Đường mới

17/05/2020 09:20

Con đường vừa đổ bê tông lấp lóa trong nắng. Mùi xi măng ngai ngái. Mấy con chim chìa vôi loi choi nhảy trên mặt đường để lại những vết chân bé xíu xinh xinh.


Hôm nay là ngày đổ bê tông tuyến đường cuối cùng của làng Cổ Cò - tuyến nối từ quốc lộ qua cánh đồng sang xóm Ô Lâm. Từ sáng sớm tất cả những người của xóm này, từ già tới trẻ, từ lớn đến bé, đàn ông hay đàn bà đều sẵn sàng xẻng cuốc, xô thùng kéo nhau ra đường. Mấy chục bộ đội cũng xẻng, cuốc, cáng, băng cờ, khẩu hiệu kéo quân ra. Xóm Ô Lâm bỗng chốc nhộn nhịp hẳn lên. Hơn trăm mét đường gần kín người, cả bộ đội và nhân dân. 

Đáng ra đoạn đường này xong từ lâu rồi nhưng vì dịch Covid-19 nên phải dừng lại gần ba tháng. Nay Chính phủ vừa nới lỏng giãn cách xã hội, xã lại đang phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh nên khi khởi động lại các công trình nông thôn mới của xã ai cũng hân hoan. Thêm bộ đội về giúp dân nữa lại càng khí thế.  

Ông Bao, trưởng ban điều hành thi công của xóm hớn hở nói: 

- Vui quá! Bõ công hơn nửa tháng giãn cách xã hội. Giờ thì dịch tạm lui, ta tiếp tục tiến tới.

Ông Phước nghe vậy, nói: 

- Thế mà bố con ông lúc đầu chả chần chừ?

- Thì cái khó nó bó cái khôn mà ông. May có ông giúp, không thì…

Ông Bao cười xuê xoa nói lấp. Ông Hiên cũng vui vẻ: 

- Có được thế này là do ông Phước quyết mạnh đấy. Chứ cứ như tôi làm cũng được mà không làm cũng được. Tôi ở đầu xóm, chỉ mất có một đoạn đường qua cánh đồng thôi là vào tới ngõ. Các ông ở trong khổ hơn tôi nhiều.

- Nhưng về lâu về dài xóm mình vẫn phải có con đường tử tế chứ. Đảng, Bác đã vạch đường chỉ lối rõ như thế cơ mà.

Ông Bao vẫn sồn sồn. Hôm nay, ông này nói cứ như là cán bộ vậy. Thì trưởng ban điều hành xây dựng đường xóm cơ mà.

Năm hộ trong xóm thì ba ông là chủ chốt gia đình. Hai hộ kia là con ông Bao. Chúng nó là con đều phải nghe ông. Ông bảo thế nào thì chúng cũng phải theo. Tuy vậy, ông rất ngang, toàn bàn lùi. Tất cả cũng là do hoàn cảnh. Ba bố con ông đều thuộc diện hộ cận nghèo. Hễ nói đến đóng góp là kinh. Làm con đường này, nhà ông Phước là thiệt nhất. Ông bị mất cây mít tổ với dăm chục mét vuông đất để nắn con đường cho thẳng. Thế nhưng ông Phước vẫn vui vẻ hiến số đất ấy. Không những thế ông còn cho ba bố con ông Bao vay mỗi nhà một triệu đồng để đóng góp vào làm con đường này. 

Ba máy trộn bê tông của cánh thợ xây cùng lúc nổ xình xịch. Bộ đội và dân xúm quanh. Người xúc sỏi, đong cát. Người khiêng xi măng, gánh nước đến. Toàn những việc nặng nhọc. Dân xóm lóng ngóng không quen làm những việc thợ nề này. Thế là bộ đội ào vào làm.

- Các bác tránh ra để bọn cháu làm cho.

- Bao xi măng này nặng lắm, mấy bác không vác được đâu, để cháu.

- Thôi, các bác đi gánh nước hoặc ra đằng kia chuẩn bị san gạt bê tông đi. Cứ để việc trộn vữa này chúng cháu làm. 

Tiếng các chiến sĩ bộ đội nói với các bà vợ của ba ông Bao, Phước, Hiên và vợ chồng hai người con ông Bao. Mấy người vội cầm cuốc, xẻng lui ra ngoài chờ. Một số lấy xô, thùng đi xách nước. 

Tiếng máy trộn bê tông rào rào. Tiếng cười nói râm ran. Mấy chiến sĩ người cầm thước, người cầm bàn xoa theo sự chỉ đạo của trung đội trưởng và ông Bao bắt đầu đặt thước làm khuôn đường chờ bê tông. Số còn lại đứng thành hàng từ chỗ máy trộn cho đến chỗ định đổ. Một lát sau, từng xô bê tông được chuyền tay nhau đưa tới những chiến sĩ đang cầm bay ngồi chờ. Bê tông được cán ra. Người lấy thước gạt phẳng. Một số lấy bàn xoa đập đập. Xi măng lên nước láng bóng. 

