Bức tranh thiếu nữ

13/11/2017 10:05

Người ta, ai cũng trải qua nhiều chuyện buồn vui của cuộc đời với bao đa đoan thế sự. Cuộc sống vốn ngắn ngủi. Có người yên ổn, hạnh phúc, vui vẻ với hiện tại của mình.


Người ta, ai cũng trải qua nhiều chuyện buồn vui của cuộc đời với bao đa đoan thế sự. Cuộc sống vốn ngắn ngủi. Có người yên ổn, hạnh phúc, vui vẻ với hiện tại của mình. Có kẻ bất hạnh trong cuộc sống tình cảm, lao đao lận đận với miếng cơm manh áo. Cũng có người được cái này mất cái kia và ngược lại… Bỗng có lúc nào đó, người ta nhớ về thuở ấu thơ, thời niên thiếu và mối tình đầu với một người con gái mà ta đã từng yêu thiết tha, trong sáng.

- Cậu chẳng có “kỷ niệm” gì với  cô bé đó ư? Sau này nàng sẽ cho cậu là thằng ngốc! - “Sư phụ” tôi nói .

- Có… - Tôi gượng chống chế - Em đã nắm tay Hằng và hôn lên mái tóc…

- Có thế mà cũng khai… Nhưng cậu cũng thuộc loại khá đấy. Từ từ rồi sẽ tiến bộ thôi “đệ tử” ạ!

 “Sư phụ” tôi khoảng ngoài ba mươi tuổi, đẹp trai và phong độ. Anh là một nhà thơ kiêm họa sĩ. Bọn chúng tôi say mê anh như thần tượng và tung hê anh là đệ nhất tài hoa, đắc đào và kinh nghiệm, bởi anh đã từng trải và lăn lóc trong tình trường từ lúc còn ngồi ghế sinh viên.

- Tôi làm thơ là để tán gái đấy thôi. Tôi vẽ là vì mê người đẹp. Thế mà - Anh Thảo khẽ thở dài - Tôi vương vào cái nghiệp văn nghệ dứt ra không được. Mà làm thơ với vẽ xưa nay có giàu được đâu! Những cô bé mê tôi, khi lớn lên cứng cỏi rồi lại từ từ chán tôi. Tôi chỉ có mối tình đầu là đẹp nhất. Không tiền, không gạo, thế mà yêu nhau. Yêu say đắm giống như thần tiên không cần ăn uống cũng sống phây phây. Và cũng không dám vượt qua giới hạn tình yêu tinh thần dù cũng nhiều mơ, lắm mộng về nó!

Hồi đó, tôi là học trò của anh Thảo. Anh là giáo viên hợp đồng của trung tâm, chuyên “chạy sô” dạy vẽ cho các sinh viên vào năm cuối. Anh khá tiếng tăm trong giới hội họa.

…Nàng để trần nửa người, ngồi nghiêng nghiêng cho tôi vẽ. Phải năn nỉ, giải thích và thuyết phục nàng nhiều lần, Lệ Hằng mới chịu làm người mẫu. Tóc nàng dài phủ quá lưng, đen tuyền, mượt như suối. Khuôn mặt thanh tú với đôi mắt đẹp long lanh. Ngực nàng trắng như tuyết. Đôi cánh tay hơi gầy với những ngón búp măng thanh thoát, gác nhẹ trên những phím dương cầm. “Xong chưa? Anh vẽ lẹ lẹ đi… Chúa ơi! Sao em lại nghe lời anh… Chuyện này mà người ta biết được, chắc mắc cỡ chết quá!” - “Ráng chút xíu đi… gần xong rồi!”.

Tôi thật sự xúc động trước vẻ đẹp tuyệt vời của Lệ Hằng. Tôi áy náy và cảm động vì Lệ Hằng đã cố gắng làm theo yêu cầu của tôi mà không đòi hỏi gì cả. Bởi lẽ nàng yêu tôi. Nàng muốn cho tôi có tác phẩm nghệ thuật được sáng tác ra từ hiện thực sống động chứ không phải bằng trí tưởng tượng đơn thuần. Vì tôi, nàng đã dám làm một điều mà dưới cặp mắt và nhận thức của nhiều người là chuyện chẳng hay ho gì, thậm chí còn đáng xấu hổ. Ai đời, đàn bà con gái nền nếp lại cởi trần cho người ta vẽ! Gia đình nàng danh giá xưa nay. Bố nàng là người có địa vị trong xã hội. Mẹ nàng là một cô giáo nghiêm túc. Có nhiều lúc tôi muốn ôm cái thân thể đẹp như pho tượng nữ thần của nàng vào lòng... Nhưng những ý nghĩ “tà đạo” đó nhanh chóng thui chột, bởi vì với tôi, nàng là người đầu tiên tôi yêu tha thiết! Tôi phải làm được cái gì đó xứng đáng với tình yêu của nàng. Tôi phải có sự nghiệp, công danh. Tôi phải bảo đảm được cuộc sống hạnh phúc cho hai đứa. Tôi phải…

