiên mình đã sống và thực hiện điều đó, như một sự định đoạt sẵn. Thế thì những người phụ nữ khác, những người độc lập bản thân họ với cái gọi là bổn phận kia thì sao? Vy tự hỏi lòng mình không thể đánh giá họ là không có phẩm chất của người phụ nữ được, nếu chỉ xét về điều đó. Có ai sinh ra đã muốn mang vác một bổn phận cố hữu và áp đặt? Càng nghĩ Vy càng thấy bản thân mình trở nên mâu thuẫn. Đây có phải là cuộc sống mà Vy mơ ước? Câu hỏi ấy chợt dấy lên trong lòng Vy trong những đêm khó ngủ.

Sự hài lòng của gia đình là một cách để mày tàn lụi dần đi - Tin nhắn của cô bạn thân khiến Vy không khỏi suy nghĩ. Vy cũng nhận thấy cô càng hy sinh những điều riêng tư để vun vén cho gia đình bao nhiêu thì mọi người trong gia đình càng tỏ ra vui vẻ và dễ chịu bấy nhiêu. Ngay cả Khải cũng đã dần quên những đam mê, sở thích của Vy thuở yêu đương. Những công việc trong nhà và bổn phận dâu con đã choán hết thời gian để Vy theo đuổi hội họa. Việc sáng ra được vợ sửa soạn cơm nước, quần áo cho đi làm, tối về nhà đã thấy vợ bận rộn trong bếp, sau bữa ăn nhìn vợ bảo ban hai đứa con học hành làm cho Khải cảm thấy gia đình mình bình yên và hạnh phúc quá đỗi. Khải quên mất những giá vẽ của Vy bụi đã bám đầy trên gác xép. Chẳng phải khi xưa Khải yêu Vy từ chính những bức tranh đầy mê hoặc. Những đứa con của Vy cũng đã quen với việc có mẹ bên cạnh mỗi sáng ra tối vào. Thế thì Vy còn khoảng nào cho riêng cô?

Tối nay trong lúc ăn cơm, đứa con lớn của Vy chợt hỏi:

- Mẹ ơi, mùa này thì làng quê có gì hả mẹ? Hôm nay, cô giáo con bảo cuối tuần lớp sẽ có buổi đi thực tế về làng quê.

Vy cảm thấy như miếng cơm nghẹn lại trong cổ họng. Mẹ chồng Vy nhìn thằng cháu hỏi dồn:

- Tại sao phải về tận làng quê để thực tế, ở phố này có bao nhiêu thứ để tìm hiểu. Chúng ta không sống ở quê nên không cần phải về quê cháu ạ!

- Nhưng cô giáo cháu bảo làng quê cũng là một nét đẹp cần được khám phá. Mà từ hồi lên lớp 3 đến bây giờ cháu cũng chưa được bố mẹ đưa về quê ngoại chơi. Cháu nhớ ông bà ngoại lắm.

Mẹ chồng Vy sững sờ nhìn đứa cháu. Nó vừa nói một câu mà bà chưa được nghe bao giờ. Làng quê cũng là một nét đẹp... Ừ, ít nhất thì làng quê cũng cho bà một người con dâu hiền thảo, đảm đang, nhờ có nó mà gia đình bà luôn ấm êm và khiến bao người nhìn vào ngưỡng mộ đấy thôi.

Đêm ấy, lúc mọi người trong nhà đã ngủ say, Vy lấy giá vẽ, bút mực ra lau bụi. Trong ánh đèn khuya muộn, Vy lặng lẽ đưa những nét cọ, run rẩy và nghiêm cẩn. Mùa này cánh đồng quê Vy đang phơi ải, những luống cày đã được lật lên, những đụn cỏ khô và rơm rạ được vun lại thành đống rồi đốt để lấy tro, khói đồng bay nhòa lẫn vào sương khói chiều cuối năm làm cay xè sống mũi. Những nét vẽ mờ ảo, xa khuất làm mắt Vy nhòe đi. Làng quê ẩn khuất xa xa trong khói sương của nỗi nhớ.

Buổi chiều, lúc Vy đang loay hoay chọn mua mấy mớ rau để chuẩn bị cho bữa tối thì nhận được điện thoại của mẹ ở quê. Giọng mẹ run run trong cái lạnh cuối đông:

- Con à, sao lâu rồi không đưa các cháu về quê chơi. Công việc bận quá à con. Bố mẹ định mang ít gạo nếp vụ mùa và gà nhà nuôi được ra thăm các cháu mà phân vân mãi, sợ các con bận. Nhưng cuối năm rồi, không ra thăm thì cả năm không thấy mặt con cháu...

Mẹ nói một hơi như sợ Vy bận quá mà ngắt ngang cuộc gọi của mẹ như nhiều lần trước. Giữa chợ phố đông đúc Vy chợt thấy lòng mình se lại. Nỗi nhớ làng quê, bố mẹ cồn cào trong lòng Vy, như thể cô muốn buông bỏ tất cả mà chạy ào về căn bếp mù khói của mẹ, để bé bỏng và bình an như ngày nào. Nhưng làm sao được, đó mãi là ước ao, Vy bây giờ đã có một gia đình riêng, đã là con dâu nhà người ta, là con dâu thành phố, và Vy cũng đã làm mẹ. Những người mẹ thì cả đời luôn vì những đứa con. Có đứa con nào cả đời vì mẹ? Bất giác nước mắt Vy lăn dài. Vy - Sơn Vy, cái tên làng mà bố mẹ đặt cho Vy để nhắc cô luôn nhớ về làng quê nguồn cội. Thế mà Vy đã thực sự quên bẵng đi trong nỗi niềm người phố.

- Con gọi điện cho ông bà ngoại bọn trẻ ở quê đi. Năm nay, cả gia đình mình sẽ về quê ăn Tết. Cho bọn trẻ biết Tết ở quê.

Đang ăn cơm thì mẹ chồng Vy nhẹ nhàng cất tiếng khiến Vy ngỡ như mình nghe nhầm. Vy thốt không nên lời.

- Mẹ, mẹ bảo sao ạ?

Mẹ chồng Vy mỉm cười nhìn con dâu, lòng bà cũng nghèn nghẹn. Bức tranh làng quê phía xa xa mà Vy vẽ đã thực sự khiến bà cảm động. Có lẽ không ai biết bà cũng là một người am hiểu hội họa, ngày nhỏ bà được bố mẹ cho theo lớp vẽ của một họa sĩ nổi tiếng trong thành phố. Nhưng đam mê ấy đã ngủ quên lâu lắm rồi. Nhìn bức tranh của Vy, những đam mê trong lòng bà trỗi dậy. Bà nghĩ là mình sẽ có cách để con dâu sau này không phải nuối tiếc như mình. Nhìn con cháu háo hức chuẩn bị cho chuyến về quê, bà nhận ra lòng mình cũng đang rộn ràng lên, như thuở nhỏ, trước những chuyến đi.

Truyện ngắn của NGUYỄN THỊ KIM NHUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng quê phía xa xa