Hội bơi chải

26/02/2017 13:22



Cả tuần nay, làng Vạn Chài náo nức hẳn lên. Chỗ nào người ta cũng xôn xao bàn tán. Quán bà Sen trên bến Mom, nơi người ta đợi đò qua sông luôn tụ tập đông người thì câu chuyện ở đó càng rôm rả. Phen này dứt khoát xã mình phải giật giải nhất bơi chải. Điều đó thì quá rõ rồi. Chuẩn bị chu đáo như thế, tập luyện tích cực như thế, đội hình đẹp như thế không nhất mới là lạ. Phải nhất chứ. Nhất để còn kéo quân về hội đền Hùng, thi đấu với các huyện khác chứ. Đội xã mình mà bơi giữa hồ công viên Văn Lang thì còn gì bằng. Bảo đảm đẹp như con chim hạc lao vun vút trên trời mây trung du cho mà xem. Thế thì lại nhất à? Chả nhất lại không ư? Nhất huyện rồi nhất tỉnh, vô địch luôn nha…

Nghe mọi người bàn tán vậy, Nguyệt như mở cờ trong bụng. Mấy tháng trong năm, bố cô cùng tổ thợ mộc của làng đã hì hụi làm một con thuyền mới phục vụ cho lễ hội bơi chải. Nhiều hôm, họ quên cả ăn, cứ bào bào, đục đục, sơn quét, lắp ghép các chi tiết. Giữa vụ gặt tháng mười thì xong con thuyền đó. Nó dài mười hai mét được chia thành năm khoang. Khoang giữa sâu và rộng nhất. Mạn cao bốn chục phân, rộng một mét hai trên mặt và chín chục phân dưới đáy. Nó được vuốt hẹp và nông dần về mũi và đuôi thuyền. Mũi thuyền rộng nửa mét, ghép bằng bốn lớp gỗ sung dán keo chéo chiều thớ gỗ, chạm hoa cúc vàng trên mặt, bịt sắt thạch đồng ở đầu mũi. Đuôi thuyền hẹp nhất, chỉ còn hơn ba chục phân. Hai bờ mạn đuôi thuyền nhô cao, lượn tròn. Bố Nguyệt gọi đó là tai tượng. Hai bên tai tượng ghi tên xã với dòng chữ vàng rõ ràng, dứt khoát, nét nèn nẹt.

Lúc đầu, bố Nguyệt định viết tên làng Vạn Chài của mình lên thuyền. Sau rồi, ông Chủ tịch UBND xã bảo phải viết tên xã vào đó. Làng Vạn Chài đại diện cho xã, là niềm tự hào của xã phải ghi tên xã cho chính danh. Thi đấu hàng huyện cơ mà. Đại diện cho xã cơ mà. Biết đâu chiến thắng, tiếp tục đi thi đấu ở tỉnh còn đại diện cho cả huyện nữa ấy chứ. Thắng chứ sao lại không? Biết đâu cái gì nữa? Bố Nguyệt trừng mắt nhìn ông Chủ tịch. Ông Chủ tịch cười cười. "Lúc đó đâu chỉ còn làng Vạn Chài, đâu chỉ có xã mình nữa mà là hàng huyện rồi, bác nhé. Gắn tên huyện là cái chắc". "Ừ nhỉ! Thế cũng phải. Sứ mệnh cao cả phết", bố Nguyệt gật gật cái đầu có vẻ tâm đắc lắm. Chỉ nhìn chiếc thuyền dài sừng sững đặt trước sân nhà, đầu thuyền nhô cao lên (bố Nguyệt còn tạo dáng nó như đầu một con rồng nữa, có cả mắt, vây hẳn hoi), dòng tên xã nổi bật trên nền đỏ mạn thuyền đã thấy khí thế chiến thắng rồi. Nhưng…cuối cùng bố Nguyệt nói với ông Chủ tịch: “Thôi, cứ để tên làng tôi cái đã. Thi xong ở xã, sẽ gắn tên xã sau. Chứ gắn bây giờ các làng khác họ sẽ sái”. Ông Chủ tịch xã cười nói: “Thế cũng phải. Bác nghĩ chắc và kín kẽ lắm. Chúng tôi tin tưởng đội làng bác đấy”.

