Lá rụng về cội

05/08/2018 07:45

Xóm Trại xôn xao khi chiếc ô tô con màu trắng đột ngột xuất hiện giữa buổi chiều muộn ở cái vùng ven đê, xa trung tâm phố huyện này đúng lúc mọi người đang hối hả chạy mưa.

Xóm Trại xôn xao khi chiếc ô tô con màu trắng đột ngột xuất hiện giữa buổi chiều muộn ở cái vùng ven đê, xa trung tâm phố huyện này đúng lúc mọi người đang hối hả chạy mưa. Người thì thu rơm, người quét thóc và tìm đồ che đậy khi cơn mưa chuẩn bị ập đến. Người đàn ông chừng ngoài bảy mươi tuổi, mặc quần áo sang trọng, đi giầy đen bóng lộn, bước xuống xe, hỏi thăm đường, giọng khẩn thiết:

- Chị làm ơn chỉ đường giúp tôi đến nhà bà Mận ở xóm Trại, làng Thượng.

- Kia kìa! Cái nhà có cây mít ở trước sân ấy - một chị vừa trả lời ông khách lạ vừa vội vàng dồn thóc vào bao.

- Cảm ơn chị!

Chiếc xe con chạy thẳng đến ngôi nhà ba gian có cây mít ở ngay trước sân, quả sai lúc lỉu. Không biết buổi chiều hôm ấy trong nhà bà Mận diễn ra cuộc trò chuyện như thế nào nhưng hôm sau người làng Thượng đồn ầm lên rằng ông khách lạ hôm trước chính là cha đẻ của anh Hiếu, con nuôi bà Mận. Rằng ông ấy về xin bà Mận cho nhận lại con để đưa sang Mỹ định cư. Rằng ông ấy biếu bà Mận một bọc tiền đô la. “Phen này bà Mận giàu to rồi, chắc không phải ăn dè hà tiện nữa”. “Số bà Mận thế mà có hậu, cả đời nghèo khổ, không ngờ bây giờ giàu nhất làng”. “Biết thế này người làng Thượng đã tranh nhau nhận nuôi anh Hiếu rồi chứ chả đến lượt bà Mận”. “Ở đời ai biết trước được chữ ngờ”… Cứ thế, mỗi người góp một câu, còn thực hư thế nào chỉ bà Mận là người biết rõ nhất.

* * *

Hơn ba mươi năm trước, làng Thượng râm ran, bàn tán chuyện một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở cổng chùa Muống. Sư thầy Giác Hải dậy sớm quét dọn nên phát hiện đứa trẻ đỏ hỏn nằm gọn trong một bọc quần áo, đang khóc oe oe vì khát sữa. Sư Hải bế đứa bé đi khắp làng trên xóm dưới để xin cho nó bú nhờ và mong có gia đình nào nhận làm con nuôi thì phúc cho nó. Nhưng đi đến đâu người ta cũng lắc đầu.

Hồi ấy, làng Thượng mất mùa liên miên vì lụt lội, vỡ đê nên nhà nào cũng túng đói, đến những đứa con đứt ruột đẻ ra họ còn không cho ăn no được nữa là nhận nuôi thêm một đứa trẻ không biết nguồn gốc. Sư Hải kiên trì bồng bế đứa bé đi xin sữa khắp vùng. Nhiều khi thầy phải pha nước đường cho nó uống để nó khỏi khóc vì đói. Nhìn đứa bé côi cút, vô tội, bà Mận động lòng thương. Bà đến chùa xin sư thầy cho mình nhận nó về nuôi. Sư Hải động viên bà Mận: “Bà làm ơn làm phúc cũng là tích nhân tích đức. Sau này thằng bé lớn lên sẽ không phụ công bà”. Sư Hải đặt tên cho đứa bé là Hiếu, lấy họ bà Mận thành Nguyễn Trung Hiếu và trao cho bà tã lót của đứa bé, phòng khi có người đến nhận còn biết đường đối chứng.

Người làng biết chuyện, ai cũng bảo bà Mận rõ lẩn thẩn, ngoài năm mươi tuổi còn nuôi con mọn, lại không phải máu mủ của mình. Thời buổi đói kém, phải chạy ăn từng bữa, nuôi thêm một miệng ăn thì chẳng khác nào thân làm tội đời.

Bỏ mặc ngoài tai những lời nói ra nói vào, bà Mận yêu thương Trung Hiếu như con đẻ. Đang sống cô độc một thân một mình, giờ có đứa trẻ bên cạnh, bà thấy vui vẻ hẳn lên. Trung Hiếu giúp bà khuây khỏa những nỗi cay đắng, khổ đau mà đời bà đã nhiều lần nếm trải.

