Làng cát

10/05/2020 08:45

Hôm ấy, dân xóm Ga đổ xô đi xem người ta tìm hài cốt Mỹ. 8 giờ sáng, khu vườn của ông Khò đã lố nhố người tụm ba, tụm bảy, mắt nhìn chòng chọc xuống hầm cát đang được mở rộng.


Hôm ấy, dân xóm Ga đổ xô đi xem người ta tìm hài cốt Mỹ. 8 giờ sáng, khu vườn của ông Khò đã lố nhố người tụm ba, tụm bảy, mắt nhìn chòng chọc xuống hầm cát đang được mở rộng. Khoảng chục thanh niên thân hình lực lưỡng với cuốc, xẻng đào, xúc khẩn trương. Mặt trời lên non cây sào. Cát được hất cao thành vồng như đụn rơm khổng lồ nối liền nhau. Gần đó là hai người đàn ông Mỹ đang trao đổi với ông Giám đốc Sở Ngoại vụ qua nữ thông dịch viên dáng dấp mảnh khảnh đeo kính cận. Người đàn ông dềnh dàng, da đỏ cháy, tóc màu bạch kim hợp với đôi mắt xanh đục mặc áo ca rô, quần bò bạc phếch vung tay nói một tràng dài tiếng Anh với người đàn ông đứng đối diện cao to, bụng phệ, mắt xanh, mũi lõ, mặc áo thun trắng, quần soóc màu cánh kiến. Thi thoảng cô thông dịch viên xinh xắn chen vào một câu rồi quay sang ông Giám đốc Sở Ngoại vụ, cười nhẹ: “Anh Phúc ơi! Họ yêu cầu mình cho phép thắp điện làm việc cả ban đêm. Anh tính sao?”. Ông Giám đốc Sở Ngoại vụ nhún vai: “Liệu Thúy có can đảm bỏ chồng con ở nhà mà ở lại đây với họ đêm nay không? Rồi máy phát điện? Cơm nước? Chỗ ngủ?”. Cô thông dịch viên gật đầu như con bổ củi: “Đúng đấy ạ! Việc tìm hài cốt đâu phải một sớm một chiều”. Hai người Mỹ giữ chiếc máy ảnh khư khư trước ngực, chồm về phía cô thông dịch viên, mắt hau háu chờ câu trả lời. Cô gái nói tiếng Anh như gió, vừa nói, cô vừa huơ tay phụ họa trông thật ngộ nghĩnh. Hai người Mỹ lộ vẻ kém vui, nhưng miệng cứ "Ok!", "Ok!" không ngớt.

*

Nhà ga tàu hỏa Phú Tân có từ thời Pháp thuộc. Người Pháp ôm mộng gốc rễ lâu dài trên dải đất hình chữ S nên những công trình kiến trúc như nhà thờ đạo, nhà máy đường, nhà ga, đường tàu hỏa… do họ xây dựng đều hiện đại và kiên cố. Địa danh xóm Ga chỉ được hình thành kể từ ngày Hoa Kỳ biến Phú Tân thành căn cứ quân sự, bệnh viện dã chiến phục vụ chiến tranh. Hàng rào kẽm gai tua tủa nhiều tầng lớp ngang nhiên mọc lên chia cắt xóm làng. Người dân cùng một xã thuộc vùng nông nghiệp mỗi lần đến vùng biển phải trải qua nhiều đồn bốt do lính Mỹ và quân đội Sài Gòn kiểm soát gắt gao. Bầu trời Phú Tân ngày đêm gầm rú bởi tiếng máy bay cường kích A-1, A-37, máy bay tiêm kích F-4, F-5, trực thăng vận tải CH-47 Chinook, trực thăng tấn công… Mặt đất Phú Tân gầm nghiến, giày xéo bởi xe tăng M-41, M-113… Lòng người Phú Tân hoảng loạn, ngơ ngác, ai oán bởi bom rơi, đạn lạc. Đêm đêm tiếng súng vọng về, có cả những trái đạn M-79 bất chợt rơi vào nhà, gây thương vong đối với người dân vô tội. Có những người dân giẫm phải mìn do ban đêm lính cài dọc đường còn sót lại. Ngày ngày từng đoàn xe chở lính Mỹ hành quân hối hả. Phú Tân rung chuyển, sôi sục, xáo trộn từng ngày.

Xóm Ga trở thành tâm điểm ăn chơi, hút xách, gái gú từ khi quán bar Mây Hồng hiện hữu. Khu đất trống dùng để phơi gạch ngói của bà Hường được cô Mai người miền Tây thuê để dựng quán bar với tiền thuê cao ngất ngưởng. Gọi là quán bar cho oách chứ nó không hề có bảng hiệu, vũ trường. Nói toẹt móng heo đó là những căn phòng mái lợp tôn, vách ván ép, nền lát gạch kết nối với nhau che chắn, phục vụ cho việc hành lạc giữa lính Mỹ với gái điếm lạ hoắc lạ huơ từ đâu kéo về. Cô Mai tha hồ hốt tiền nhà chứa, bán bia, thuốc lá và có cả thuốc phiện. Khi nào hụt hàng, cô sẵn sàng bán luôn “vốn tự có”.