Vui nhất là hôm hạ thủy con thuyền với đội hình bơi chải được lựa chọn. Họ là những con kình ngư trong mỗi mùa lũ lụt. Toàn thanh niên lực lưỡng, trai tịnh của làng. Người nào trong năm mắc khuyết điểm như đánh nhau, say rượu, vi phạm luật lệ giao thông đều không được tham gia. Thanh niên nào nhà có tang cũng đành để năm sau vào đội hình. Họ phân ra các phách, các mái và các đốc. Có phách nhất, phách nhì, phách ba, rồi mái tư, mái năm, mái sáu, lại đốc bảy, đốc tám, đốc chín… Cứ từng cặp như thế ngồi sánh đôi hai bên mạn thuyền. Mạnh, người yêu của Nguyệt cũng trong đội hình đó. Bố Nguyệt miệng ngậm còi, tay gõ trống đứng mũi thuyền chỉ huy. Đuôi thuyền, không ai khác chính là bố Mạnh giữ tay cầm lái. Ngẫu nhiên trùng hợp thật lạ kỳ. Hai ông thông gia tương lai cùng đứng mũi chịu sào chỉ huy chiếc thuyền chải của làng. Chỉ có Mạnh và Nguyệt hiểu được điều này vì họ chưa ý kiến gì với bố mẹ hai bên cả. Hai người ngợp trong niềm vui, lâng lâng vào mùa bơi chải.

Chưa đóng khố cởi trần, chưa chít khăn xanh đỏ, mới chỉ cờ nhỏ, còi con, cũng chưa có chải nào đua cùng, vậy mà cuộc hạ thủy con thuyền rồi sau đó là những buổi tập luyện đã ầm ĩ cả một đoạn sông rồi. Tiếng vỗ tay hò hét của những người trên bờ, tiếng dô huầy của những người dưới sông, tiếng mõ khua chí chát, tiếng sóng nước vỗ vào bờ oàm oạp làm náo loạn cả khu vực ngã ba sông mỗi khi chiều về. Những nhà nổi của xóm Vạn Chài dẹp hết cả vào ven bờ nhường sông cho đội chải luyện tập. Ròng rã ba tháng trời mùa đông, chẳng kể mưa phùn hay gió bấc, không ngày nào là đội chải không thử sức. Tinh thần thượng võ, ý chí quyết chiến quyết thắng trào dâng không chỉ những người trong đội chải, trong làng Vạn Chài mà lan ra cả xã. Tin tức về đội chải các xã bạn, làng bạn cũng liên tục được báo về. Chính điều đó làm cho quyết tâm của đội chải càng cao hơn.

Tết Nguyên tiêu, làng mở hội rước nước. Khu vực đền Mom đông nườm nượp. Người đến để cầu xin những điều tốt lành cho năm mới. Kẻ tới xem lễ hội, nhất là xem các đội chải của xã biểu diễn trên sông. Chưa phải cuộc đua, mới chỉ là cuộc trình diễn bơi thờ tế lễ và mới chỉ phạm vi trong một xã thôi nhưng cũng đã hấp dẫn lắm rồi. Hai bên đường từ chợ ra bến Mom cắm rực hồng kỳ, băng rôn, khẩu hiệu. Suốt cả hai bờ sông, bốn phía trên dưới, rồi các nhà thuyền của làng Vạn Chài cũng rực màu cờ đỏ. Trong nắng gió xuân, cờ đỏ sao vàng, cờ lễ hội tung bay phấp phới. Tiếng trống thúc, tiếng còi kêu, tiếng gọi nhau í ới khiến những người qua đây cũng háo hức dừng chân. Chính đoạn sông này, thu đông năm “bốn bảy” của thế kỷ trước, quân và dân huyện nhà phối hợp với bộ đội chủ lực đã đánh chìm gần chục chiếc tàu chiến Pháp, lập nên chiến thắng huyền thoại còn vang vọng tới tận bây giờ.