Lệ Hằng thỉnh thoảng nhắc tôi cái chuyện rất quan trọng của đời người - Chuyện cưới nhau. Thật tình tôi chưa muốn cưới vợ, dù rất yêu nàng. Tôi lần lữa: “… Để anh tính. Để anh có việc làm ổn định cái đã…”

Thời gian như con ngựa bất kham tung bờm phi nhanh, bỏ lại sau lưng nó những số phận con người, những thăng trầm thế sự. Người yêu tôi có chồng do sự mai mối của gia đình nàng. Tôi đã có lúc vò tai, bứt tóc không hiểu vì sao Lệ Hằng thay đổi nhanh chóng đến vậy. Tôi đem chuyện ấy hỏi “sư phụ” Thảo. Anh ấy chẳng xót thương tôi mà còn cười ha hả: “Tại cậu! Cậu không cưới nàng thì người khác cưới. Cậu không yêu nàng thì người khác yêu”. - “Em yêu… Lệ Hằng thật mà!”. Anh Thảo hỏi vặn lại tôi: “Cậu yêu nàng thật. Thế sao cậu không cưới người ta. Nhà cậu đâu có nghèo?”. Tôi lúng túng: “Em định… em định…”. Anh Thảo bỗng nghiêm giọng mắng tôi: “Cậu ngốc thật! Con bé đẹp người, đẹp nết như thế dễ kiếm lắm sao? Sau này, có khi cậu sẽ hối hận…”

Bây giờ thỉnh thoảng tôi có nhớ về Lệ Hằng. Bức tranh khỏa thân của nàng tôi vẫn còn giữ. Nhiều người trầm trồ nó. Có một vài người đòi mua, nhưng tôi không bán. “Tranh không bán” - Tôi dán dòng chữ ấy dưới góc bức tranh mỗi khi có dịp trưng bày triển lãm. Có đôi lúc tôi “hối hận” thật! Nhất là những lúc tôi cãi vã với vợ tôi. Những chuyện riêng tư này không khi nào tôi thổ lộ với Mai Trang, bởi tính cô ấy rất tự ái và hay ghen bóng gió.

Một hôm, tại phòng triển lãm tranh của tôi... Ngoài trời mưa lất phất. Có một người phụ nữ dáng thanh thoát, khoác tay một người đàn ông cao to, hồng hào đi vào. Đôi vợ chồng ấy rảo bước một vòng quanh phòng tranh, rồi dừng lại trước bức tranh bán thân của Lệ Hằng. Họ đứng khá lâu và chiêm ngưỡng bức tranh ấy. Họ bàn bạc với nhau và  người đàn ông đi lại chỗ tôi ngồi:

- Chào anh! Mary muốn mua bức tranh “Thiếu nữ” treo đằng kia. Vợ tôi rất thích nó…

- Xin lỗi ông! Bức tranh đó không bán!

Người đàn ông nhìn tôi. Anh ta nhã nhặn và lịch sự:

- Vâng! Tôi biết. Họa sĩ có viết chú thích phía dưới… Nhưng cô ấy thích quá! Tôi sẽ mua cho ông với giá tương xứng…

- Mong ông thông cảm. Đây là bức tranh mà tôi ưng ý nhất. Tôi muốn giữ nó như là một kỷ niệm…

Người đàn ông cố kỳ kèo:

- Tranh ông đề giá không có bức nào tới nghìn đô la. Tôi sẽ mua nó với giá cao hơn!

- Nếu ông bà ngưỡng mộ bức tranh này, tôi rất cám ơn và sung sướng vì có người nhìn được giá trị của nó. Tôi có thể tặng cho ông bà phiên bản của bức tranh, in cũng rất đẹp!

- Phiên bản ư? Cám ơn ông… - Người đàn ông lắc đầu từ chối: "Phiên bản thì đâu có hồn vía gì!”

Người đàn ông bắt tay tôi rồi đi lại nói gì đó với vợ ông ta. Ông ta trở lại và đưa cho tôi một tấm danh thiếp. Hai vợ chồng quay lại vẫy tay chào tôi rồi bước ra cửa phòng triển lãm. Trên danh thiếp có viết mấy dòng phía sau.