Dạo ấy, Bệnh viện 81 thuộc căn cứ quân sự của Mỹ ở Phú Tân có Kenny là bác sĩ quân y đẹp trai, túi dày cộp tiền đô-la và chịu chơi. Ngay lần gặp đầu tiên, Kenny đã say cô Mai như say thuốc phiện. Mái tóc quý phái, gương mặt trái xoan với sống mũi thanh tú, đôi mắt lá răm ươn ướt tình, làn da trắng hồng với thân hình bốc lửa, cô Mai gái một con đánh gục Kenny ngoạn mục. Vô số những buổi chiều, Kenny đánh xe Jeep đến quán bar Mây Hồng, kèm theo trái cây, những thùng đồ hộp, đôi khi vài con chó con có bộ lông vàng suộm đáng yêu tặng tình nhân. Cô Mai có vốn tiếng bồi khá nhuyễn. Vừa thấy Kenny bước xuống xe, cô nhoay nhoáy: “Hé lô! Hau a đờ du?”. Những lúc như vậy, Kenny thường phấn khích: “I love you!”. Mấy nàng kỹ nữ trong bar ùa ra, rối rít: “Ai lớp du! Ai lớp du! Bum bum! Bum bum!”. Cô chủ quán bar xinh đẹp bật cười ngặt nghẽo, nhéo tai từng cô: “Các em có biết bum bum là gì không? Là chuyện… đó! đó!”. Không hiểu sao có những cái bao cao su lại lọt vào tay của lũ trẻ chăn bò. Chúng xé lớp giấy nhựa bên ngoài, hồn nhiên lấy ra thổi phình lên như những cái bong bóng heo, dùng tay đánh quả bóng lên cao, cả bọn chạy theo sau reo hò, cát bụi tung lên mù mịt.

Quán bar Mây Hồng quá tải khách làng chơi. Lính Mỹ, lính quân đội Sài Gòn, ma cô nháo nhào. Dân xóm Ga thức tỉnh nghề hái ra tiền chóng vánh từ dịch vụ cung - cầu ăn chơi. Các nhà ở bỗng trở thành nhà thổ nhan nhản. Nào là quán bar Lung Linh, quán bar Happy, quán bar Thăng Hoa…, chủ quán cứ gắn đại cái bảng hiệu màu mè diêm dúa lên là khách vào nườm nượp. Trong số du đãng chuyên bảo kê cho các bar chứa gái, Hổ nổi trội với sự gan lì, suồng sã. Giữa thanh thiên bạch nhật, anh ta lôi cô Hoa, chủ quán bar Thăng Hoa hôn chùn chụt. Đám lính Mỹ thấy vậy cười hô hố. Mấy gã du đãng thấy ngứa mắt lắm nhưng chẳng dám hó háy nửa lời. Hổ hôn hít, sàm sỡ Hoa chán rồi bỏ đi. Khởi cầm đầu đám du đãng ở thị trấn nổi cơn ghen: “Em thích hắn đú đởn lắm hay sao mà không phản ứng?”. Hoa uất nghẹn trào dâng: “Anh ơi! Nếu em không chiều chuộng thì hắn sẽ phá quán bar, khách làm sao dám đến đây nữa? Anh thật lòng thương em thì hãy kiềm chế! Hãy hiểu cho em!”. Anh hùng không cứu được mỹ nhân, tức khí bóp bẹp lon bia trong tay: “Đ. mẹ! Tao mà không giết thằng này thì tao không phải là người!”. Khởi chưa sờ được cọng lông chân Hổ đã nhận nguyên một quả lựu đạn trong đêm chơi ở quán bar Thăng Hoa trên đường về nhà. Hôm sau cả xóm Ga huyên náo: “Thằng Khởi cầm đầu đám du đãng bị du kích ném lựu đạn banh xác!”. Chỉ có cô Mai, chủ quán bar Mây Hồng thỏ thẻ trong vòng tay Hổ: “Anh dằn mặt bọn du đãng như vậy là thượng sách! Từ đây anh là chúa tể của xóm Ga này, ai dám động tới anh nào?”. Có tiếng thở hổn hển: “Em phải biết giữ im lặng thì tụi mình mới tồn tại. Cảnh sát đang ráo riết điều tra đó. Chính quyền họ không ngờ nghệch tin thằng Khởi bị du kích tiêu diệt như mọi người nghĩ đâu nhé!”.

