Giao thừa

04/02/2019 23:55



Ông Hồng ngồi bó gối trên chiếc ghế trước cửa nhà. Mắt ông đau đáu nhìn cây cầu đã mấy chục năm gắn bó. Đây là cây cầu sắt được xây dựng từ thời Pháp. Vì một đầu nó cất lên được nên người ta đặt tên nó là cầu Cất. Dưới gầm cầu là những cánh cống khổng lồ đúc bằng bê tông cốt thép và có khung thép bọc ngoài. Tất cả được điều khiển bằng thủ công qua hệ thống pa lăng đồ sộ đặt nơi đầu cầu. Cây cầu vượt qua sông Sặt, nối thông thị xã với các huyện phía đông nam. Từ sau ngày giải phóng, năm 1954, cây cầu không cất lên nữa. Nhưng hệ thống cánh cống vẫn sử dụng, cả mùa bão lụt lẫn mùa đông cạn nước.

Ông Hồng cứ ngồi như thế rất lâu. Vẻ tinh anh thường nhật dường như đã biến mất. Thay vào đó là cái nhìn se buồn như sắp mất đi một cái gì thân thương, gần gũi. Không gian đang lui dần về chiều. Cái chiều cuối cùng của một năm. Vài ba người quen đi qua hỏi với: "Ông Hồng chuẩn bị Tết đến đâu rồi?". Người và xe đi lại nườm nượp. Con đường trước nhà ông như nhỏ lại. Cây cầu trở nên chật chội ùn ứ. Những chiếc xe chở đầy hàng Tết, còi inh ỏi. Những gương mặt ngời sáng nhìn nhau như chào. Tiếng hỏi nhau giá cả rối rít. Những nhà hoài cổ, những nhiếp ảnh gia nhận được thông tin quan trọng: "Ăn Tết xong, cầu Cất sẽ bị phá bỏ". Họ bỏ mặc việc nhà chiều 30 Tết cho vợ con, đứng chật kín hai đầu cầu. Máy ảnh, máy quay phim đưa lên hạ xuống. Ánh đèn flash lóe sáng liên hồi... 

Như mọi năm, vào giờ này, ông Hồng đâu nhàn rỗi thẩn thơ ngắm nhìn mọi người qua lại sắm Tết. Ông bận rộn trước cả tháng. Chọn ngày nước cạn nhất, ông Hồng bắt đầu bảo dưỡng cánh cống. Ông hiểu sức phá hoại của thiên nhiên mạnh tới cỡ nào. Nhất là phần "bán dương bán thủy". Cái búa gõ rỉ trong tay ông từng nhịp đập xuống. Cái bàn chải sắt đưa đến đâu màu thép sáng ngời lên đến đó. Xong phần gõ rỉ, cạo sạch, ông sơn một nước chống rỉ. Sáng 30 Tết, ông mới phủ sơn màu cho tất cả, rồi tra dầu mỡ cho hệ thống bánh răng. Ngoài ra, ông còn phải lo nước non cho một vùng rộng lớn. Nhất là mùa đông nước cạn. Đồng ruộng mong nước. Cánh cống nơi đây phải đóng lại lấy nước đổ ải vào vụ. Trách nhiệm của ông là đóng mở cống theo đúng nông lịch của trên. Gặp phải năm thời tiết nghịch, nông lịch thay đổi từng ngày, kế hoạch làm việc của ông cũng thay đổi theo. Nhưng năm nay sẽ khác. Cây cầu sắt mang tên cầu Cất sẽ không còn tồn tại nữa. Ăn Tết xong người ta sẽ phá bỏ. Một cây cầu bê tông cốt thép đồ sộ sẽ được xây dựng. Cây cầu sẽ không còn là lằn ranh giữa nông thôn và phố thị. Đô thị mở rộng vượt qua cầu mấy cây số nữa. "Hoành tráng quá!". Ông Hồng thốt lên khi lần đầu nhìn thấy mô hình. Ông thoáng nghĩ đến phận mình, khi cây cầu hoàn thành. Mình sẽ làm gì nhỉ? Lãnh đạo ban còn khá trẻ, mới chuyển về, tươi cười: "Bố có tuổi rồi, lại bao năm nơi đầu sóng ngọn gió... Nay mai cây cầu hoàn thành, mời bố về ban làm công việc gì đó nhè nhẹ, một hai năm rồi nghỉ hưu là vừa". Ông Hồng giật mình. Ồ thì ra mình đã già...