Thời con gái bà Mận đẹp nhất, nhì làng Thượng. Ai cũng tấm tắc khen cô Mận da trắng, môi đỏ lại chịu khó làm ăn thì lấy ai mà chẳng được. Thế nên cả làng sửng sốt khi biết tin cô Mận lấy anh Thống, con trưởng ông đồ Nho ở xóm Trại. Nhà ông Nho có tới chín người con cả thảy. Có người chép miệng: “Đúng là hồng nhan vất vả, đường quang không đi lại đâm quàng bụi rậm”. Nhưng cô thương anh Thống sớm mồ côi mẹ, tính nết thật thà nên anh hỏi cưới là cô đồng ý liền.

Cô Mận cưới anh Thống được ba tháng thì làng Thượng có đợt tổng tuyển quân. Anh Thống gia nhập đoàn quân kháng chiến chống Pháp, chiến đấu ở vùng rừng núi Tây Bắc, bảo vệ biên giới Việt - Lào. Năm 1954, đơn vị anh Thống được huy động tăng cường cho chiến dịch Điện Biên Phủ, phải hoạt động bí mật nên cô Mận không nhận được tin tức gì của chồng. Cô mang thai đứa con đầu lòng mà không làm cách nào để báo cho chồng biết. Không ngờ anh Thống hy sinh khi chưa biết mình có một đứa con trai. Cô Mận đau lắm nhưng vẫn phải gồng mình lên làm lụng để nuôi con và nuôi các em chồng bởi ông đồ Nho cũng mất rồi. Cô cứ vùi đầu vào công việc đồng áng. Mỗi vụ gặt HTX chia thóc ở sân kho theo đầu người thì nhà cô Mận bao giờ cũng được nhiều nhất. Nhưng khổ nỗi được nhiều thì cũng ăn nhiều vì gần chục đứa em chồng đều đang tuổi ăn tuổi lớn. Cô Mận nhường các em, nhường con, chỉ ăn khoai, ăn sắn hay vét nồi sau cùng. Thế rồi tám đứa em lần lượt trưởng thành. Cô Mận đứng ra dựng vợ gả chồng cho từng đứa một. Cuối cùng chẳng đứa em chồng nào ở lại làng với cô. Họ lần lượt kéo nhau đi lập nghiệp ở xứ người.

Nỗi cơ cực, khổ đau khiến cô Mận già đi nhanh lắm. Mới ngoại tứ tuần mà mặt cô đã đầy nếp nhăn. Nước da trắng hồng thời con gái chuyển sang màu sạm nắng. Người làng lúc ấy gọi bà Mận vì bà đã có con dâu. Trước khi anh Nhất, con trai bà Mận xung phong đi B thì anh đã tính toán việc nhà đâu vào đấy cho u anh đỡ vất vả. Anh cưới chị Chuyên, người cùng xóm, một cô gái vừa ngoan hiền vừa chăm chỉ đúng như nguyện vọng của bà Mận.

Cưới vợ tháng trước thì tháng sau anh Nhất đi theo đoàn quân vào Nam. Hôm tiễn con trai lên đường, bà cố nuốt nước mắt vào trong, về nhà bà cứ ngồi ở góc bếp khóc rưng rức. Vừa khóc bà vừa lầm rầm trách: “Đã đi đánh thằng Mỹ thì còn cưới làm gì để khổ con gái người ta”. Chị Chuyên phải khuyên giải mãi bà Mận mới chịu ăn cơm.

Anh Nhất đi được sáu tháng thì có giấy báo tử về làng, với dòng thông báo rất mịt mùng "hy sinh tại mặt trận phía Nam". Bà Mận rụng rời chân tay còn chị Chuyên thì ngất lên ngất xuống. Hai người đàn bà ôm nhau khóc rưng rức trong căn nhà ba gian lạnh lẽo. Sau này đồng đội của anh Nhất tìm về tận nhà bà Mận trao cho bà, chị Chuyên chiếc ba lô và một quyển sổ kẹp mười ba lá thư chưa kịp gửi về cho u và cho vợ. Anh Nhất đã hy sinh trong trận đánh bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, không rõ hy sinh lúc nào, ngày nào nên cứ đến ngày 27.7 hằng năm là bà Mận làm mâm cơm thắp hương.

Đất nước thống nhất, trai xóm Trại có ba người trở về thì chỉ có duy nhất một người còn lành lặn là anh Viên, còn hai người kia đều bị thương. Anh Núi cụt một chân, còn anh Định có một vết thương ở đầu, cứ trái gió trở trời lại lên cơn, chạy khắp làng la hét. Mỗi khi gặp họ, bà Mận lại trào nước mắt.