“Cho chỗ kia một xô nữa đi. Chỗ ấy hơi bị mỏng đấy. Nhớ cán cho đều nha. Chỗ này này, hơi bị lồi đấy. Lấy thước gạt ra đi. Gạt lấy mặt phẳng, dập dập lấy nước xi măng, sau đó dùng bàn xoa, xoa đều để mịn và đẹp. Thế! Thế! Cứ thế mà làm...”. Ông Bao hăng hái chỉ tay nhắc các chiến sĩ. Đúng là “có chức có trách” có khác. Ai bảo ông Bao cùn? 

Ở hai cụm máy trộn khác, ông Phước và ông Hiên cũng sốt sắng chỉ đạo. Vợ con các ông Bao, Phước, Hiên tự nhiên trở thành những người phụ việc cho bộ đội. Cứ hết một đống cát, sỏi, xong một đoạn đường, họ lại chuyển máy trộn sang đoạn khác. 

Không khí thi công đang nhộn nhịp thì chị Nguyệt, Bí thư Chi bộ cùng Trưởng thôn Lự tới. Họ dựng hai chiếc xe máy ven quốc lộ rồi cùng đi bộ tới chỗ mọi người đang đổ bê tông. Thấy ông Lự và chị Nguyệt, ông Bao chào từ xa: 

- Được Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn tới động viên xóm thế này thì còn gì bằng. Các vị thấy xóm tôi làm thế này được chưa? Hoành tráng không? Công trình chào mừng sinh nhật Bác Hồ, xây dựng nông thôn mới phải thế chứ lị.

Ông Bao hỏi với vẻ tự đắc. Chị Nguyệt và ông Lự vui vẻ cười. 

- Được đơn vị quân đội giúp đỡ thế này thì còn gì bằng. Đúng là quân với dân một ý chí bác Bao nhỉ!

- Thì vưỡn! - ông Bao hớn hở đáp.

Sau đó, ông Bao giới thiệu: “Đây là anh Tuấn, trung đội trưởng về giúp xóm hôm nay. Còn đây là cô Nguyệt, Bí thư Chi bộ, đây là bác Lự, Trưởng thôn của chúng tôi”. Ba người lần lượt bắt tay chào nhau. Chị Nguyệt nói: “Cảm ơn các đồng chí nhiều lắm. Các đồng chí giúp bà con thế này thì chả mấy mà có đường đẹp để đi”. Trung đội trưởng Tuấn đáp nhẹ nhàng: “Có gì đâu các bác, cấp trên quán triệt rồi, công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng là trách nhiệm của quân đội mà. Chúng cháu đóng quân ở đây cũng phải đóng góp một phần công sức chứ”. 

Trong lúc mọi người làm việc, ông Lự kéo tay ông Hiên ra một chỗ bảo: 

- Ông ra đây tôi nhờ tí!

- Có việc gì vậy trưởng thôn?

- Xóm ông nhờ được bộ đội. Sao mà tài thế?

- À, việc này là nhờ ông Bao đấy. Ông ấy quen một vị trong sư đoàn. Hồi trước hai ông cùng đơn vị. Ông này trước là lính của ông Bao đấy ông ạ. Hôm xóm chúng tôi bàn việc thi công con đường, ông Bao đề xuất nhờ bộ đội. Tôi hơi lăn tăn. Cấp xóm làm sao mà liên hệ được. Ông Bao hăng hái bảo để việc đó ông ấy lo. Hình như ông rất khoái cái chức trưởng ban điều hành xây dựng đường xóm thì phải...

Ông Hiên thì thầm kể. Đến lúc này, ông Lự mới cảm thấy quyết định giao việc này cho ông Bao của mình là sáng suốt. 

- Ông biết không? - ông Hiên kể tiếp - Hôm tôi với ông Bao vào đặt vấn đề với đơn vị, ông thủ trưởng là lính của ông Bao nhất trí liền. Anh ta nói với ông Bao: “Thủ trưởng yên tâm. Em sẽ cho quân ra giúp. Thực lòng chúng em về đóng quân ở đây mà chưa giúp gì được làng xã cũng áy náy. Nay phải để chúng em thể hiện tí chứ". 

Ông Lự gật gật đầu. 

- Các ông giỏi thật. Tôi cũng nghĩ đến việc này nhưng quả thực thấy ngại. Những lần trước thôn mình cũng đã nhờ bộ đội rồi nhưng toàn những tuyến chính. Giờ lại nhờ nữa, mà là tuyến phụ thì ngại lắm. 

- Nhưng hình như các đợt ấy là pháo binh hay sao đấy chứ?

- Đúng thế. Thôn mình với tiểu đoàn pháo binh kết nghĩa với nhau.

- Ông nguyên là sĩ quan pháo cối thì kết nghĩa với pháo binh là phải.

- Thì thế!