Ông Hồng mồ côi mẹ từ năm lên mười tuổi. Cha mẹ ông Hồng không phải người làng Bằng. Thời thuộc Pháp đói kém, người ta lang thang khắp nơi kiếm sống. Hai thân phận nghèo hèn tình cờ gặp nhau ở làng Bằng, rồi gá nghĩa vợ chồng. Năm sau sinh ra Hồng. Đến đời Hồng vẫn còn mang tiếng dân ngụ cư. Người cha thương con không dám mạo hiểm tục huyền. Hồng chịu khó, ngoan hiền. Lớn lên Hồng yêu một cô gái cùng làng xinh đẹp, mang tên một loài hoa. Cô Đào. Đào là con gái ông chủ một trang trại trồng hoa đào. Hai người yêu nhau say đắm. Họ từng thề sông hẹn núi, ước một ngày công ăn việc làm xong xuôi sẽ thành chồng vợ vuông tròn. Nhưng món quà cao quý của thượng đế lại không dành cho Hồng. Đúng ngày anh nhận giấy nhập Trường Trung cấp cơ khí thủy lợi là ngày nhà gái từ hôn. Cũng chỉ tại cái tiếng dân ngụ cư. Thế là thế nào? Bố anh bảo: "Đau khổ luôn tồn tại trong mỗi kiếp người. Chỉ có ai biết chấp nhận và vượt lên mới không bị gục ngã thôi". Hồng hiểu như thế. Nhưng để quên đi một mối tình, một con người cụ thể thì thật là khó. Sau này, một đôi lần Hồng nghe nói Đào đã lấy chồng, sinh con. Hai vợ chồng nàng ở nước ngoài làm việc và sinh sống. Hồng như kẻ mất hồn. Thương con, ông bố bảo: "Cuộc đời dạy người ta không nên đòi hỏi quá nhiều. Chỉ cần phấn đấu trở thành người tốt là đủ". Hồng hỏi: "Con chỉ muốn biết tại sao mọi điều tưởng tốt đẹp, bỗng thành tồi tệ?". "Đừng cố tìm hiểu vì sao, sẽ thấy lòng mình thanh thản, con ạ".