Bố của Nguyệt vinh dự được giữ vai chủ tế. Ông mặc áo dài màu đỏ, khăn xếp đỏ, quần xa tanh trắng, đi đôi hài đỏ trông thật oách. Hai bên tả hữu là hai hàng quan viên cũng mũ mãng cân đai uy nghiêm lắm. Hai ông tây xướng và nam xướng chăm chú chờ lệnh. Đội hình bơi chải đóng khố, cởi trần, chít khăn xanh đỏ (tùy theo mỗi làng), cắm những lông chim trên đầu đứng cả hai bên trông thật hùng hậu. Các bồi tế lần lượt hai lần dâng hương, đăng, trà, bốn lần dâng tửu (rượu) để ông chủ tế làm lễ. Bố Nguyệt đọc bài chúc văn thành kính mời thủy thần về thụ hưởng và chứng giám các lễ vật của làng dâng cúng. Ông xuýt xoa khấn vái, cầu mong thủy thần phù trợ đắc lực cho trời yên, biển lặng, thuận buồm xuôi gió, mưa thuận gió hòa để nhà nhà bình yên, người người ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, ông xin thủy thần phù hộ độ trì cho đội chải của xã chiến thắng trong mùa lễ hội bơi chải năm nay của huyện, để được vinh dự về thi đấu ở tỉnh, tham gia lễ hội đền Hùng.

Phần lễ xong, nước đã được lấy từ giữa dòng sông trong xanh, rước về đền, dâng lên thần thánh. Tới phần hội, cuộc đua chải giữa các làng chính thức được bắt đầu. Bố Nguyệt dẫn đầu đội chải làng Vạn Chài tiến ra bến sông. Bốn làng khác cũng vậy. Tiếng reo hò, tiếng trống thúc, tiếng còi réo, tiếng gọi nhau í ới, tiếng chân chạy thình thịch khiến cho bến Mom náo động hẳn lên. Nguyệt cầm mấy thứ lặt vặt chạy theo đội chải. “Bình tĩnh, tự tin, chiến thắng anh nhé”, cô nói với Mạnh. Mạnh mỉm cười nói với người yêu: “Yên tâm. Có hai cụ chỉ huy rồi. Lo gì”. “Chớ có chủ quan. Cơ bản là phải đồng tâm, hiệp lực của các anh đấy. Thua về là em cắt”, Nguyệt ngúng nguẩy nguýt một cái rõ dài về phía Mạnh.

Những ngày Tết, bên mâm cỗ, nhâm nhi chén rượu xuân, ông nội Nguyệt khề khà kể chuyện ngày xưa đánh Pháp. Đội thuyền của ông chở bao nhiêu là bưởi, những quả bưởi được sơn đen giả làm thủy lôi nghi binh địch. “Sơn bằng dầu luyn hả ông?”, Nguyệt hồn nhiên hỏi. “Không. Dầu luyn gặp nước nó loang ra, hiện rõ quả bưởi thì lộ mất. Mà hồi đó lấy đâu ra có nhiều dầu luyn mà bôi sơn”. “Thế sơn đen bằng gì ạ?”. “Bằng nhọ nồi trộn với mật”. Nguyệt tròn mắt cười khúc khích. Ông nội kể tiếp: “Sơn xong, bưởi được chất lên các thuyền. Các ông lái các thuyền đó về phía bờ bên kia, nơi đầu nguồn, thả chúng xuống sông. Y như rằng, hôm sau, tàu Pháp lên, thấy vậy tưởng trận địa thủy lôi của ta, chúng vội dạt sang bờ bên này, lọt vào trận địa phục kích của bộ đội. Cứ thế, với phương châm “đặt gần, bắn thẳng”, pháo ta nã trúng tàu giặc. Tiếng nổ ngút trời. Chúng hoảng loạn nhảy cả xuống sông. Đứa nào lên được bờ liền bị quân ta tiêu diệt gọn”. “Hồi đó các cụ cũng hoành tráng phết ông nhỉ?”, Nguyệt nói với ông nội. Ông nội vuốt râu khà khà: “Thì vưỡn!”. “Đến dạo đánh Mỹ cũng vậy - bố Nguyệt chen vào - Thuyền chúng con lướt trên sông, nhử phá bom từ trường của Mỹ mới ác chứ. Vừa vọt qua thì bom nổ. Cột nước cao chục mét trùm lên cả thuyền. May mà hồi đó không ai bị gì”. “Công nhận ông và bác ngày xưa dũng cảm thật”, Mạnh mạnh dạn góp lời. “Còn các anh đấy. Năm nay không giật giải bơi chải là xấu hổ với chúng tôi đó”, ông nội Nguyệt nói với Mạnh. Mạnh liền đáp: “Giật giải chứ ông. Anh em chúng cháu quyết tâm rồi. Có bác đây chỉ huy thì còn lo gì nữa”.