Xong câu chuyện với ông Hiên, ông Lự len giữa các chiến sĩ đi về phía cụm máy ông Phước. Tiếng các chiến sĩ chào hỏi râm ran. 

Máy trộn bê tông vẫn rào rào. Từng mẻ bê tông loáng vữa, đặc quánh được đùn ra. Đoạn đường ông Phước phụ trách là cốt đường cũ nên rất cứng. Chiếc máy trộn này bộ bánh còn rất tốt không như cái máy chỗ ông Bao bị xẹp lốp. Thế nên, theo chỉ đạo của ông Phước, nó được kéo xê dịch trên mặt đường theo mỗi mẻ trộn. Các chiến sĩ chuyển sỏi, cát khô đến, trộn xong thì máy đùn ra. Đùn xong, lại chuyển máy sang đoạn khác. Làm như thế không phải chuyển vữa, đỡ vất vả, đến đâu gọn đến đấy. 

Gần trưa, toàn bộ tuyến đường đã được trải bê tông phẳng lỳ. Những đoạn trải lúc đầu ban sáng có thể đi lại nhẹ nhàng được. Bộ đội rút quân. Ông Lự, chị Nguyệt, ông Bao, ông Phước cùng mọi người cảm ơn rối rít. Nhìn con đường sáng loáng trong nắng trưa, thơm mùi bê tông mới, ai nấy đều trầm trồ thích thú. Ông Phước phởn chí nói: 

- Mai đây, thằng nào định tán tỉnh con gái tao thì xin mời để dép tận ngoài đường quốc lộ. 

Tất cả cùng cười vui. Bà Phước nguýt yêu chồng: 

- Chỉ được cái nói phét. Khéo lại chẳng có ma nào nó rước.

- Mẹ cứ nói thế. Con cũng yêu cầu giống bố con đấy.

Cô con gái bà Phước đùa theo. 

Chợt tiếng một chiến sĩ từ đoàn bộ đội đang vác lá cờ ngoái đầu lại nói to: 

- Bố ưu tiên cho con nhé. Con sẽ để dép đầu đường bê tông này đi chân đất vào theo đúng yêu cầu của bố. Bố nhớ để con gái cho con đấy. 

Dứt lời, cả bọn cùng nhao nhao lên. “Bố để con”. “Bố để con”. “Nhất định con sẽ đến”. “Em ơi, chờ anh nhé!”… Con gái ông Phước cũng hướng về phía bộ đội nói to: “Em chờ! Em chờ!”. Tiếng cười nói vang lên rộn rã cả cánh đồng làng Cổ Cò. 

Người con cả của ông Bao thì nói: 

- Giá con đường này mà có trước lúc con làm nhà thì có phải đỡ bao nhiêu không nhỉ?

- Chả lại mơ - ông Bao tặc lưỡi - Nếu thế thì xe thằng Thịnh đã không bị đổ, anh cũng không bị mất gần nửa xe cát. 

Ông nhắc lại hôm đang xây thiếu cát, bố con ông đã gọi xe ô tô của Thịnh. Thịnh hỏi đường có vào được không, ông cam đoan là vào được. Vậy mà xe nó ẻn ẻn ra đến đoạn giữa cánh đồng thì bị “pa-ti-nê”. Càng rồ ga nó càng lún xuống. Sau rồi phải đổ ben, bỏ cát cứu xe. Thằng Thịnh văng tục, chửi thề ầm ầm. Ông Bao ngượng quá. May mà xe lên được. Nó quay đầu dông thẳng. Sau đó, bố con ông Bao phải túc tắc hót từng xe rùa cát, kéo vào chỗ xây. Vét mãi cũng chỉ lấy được có già nửa. Non nửa còn lại hóa bùn trong cái ruộng lầy nhà bà Năm. 

Sau khi bộ đội rút, Trưởng thôn Lự, Bí thư Chi bộ Nguyệt cùng kéo vào nhà ông Phước. Họ trò chuyện rôm rả. Ai cũng mừng về con đường sang xóm Ô Lâm đã hoàn thành. Dịch Covid-19 lui, đường mới hoàn thành. Làng Cổ Cò đã có thể ngẩng cao đầu với xã về tiêu chí chuẩn xây dựng nông thôn mới. Ngày sinh Bác Hồ cũng sắp tới rồi. Đúng là “đa hỉ lâm môn”. 
|
Ngoài kia, đoàn bộ đội đã ra tới quốc lộ. Tiếng cười nói của các chiến sĩ còn vọng mãi tới xóm Ô Lâm. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay. Băng rôn, khẩu hiệu ngời lên trong làn gió mơn man đầu hè. Con đường vừa đổ bê tông lấp lóa trong nắng. Mùi xi măng ngai ngái. Mấy con chim chìa vôi loi choi nhảy trên mặt đường để lại những vết chân bé xíu xinh xinh. 

Truyện ngắn của ​ĐỖ XUÂN THU

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đường mới