Nghĩ cũng lạ. Ở đời nhiều chuyện tưởng như vô lý nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành có lý. Như Hồng là một thí dụ. Từ một cán bộ trung cấp bỗng nhiên trở thành ông "thủ cống". Đó là mùa mưa năm 1972. Chàng trai trẻ Nguyễn Văn Hồng tốt nghiệp Trường Trung cấp cơ khí thủy lợi, được điều về chính quê hương mình công tác. Dẫu vết thương lòng mấy năm trước chưa dễ liền sẹo nhưng Hồng vẫn thấy mình không thể xa làng Bằng được. Vào đúng lúc Hồng xuất trình giấy điều chuyển của Bộ Thủy lợi cho ông Trưởng ban già thì máy bay Mỹ ập đến bắn phá cầu Cất. Lát sau tin báo về: "Ông thủ cống hy sinh, hệ thống pa lăng trúng bom vỡ tung tóe". Ông Trưởng ban bật dậy như ngồi phải đống lửa. Tất cả leo lên chiếc xe cọc cạch cùng ông ra hiện trường. Một đống vòng bi, bánh răng vung vãi như sắt vụn. Ông Trưởng ban lẩm bẩm: "Thế là hỏng hết. Trời ơi, cứu úng cũng như cứu hỏa. Không thể dây dưa tháng ngày được. Ai có kế gì hay nói ngay". Người thì bàn, liên hệ với Nhà máy Cơ khí tỉnh cử người ra giúp. Người thì bảo kêu lên bộ, trên ấy thiếu gì người tài. Hồng bình thản thưa: "Báo cáo đồng chí Trưởng ban, tôi xin nhận làm". Nét mặt ông Trưởng ban giãn ra. Ông hỏi: "Liệu có sửa được không? Mới lại còn lo các bánh răng còn đủ không? Hay văng xuống sông rồi". Hồng quả quyết: "Thưa đồng chí Trưởng ban, thiếu bánh răng nào tôi sẽ vào Nhà máy Cơ khí tỉnh mượn máy để làm. Tôi biết sử dụng tất cả các loại máy. Chỉ cần đồng chí cấp cho tôi giấy giới thiệu". "Tốt lắm. Tôi cho đồng chí ba ngày phải xong. Mọi yêu cầu của đồng chí sẽ được đáp ứng vô điều kiện. Các đồng chí trưởng phòng nghe rõ cả chứ?". Hơn hai ngày sau, hệ thống pa lăng điều khiển hoàn thành. Cây cầu và những cánh cống đóng mở nhẹ nhàng như chưa hề có trận bom. Ông Trưởng ban cùng nhiều cán bộ xuống thăm và chúc mừng. Thay cho tấm giấy khen là một quyết định: "Đồng chí Nguyễn Văn Hồng chính thức ở lại điều khiển và vận hành cầu Cất". Ông Trưởng ban an ủi: "Nơi đây cũng là mặt trận, cũng hòn tên mũi đạn cả đấy. Cố gắng làm cho tốt". Thấm thoát thế mà đã mấy chục năm. Người cùng cơ quan chỉ còn nhớ đến ông như một người thủ cống chứ chẳng ai nhớ một cán bộ trung cấp cơ khí thủy lợi. Tháng tháng ông Hồng về ban nhận lương. Người lạ nhiều lên, người quen bớt đi. Nhưng không phải vì thế mà ông Hồng sao nhãng công việc.

Ngay từ hôm hai bẩy Tết, ông Hồng đã bê về một chậu quất. Có đến hàng trăm quả màu vàng cam. Trông rực rỡ và no đủ. Ông cũng không quên mua thêm một cành đào nho nhỏ để giao thừa mang ra đầu cầu làm lễ đón năm mới. Chắc sẽ là lần cúng cuối cùng. Từ ngày cha mất, ngôi nhà vắng tiếng người già, cũng không có con trẻ. Một mình đi lại, vào ra như cái bóng. Dọn dẹp tinh tươm trước sân ngoài ngõ, nhìn đồng hồ, vẫn chưa hết ngày. Ông Hồng bật đài. Không phải để nghe. Chỉ cốt sao trong nhà có tiếng người thôi. Bạn bè ngang tuổi nhìn Hồng cảm thông. Người lớn tuổi lo lắng. Nhiều kịch bản mai mối được đồng nghiệp dầy công dàn dựng đều đổ vỡ. Có người bảo ông vô cảm. Không phải. Vết thương lòng nặng quá. Suốt ngày ông Hồng chỉ làm bạn với cây cầu, với hệ thống pa lăng. Ông chăm chút từng li từng tí như người mẹ chăm con, như người chồng chăm vợ. Lại gõ lại sơn. Chỗ nào hư hỏng nặng quá thì báo về ban xin người sửa chữa. Lại mấy ngày bận rộn cùng tốp thợ. Khiếp, mấy thằng thợ trẻ tán như khướu, lại bạo mồm bạo miệng. Chúng bảo: "Cứ như bác lại sướng, rảnh rang thơi thảnh. Chứ lấy vợ vào là hỏng, là khổ một đời trai". Rồi chúng bô bô kể những nỗi khổ của kẻ đã "sa chân vào cùm". Nghe mà hãi. Không dám lấy vợ. Nhưng cũng vui. Vui được vài ngày. Nhóm thợ rút đi, trả lại sự yên tĩnh cho ông. Đêm về nghe lòng xa vắng, cô quạnh. Những kỷ niệm cũ ùa về như mùa lũ sông Sặt. Hai hốc mắt khô nhức, trừng trừng. Ông cố dỗ giấc ngủ. Ừ ngủ đi. Ngủ một chút sẽ thấy lòng dễ chịu hơn.