*

Ngày hè, Phú Tân nóng như chảo lửa. Cả làng cát hừng hực bốc hơi. Những cồn cát cao vòi vọi bao quanh, ở giữa những ô cát là những chiếc trực thăng UH-1 đậu tạm bợ. Một góc khu rừng cát mênh mông mọc lên một trại nuôi chó berger. Ngày nào cũng có vài lần chúng sủa tập thể, tiếng sủa vang vọng tận khu dân cư vùng biển. Lũ trẻ đánh giày và bán hàng rong mỗi khi nghe chó sủa liền đứng lại dỏng tai lên nghe, bất chấp cái nắng đổ lửa. Chúng rất mê những chú cún con rặt giống Mỹ. Hôm qua, thằng cu Đất vào quán bar Thăng Hoa đánh giày cho thằng Mỹ da trắng. Hắn thưởng cho nó con cún lông vàng dễ thương vô cùng! Thằng Mỹ nói với chủ quán bar rằng thằng cu Đất hiền lành, đánh giày rất bóng và đấm lưng rất êm.

Thật ra gã Khởi vắn số không phải là người tình của cô Hoa. Người yêu ruột của cô Hoa chính là John, phụ trách đội quân người Việt ở Phú Tân làm sở Mỹ trong căn cứ quân sự. John có thân hình dong dỏng cao, săn chắc, nhanh nhẹn và đa tình. Không giống như những người Mỹ trong đội quân viễn chinh thường giữ kín lý lịch, John cho cô Hoa biết anh ta đã lập gia đình. Rằng anh rất nhớ vợ con, nhớ con sông Niagara hùng vĩ và thơ mộng, anh mong sớm kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam để trở về Mỹ. John có cuộc hẹn với Hoa chiều nay nên cô trang điểm trau chuốt, thêm phấn hồng lên đôi má đào quyến rũ. Hoa hết ra lại vào, hết đứng lại ngồi. Trời đã sẩm tối vẫn chưa thấy John xuất hiện. Cô thấm mệt, định nằm lên giường chốc lát, không ngờ cơn buồn ngủ kéo đến ríu mắt. Trong cơn mê ngủ, Hoa bật dậy vì tiếng súng nổ chát chúa. Bên ngoài trời tối đen.

John chết vì loạt đạn M-16. Đôi mắt gã còn mở trừng trừng. Người của Ty cảnh sát, an ninh quân đội phong tỏa hiện trường. Nơi John nằm chết cách quán bar Thăng Hoa chưa đầy 20 m. Gần quán bar, những vỏ đạn M-16 còn nằm ngổn ngang. Chủ quán bar Thăng Hoa rẽ đám đông, bước lại bên xác chết, cô ngồi xuống, kéo tấm vải nhà binh, đưa tay vuốt mắt người tình. Một bàn tay từ phía sau đặt lên vai, giọng nói lạnh băng: “Mời cô Hoa về Ty cảnh sát ngay bây giờ! Chúng tôi cần hỏi cô một số việc!”.     

Sau cái chết của John, xóm Ga nổi lên nhiều nguồn dư luận khác nhau. Một số người cho rằng gã chết vì quân giải phóng phục kích, một số người thì quả quyết gã chết vì ghen tuông, số đông nhận định người ta giết John để cướp tiền. Chỉ có cảnh sát là im hơi lặng tiếng. Lính Mỹ thừa hiểu vào các bar chơi gái là đối mặt với nguy hiểm rình rập. Nhưng không vì thế mà lượng khách vào các quán bar giảm đi. Một hôm, Kenny đến gặp Mai, gương mặt anh ta lộ vẻ suy tư, ánh mắt thất thần, giọng lơ lớ tiếng Việt: “Em Mai có biết không? Mấy hôm nay lính Mỹ chết trận nhiều quá! Các bác sĩ bệnh viện làm việc quá sức". Người đẹp đâu cần để ý đến tình hình chiến sự làm gì. Cô ta chỉ để ý đến túi tiền của khách làng chơi thôi. Mai vuốt ve người tình, khuyên bảo: “Đông bi sat” (đừng buồn).

Hằng ngày, dân Phú Tân cứ nhìn lên bầu trời thấy những chiếc máy bay trực thăng CH-47 cẩu xe tăng M-48, pháo 105mm ra khỏi căn cứ, rồi chở lính Mỹ thương vong hối hả về Bệnh viện 81 với tần suất ngày càng cao thì đủ hiểu cuộc chiến tranh đã lên đến đỉnh điểm của sự ác liệt.