Và hôm nay, Tết Nguyên tiêu là dịp để Mạnh cùng đội chải của làng chứng tỏ quyết tâm đó. Mấy tháng mùa đông, các kỹ thuật bơi, kỹ thuật lướt sóng, quay đầu, động tác cầm chèo, tư thế ngồi, chỗ đặt chân đã được luyện tập rất kỹ. Năm thuyền của năm thôn bốc thăm, nhận luồng bơi theo hướng cờ phao trên sông để thi. Sau tiếng súng làm hiệu lệnh, cả năm thuyền lao lên. Các tay chèo gò lưng ráng sức, dồn sức lên cánh tay chèo theo lệnh cờ phất, nhịp trống giục, tiếng mõ thúc. Ai cũng cố sục nước tung tóe, đẩy thuyền của mình vượt lên. Mươi phút sau, thuyền của làng Vạn Chài bứt lên trước. Tiếng vỗ tay, reo hò cổ động trên bờ càng lúc càng to. Tiếng còi của bố Nguyệt xoe xóe từng đợt dứt khoát. Thêm vào đó là tiếng trống gõ giữ nhịp của ông cũng chắc nịch. Miệng thổi còi, tay gõ trống, trông ông đúng một lão ngư kỳ cựu. Phía đuôi thuyền, bố của Mạnh giữ lái lựa dòng nước, chọn hướng cho con thuyền lao đi cũng rất chuẩn xác. Các tay chèo phối hợp nhau cực kỳ ăn ý. Đội chải làng Vạn Chài bỏ xa các đội của các làng khác. Kết thúc, họ đã về nhất, chính thức nhận nhiệm vụ thay mặt xã, ba ngày nữa tiếp tục thi đấu ở huyện. 

Ngày hội bơi chải của huyện thật tưng bừng. Bến sông khu vực cầu mới nghìn nghịt người. Bờ phía thị trấn, bờ phía bên kia, trên lan can cầu người ta chen chúc đứng, háo hức chờ cuộc thi. Đội xã Nguyệt kéo đi đông lắm. Không chỉ làng của Nguyệt mà bốn làng khác, hôm trước là địch thủ của nhau thì hôm nay lại là cổ động viên tích cực của làng Vạn Chài. Hôm nay đội mang tên xã rồi. Màu cờ sắc áo của xã rồi. Có tất cả năm xã tham gia cuộc đua. Ông Chủ tịch xã động viên đội chải. Bố Nguyệt nói với anh em: “Cứ coi họ là các đội của các làng trong xã đi. Ta cứ hết sức, quyết tâm như hôm nọ nhé”. “Quyết tâm!”. Tất cả hô ran ba lượt, rất khí thế.

Năm thuyền chải của năm xã mang năm màu khác nhau, kể cả màu khăn, màu áo. Đội xã Nguyệt toàn màu đỏ, nổi bật hẳn lên. Hiệu lệnh phát ra, năm thuyền chải rẽ sóng lao lên. Kịch bản y như hôm thi ở xã, đội Vạn Chài, tức đội xã Nguyệt lại vượt trước. Sau ba chục phút, đến điểm cuối, thuyền bẻ lái quay về cán đích đầu tiên trong tiếng hò reo chiến thắng của mọi người. Đích thân ông Chủ tịch UBND huyện lên trao cúp cho đội chải của xã đoạt giải nhất. Bố Nguyệt, cả Mạnh nữa thay mặt đội lên nhận cúp. Nguyệt hân hoan, hãnh diện. Mắt cô long lanh nhìn bố và người yêu. Ông Chủ tịch huyện tuyên bố giao nhiệm vụ cho đội chải của bố Nguyệt sẽ mang tên huyện để về tỉnh thi đấu, chọn đội xuất sắc nhất tham gia lễ hội đền Hùng sắp tới. Cả ngàn người hò reo vỗ tay ủng hộ. Không khí tưng bừng, hân hoan lắm.

Dưới kia, dòng sông trong xanh lững lờ trôi trong nắng gió xuân. Hội bơi chải của huyện đã thành công rực rỡ. Mơ ước được thử sức vùng vẫy chải giữa hồ công viên Văn Lang cùng các đội chải khác của cha con Mạnh và bố Nguyệt cùng những tay chải của làng Vạn Chài đã thành sự thực. Mọi người đang náo nức chờ đến ngày Giỗ Tổ để về thi đấu, góp vui với hội Đền Hùng.

Truyện ngắn của ĐỖ XUÂN THU

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội bơi chải