Hai mươi ba giờ, ông Hồng vươn vai đứng dậy chuẩn bị cúng giao thừa. Ô tô, xe máy, xe đạp, người bộ hành đông ràn rạt. Họ đang tíu tít đổ về trung tâm đón giao thừa. Mải nhìn người và xe trên đường, ông Hồng không để ý đến chiếc taxi nhẹ êm đỗ ngay trước cửa nhà. Từ trên xe bước xuống một người đàn bà ngoài năm mươi, gương mặt còn đằm xuân sắc. Tiếng người đàn bà như thoảng: "Anh Hồng". Ông Hồng giật mình. Ông giật mình không phải vì lời chào mà vì sự xuất hiện của người đàn bà vào đúng thời điểm đón giao thừa. Ông khẽ khàng: "Đào đấy à? Sao em về muộn thế?". Người đàn bà chính là cô Đào năm xưa. Mấy tháng trước, bà Đào đã ra thăm ông Hồng vài lượt. Bà kể cho ông nghe chuyện đời bà. Bà đã quá nghe lời cha mẹ từ bỏ một mối tình chân thành để chạy theo một cái bóng ở nước ngoài. Giờ thì "cái bóng" ấy đã bỏ rơi bà cùng mấy đứa con nơi quê người đất khách. Mấy chục năm xa cách nhưng lòng bà không hề nguôi ngoai nghĩ tới quê cha đất tổ. Bà đợi các con khôn lớn, phương trưởng mới quyết định trở về. Hình như trong đau khổ người ta nhất định phải tìm một ai đó để sẻ chia, để dựa dẫm về mặt tinh thần. Với bà Đào, không thể ai khác ngoài ông Hồng. Rồi hai người an ủi nhau. Âu cũng là số phận. Trước nỗi đau của người này, người kia thấy bất hạnh của mình thật nhỏ nhoi. Không chờ ông Hồng mời, bà Đào xăm xắn bước vào. Ông Hồng hỏi: "Em mang những gì mà nặng thế?". "Có gì đâu. Sợ anh chuẩn bị không kịp nên em mang đồ lễ giao thừa ra cho anh. Nhân tiện đi lễ chùa một thể". Ông Hồng ngẩn người. Lời bà vừa âu yếm vừa như lo toan. Cái lo toan của người vợ đảm đang hiền thảo.

Những tiếng nổ lụp bụp khiến hai người bừng tỉnh. Pháo làm sáng bầu trời. Ông Hồng cố nói giọng tự nhiên: "Em ngồi chơi, tôi phải ra cầu cúng giao thừa". "Sao bảo sau Tết người ta phá cầu cũ, xây cầu mới?". "Đúng vậy. Đây sẽ là lần vận hành cuối cùng của cây cầu". "Cho em ra với". Bà Đào nhanh nhẹn xách đồ lễ cùng ông Hồng ra cầu. Một vầng sáng từ trên cao hắt xuống soi rõ bàn tay hai người đặt chồng lên nhau nơi tay quay pa lăng. Chưa bao giờ cánh cống mở nhanh đến thế. Thoắt chốc đã nghe tiếng nước chảy ào ào...

Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giao thừa