*

Suốt mấy ngày, đoàn công tác MIA (hợp tác tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam) thuê người đào bới khu vườn ông Khò sâu hoắm vẫn không tìm được hài cốt. Ngày cuối cùng, đoàn công tác MIA đến đông hơn. Họ quay phim, chụp ảnh và phỏng vấn ông Khò. Họ hứa sẽ trọng thưởng cho người nào cung cấp thông tin chính xác về nơi chôn người lính Mỹ có tên là Kenny. Ông Khò trả lời chung chung, đại loại: Ông Kenny là người tình của bà Mai người miền Tây, chủ quán bar Mây Hồng. Ông Kenny bị mất tích vào đầu năm 1967.

Thật tình chỉ có bà Mai là người biết nhiều thông tin về Kenny nhất. Hôm ấy, Kenny đi bộ đến quán bar Mây Hồng, gặp lúc bà Mai đang dùng bữa chiều với các kỹ nữ. Chủ quán bar nài nỉ người tình ăn cơm không được. Anh ta ngồi uống bia suông một mình. Sau cuộc ân ái nồng cháy, Kenny trả tiền. Mai chưa bao giờ thấy Kenny có nhiều tiền đến thế. Bộ đồ nhà binh tám túi, có hai túi căng phồng tiền đô la. Lúc Kenny chuẩn bị ra về, trời đã sập tối. Mai sợ có điều chi bất trắc, cô ta muốn giữ Kenny ở lại: “Bờ li đông gâu hôm! Bờ li đông gâu hôm! (Please don’t go home - Làm ơn đừng về!). Ấy thế, Kenny vẫn khệnh khạng bước ra cửa. Nhiều ngày sau đó, Kenny không đến quán bar Mây Hồng. Người của Ty cảnh sát, an ninh quân đội và cố vấn Mỹ đến tìm Mai điều tra về sự mất tích bí ẩn của Kenny. Dân xóm Ga lại đoán non, đoán già Kenny bị du kích bắt sống. Mai thì nghĩ khác. Cô nhớ lại, trước khi Kenny ra về có mấy tên du đãng xóm Ga lảng vảng trước cửa. Điều khó hiểu là nếu bọn du đãng giết Kenny để cướp tiền thì sát hại bằng cách nào? Cảnh sát và an ninh quân đội quần nát xóm Ga vẫn không tìm được dấu vết.

*

Thời kinh tế thị trường, đất vườn của xóm Ga biến thành đất vàng. Ngày trước, đất rừng mênh mông. Người nào siêng năng, vác rựa, vác cuốc đi chặt cây bàn chải, cây dứa rào chiếm đất. Lâu ngày, đất chiếm hữu thành đất sở hữu, sau ngày giải phóng miền Nam, người ta trồng sắn mì, khoai lang, đu đủ… như đất của ông bà, tổ tiên để lại. Bên cạnh vườn của ông Khò là vườn của ông Thủ. Ông Thủ chia khu vườn thành bốn lô đất, mặt tiền quay ra hướng đường liên thôn, bán hai lô một tỷ tám, cất nhà mái bằng. Lô đất còn lại, ông cho con gái. Hôm đào đất xây móng nhà, thợ hồ la lên thất thanh: “Ối trời ơi! Xương người! Xương người!”. Ông Thủ lại gần, ra dấu: “Tụi bay im đi! Xương gì cũng ở trong đất của tao! Cứ để yên đó!”. Đợi đám thợ hồ tản đi nơi khác, ông Thủ hối vợ lấy cái bao đựng lúa, sắp mấy mảnh xương hộp sọ, xương ống chân, ống tay vào. Ống xương nào cũng to và dài. Ông nghĩ ngay đến hài cốt lính Mỹ. Ông Thủ lấy cuốc bới cát một hồi, lộ ra một sợi dây bạc gắn miếng inox mỏng cỡ bằng hai ngón tay. Ông lấy vạt áo chà vào miếng inox một hồi, miếng inox sáng ra, trên đó có những dòng chữ nổi bằng tiếng Anh. Bới cát thêm một hồi nữa lộ ra hai chiếc giày đinh. Bên cạnh đôi giày lại có thêm một miếng inox thứ hai nhưng sợi dây ngắn hơn. Buổi trưa, con gái ông đi dạy học về. Ông liền gọi lại, bảo: “Con là giáo viên dạy tiếng Anh. Con đọc xem trên hai miếng inox này người ta viết cái gì?”. Cô gái cầm miếng inox lật qua, lật lại rồi chăm chú đọc. Nó chợt reo lên: “Đây là tấm thẻ bài, vật bất ly thân của quân nhân Mỹ. Người được ghi trong thẻ bài tên là Kenny. Có cả nhóm máu, binh chủng, đơn vị… Ông ta làm trong ngành quân y Mỹ. Hai tấm thẻ giống hệt như nhau. Cái này ở đâu vậy ạ?”.

Ông Thủ giật mình, run bắn lên vì sung sướng!

 Truyện ngắn của TRẦN QUỐC CƯỠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng cát