Thế rồi, vợ tôi nhập viện gần cả tháng vì căn bệnh thuộc về giới phụ nữ. Bệnh viện cho biết phải phẫu thuật mới mong cứu sống được cô ấy. Chi phí khá cao mà tôi thì không đủ khả năng. Sau khi gom góp và chạy vạy nhiều nơi, tôi chỉ có được hơn phân nửa số tiền dự kiến… Tôi sực nhớ đến tấm danh thiếp của cặp vợ chồng đến hỏi mua tranh hôm nọ. “Đến nước này thì phải bán nó thôi!” Tôi gửi email cho địa chỉ ghi trên danh thiếp qua Úc: “Tôi đồng ý bán bức tranh “Thiếu nữ” với giá 1.200 đô như lời ông bà đã hứa mua hôm nọ... Vợ tôi bệnh nặng. Nên tôi phải bán! Đây là sự thật. Chúc ông bà được nhiều sức khỏe”.

Bên ấy email trả lời đồng ý mua. Mấy ngày hôm sau có người lại giao tôi một phong bì. Tôi mở ra. Trong ấy có 1.500 đô. Tôi trả lại 300 đô cho người chuyển tiền. - “Xin ông nhận hết cho! Chúng tôi phải làm đúng theo dịch vụ được uỷ thác!”. Tôi giao bức tranh cho người đến trả tiền. Buổi tối, tôi mở máy vi tính thì nhận được thư điện tử bên Úc: “Họa sĩ Đình Vũ thân mến! Chúng tôi tặng thêm cho anh 300đô để chữa bệnh cho bà nhà. Xin anh hãy nhận lấy. Đó là tấm lòng thành thật của chúng tôi”. Tôi thật sự cảm kích vì nghĩa cử cao đẹp, hào phóng của đôi vợ chồng Việt kiều ấy. Tôi cũng nghe buồn trong lòng vì phải bán đi bức tranh mà tôi yêu quý. Tôi đã gìn giữ nó hơn hai mươi năm trời đằng đẵng với những buồn vui của cuộc đời mình… Thỉnh thoảng, đôi vợ chồng Mary và John Nguyễn có email về hỏi thăm sức khỏe của vợ tôi. Sau một thời gian tích cực điều trị, vợ tôi đã khỏi bệnh. Tôi cho những người bạn bên Úc hay, họ chúc mừng tôi.

Bẵng một thời gian khá lâu, tôi không có tin tức gì từ cặp vợ chồng ấy nữa. Một hôm, đi làm về tôi nhận được một giấy báo lãnh bưu phẩm. Tôi ra bưu điện để nhận Tôi rất ngạc nhiên. Bức tranh “Thiếu nữ” đã được gửi trả lại cho tôi với mấy dòng chữ viết tay rất quen thuộc mà tôi không thể lầm lẫn, dù đã trên hai mươi năm:

"Anh Vũ!

Anh John  Nguyễn - chồng em - đã bị tai nạn xe hơi mất rồi! Chính ảnh đã quyết mua bức tranh ấy cho em… Vì nó rất “giống em!”. Mỗi lần nhìn nó em buồn quá! Em đã mất mối tình đầu và cũng mất luôn hạnh phúc cuối cùng của mình. Em thấy không cần thiết phải giữ bức tranh này nữa. Anh đã gìn giữ nó bấy lâu nay. Anh trước đây là chủ nó… nên em giao trả lại, xem như em tặng cho anh! Ngày ấy, em giận anh. Nhưng bây giờ thì hết rồi!

Chúc anh vui vẻ và hạnh phúc.

Phố…. Australia, ngày… tháng… năm….

Lệ Hằng"


Thì ra người mua tranh hôm đó là Lệ Hằng. Tôi bỗng nhớ năm ngoái, hôm ở phòng tranh. Tôi đã mang máng, ngờ ngợ nhận ra Lệ Hằng. Tôi định kêu tên nàng… Nhưng rồi lại thôi! Tôi sợ bị nhầm lẫn như chính ngày đó tôi đã nhầm lẫn. Cứ cho là như vậy. Tôi đã không nhận ra giá trị của mối tình đầu mà Lệ Hằng đã dành cho tôi.

Tôi mở bức tranh ra, bồi hồi, xúc động nhìn người con gái trong tranh. Tôi thấy lại đôi mắt trong veo, thơ ngây của Lệ Hằng nhìn tôi thuở ấy. Đôi mắt như muốn nói với tôi nhiều điều... Những kỷ niệm tình yêu lại quay về. Và, như một ảo giác, tôi thấy Lệ Hằng đang nghiêng nghiêng, dáng thanh thoát, ngồi làm người mẫu cho tôi vẽ bức tranh “Thiếu nữ”.


Truyện ngắn của ĐẶNG HOÀNG THÁM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bức tranh thiếu nữ