Thấy chị Chuyên ngày một héo mòn, bà giục: “U coi con như con gái nên mới nói. Con định ở vậy suốt đời hay sao? Đàn bà sống một thân một mình khổ lắm. U chẳng sống mãi với con được đâu, phải tìm một chỗ dựa con ạ”. Chị Chuyên chỉ lặng im, rưng rưng không nói. Nghe dân làng xì xào rằng anh Núi có tình ý với chị Chuyên, bà Mận càng giục tợn: “U thấy anh Núi là người tốt tính, lại cũng hoàn cảnh. Gia đình anh ấy có nền có nếp, biết quý người. Nếu con ngại với làng với nước thì u đứng ra tổ chức”. Chị Chuyên thẽ thọt: “Thưa u… nhưng con đi lấy chồng thì u ở với ai?”. Biết là con dâu đã ưng bụng, bà Mận mắng yêu: “Chị không phải lo. Tôi ở một mình chứ cần gì phải ở với ai. Chị sống hạnh phúc là tôi mừng rồi”.

Chị Chuyên lấy anh Núi được ba năm thì bà Mận đón Trung Hiếu về nuôi. Quay đi ngoảnh lại thế mà đã hơn ba mươi năm rồi. Cây mít trước sân nhà bà Mận năm nào cũng ra quả, sai chi chít và lúc chín thì ăn ngọt lịm. Bà Mận mang bán thì ít mà biếu khắp xóm thì nhiều. Ai cũng quý và nể bà không hẳn vì bà được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng mà vì bà có tấm lòng thơm thảo và đã nuôi dạy anh Hiếu thành người. Bây giờ anh Hiếu đã trở thành bác sĩ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã. Bà Mận đã bước sang tuổi tám mươi, cái tuổi gần đất xa trời, trong lòng bà chỉ đau đáu hai nguyện vọng: một là tìm được hài cốt của người con trai duy nhất đón về nghĩa trang liệt sĩ ở quê, hai là tìm được cha mẹ đẻ của anh Hiếu thì bà mới yên tâm nhắm mắt.

Cuộc gặp gỡ với ông khách lạ ngay tại nhà bà Mận vào buổi chiều mưa ấy đã giúp bà hoàn thành một tâm nguyện. Ông ấy chính là cha đẻ của anh Hiếu, là Việt kiều vừa từ Mỹ trở về Việt Nam để tìm con. Trước khi qua đời, vợ ông mới nói ra sự thật rằng con trai ông vẫn còn sống chứ không phải đã chết từ lúc lọt lòng như lời bà ấy nói dối lúc chạy theo ông ra nước ngoài. Giọng ông run run: “Ba mươi năm qua bà ấy sống trong ám ảnh, giày vò nên sinh bệnh, nằm liệt một chỗ bảy năm trời mới mất. Chúng em là người bên kia sông, chuyện quá khứ dài lắm, em sẽ kể cho chị nghe. Em biết ơn chị nhiều lắm. May nhờ sư Hải còn minh mẫn mà em mới tìm được đến đây”. Đúng là ông ấy có biếu bà Mận mấy nghìn đô la nhưng bà từ chối: “Suốt đời tôi ở trong lũy tre làng, tôi chẳng đi đâu mà dùng đến tiền. Thôi, ông cứ giữ lấy cho con ông”. Anh Hiếu đã được bà Mận chuẩn bị tâm lý từ trước nên anh cũng không vì thế mà bàng hoàng. Anh còn trấn tĩnh bà: “U đừng lo lắng gì cả, con không đi Mỹ đâu, con ở với u quen rồi”. Bà Mận chậm rãi: “Con ạ, lá rụng về cội. Cha con tìm được con là u mừng lắm rồi. Ở lại hay đi Mỹ là tùy con quyết định”.

* * *

Sáng sớm, bà Mận quét từ ngoài ngõ để khỏi ảnh hưởng đến giấc ngủ của con. Khi tiếng loa truyền thanh phát đến mục thông báo “Tìm thấy mộ liệt sĩ”, bà dừng chổi, nghiêng tai nghe ngóng: “… Liệt sĩ Bùi Văn Nhất, sinh năm 1954, trú quán ở làng Thượng, xã…, huyện…, tỉnh…, hy sinh năm 1972, hiện được an táng tại nghĩa trang xã… huyện… tỉnh Quảng Trị. Ai là thân nhân của các liệt sĩ trên xin liên hệ với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện…”. “Ối, ối giời ơi, Hiếu ơi!” - bà Mận buông rơi cái chổi, vừa ôm ngực vừa thở hổn hển chạy vào trong nhà: “Có phải, có phải loa vừa thông báo tìm thấy mộ anh Nhất không? Phải không?”. Anh Hiếu bật dậy: “U cứ bình tĩnh, để con lên huyện hỏi xem sao. Rồi con sẽ đưa anh Nhất về với u!”.

Bây giờ anh Nhất nằm cạnh cha mình trong nghĩa trang liệt sĩ của xã, dưới dòng chữ đỏ chói “Tổ quốc ghi công”. Bà Mận lặng lẽ thắp tuần nhang lên mộ chồng và mộ con. Cái lưng còng của bà chẳng khác nào một dấu hỏi dường như đang giãn ra. Bà ngồi lặng hệt pho tượng cho đến khi bóng chiều tắt hẳn.

Truyện ngắn của TRẦN THÚY LÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lá rụng về cội