Bơi trong mơ

16/09/2018 07:09

Mấy đêm liền Sương thức trắng, đặt mình nằm xuống là trằn trọc, những liều thuốc an thần không giúp cô ru mình trọn vẹn trong những giấc ngủ, cho dù chồng cô đã để lại khoảng trống riêng cho vợ, tự mang chăn gối ra phòng khách một mình.



Mấy đêm liền Sương thức trắng, đặt mình nằm xuống là trằn trọc, những liều thuốc an thần không giúp cô ru mình trọn vẹn trong những giấc ngủ, cho dù chồng cô đã để lại khoảng trống riêng cho vợ, tự mang chăn gối ra phòng khách một mình. 

Bác sĩ bảo Sương không có vấn đề gì về sức khỏe, có chăng là tâm lý của cô đang trục trặc bất thường. Cần nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng, lạm dụng thuốc thang quá sau này sẽ không tốt cho cơ thể. Nhất là khi tuổi Sương còn trẻ, tương lai phía trước còn dài. Nhưng từ hôm đứa con gái đầu lòng không còn, vợ chồng cô như cũng mất đi phần tương lai phía trước.

Sau ngày con bé mất Sương như người vô hồn, đêm đến lại lục tung đống quần áo của con gái, ngồi mân mê từng đường kim mũi chỉ. Cô mở xem những đoạn video mà hai vợ chồng quay lại ngày sinh nhật con gái, gợi nhớ về ánh mắt và nụ cười của con, như thể con bé còn ở đâu đó trong căn phòng, ngồi búi tóc cho mấy cô nàng búp bê bé bỏng. Con gái Sương mê búp bê lắm, cả phòng có cả thảy hơn chục con, đầy đủ kích thước.

Từ ngày con bé mất, chồng Sương quyết định khóa căn phòng ấy lại một thời gian để Sương vơi dần đi nỗi nhớ con. Bởi mỗi khi sang căn phòng riêng của con bé, Sương lại ngồi xâu xé nỗi đau bằng những hoài niệm. Lúc thì Sương đem đống quần áo của con gái mang đi giặt, rồi ngồi mân mê cả buổi không màng ăn uống. Khi lại thay váy đầm cho những cô nàng búp bê, lúc lại ngặt nghẽo ôm những tấm hình của con rồi khóc...

Hôm người ta tìm thấy xác con bé trương phình dưới giếng, tay nó còn ôm chặt con búp bê có mái tóc ánh hồng, cứ ôm khư khư như vậy, như không muốn rời bỏ người bạn thân thường ngày của mình. Sương chỉ nghe người nhà kể lại, lúc vợ chồng cô về tới, con bé đã được người ta đưa vào nằm giữa căn nhà của bố mẹ chồng cô. Ông bà sống với nhau, có được mụn cháu nội mà chẳng may vắn số. Tưởng đưa cháu về quê cho nó hưởng không khí yên bình, dân dã, ai dè đó cũng là lần cuối ông bà được nhìn thấy con bé cười.

Chiếc giếng không rộng lắm, nó được xây từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, lúc bố mẹ chồng Sương mới cưới nhau về mảnh đất ấy đã có chiếc giếng ở đó. Thành giếng được xây bằng những tảng đá ong gồ ghề, rồi cứ thế mà xây thành vòm, được cái nước trong vắt quanh năm. Cạnh chiếc giếng là cây bưởi, giống bưởi Diễn Châu mà ông phải cất công đi xa mới chiết được một cành về ươm trồng. Cây bưởi năm nào cũng sai quả, hoa bưởi trắng ngần, hương thơm phảng phất quyện đều trong mái tóc đen nhánh và cả giấc ngủ yên bình. Bố mẹ chồng quý Sương, mỗi mùa bưởi mẹ chồng cô đều tỉa những cánh hoa, gửi lên thành phố cho con dâu gội đầu. Có khi là ít bồ kết với chút sả, mẹ chồng đều gửi lên, để con dâu và cháu nội được tắm những thứ tự nhiên nhất có thể. Chẳng thế mà da dẻ đứa cháu nội của ông bà lúc nào cũng trắng hồng, mềm mại và mịn như những cánh hoa...

Sương nhớ tháng ấy hoa bưởi nở nhiều, ngát thơm cả góc vườn, song những cánh hoa trắng ngần tỏa hương không xoa dịu được nỗi đau trong lòng cô lúc ấy. Nhất là khi nhìn vào nụ cười của con gái trong di ảnh, cô càng không đành lòng.

Mẹ chồng cô hốc hác đi nhiều, là do hôm đó bà bất cẩn, nếu bà không mải ra vườn ngắt vài nhánh sả, thêm vài nhánh lá hương nhu để về đun nước tắm cho cháu gái, có lẽ con bé sẽ không thành ra như vậy. Bà cứ thế tự trách mình, thảng thốt gọi tên con bé giữa đêm, mặc gió mưa ngoài trời như gào thét.

Trong khi Sương một mực đòi đưa con gái về thành phố, thác cốt vào chùa thì mẹ chồng cô lại tìm mọi cách để con bé được nằm lại nơi làng quê vốn dĩ yên bình. Có thể như vậy sẽ khiến bà thêm nhẹ lòng, để chiều chiều bà lại ra ngôi mộ nho nhỏ, nằm lạc giữa những khóm hoa đủ sắc màu, bà sẽ thủ thỉ kể cho đứa cháu nội của bà nghe những câu chuyện cổ tích, hát ru những bài hát nhẹ nhàng, mùi mẫn như để chuộc lỗi lầm mà chính bà đã gây ra. 

Suốt những ngày Sương ở đây, ra vào mẹ con chạm mặt nhưng cả hai không nói với nhau nửa lời. Bà cúi gằm mặt xuống, ngồi bó gối trong buồng, lắng nghe tiếng khóc của Sương thẽ thọt, như những giọt máu rỉ ra nơi trái tim khô héo của bà. Biết phải nói với con dâu thế nào, một lời xin lỗi suông đâu thể là xong cho tất cả mọi đau đớn...

Chồng Sương cũng cảm thấy khó xử vô cùng. Mất con ai mà không xót. Một bên là vợ, một bên là mẹ, anh như người đứng giữa ngã ba đường, rẽ qua lối nào cũng là nỗi đau, là những giằng xé. Nhưng cứ để mọi chuyện xảy ra như thế chỉ khiến tình cảm mẹ chồng, nàng dâu bao năm tốt đẹp trở nên ngang trái, dâu bể. Anh đành là người hòa giải, mỗi lời nói là những đắn đo, để nỗi đau của người ở lại nhanh chóng nguôi ngoai. Chuyện xảy ra ngoài ý muốn, những người trong cuộc hiểu điều đó hơn bất cứ ai.

Hôm vợ chồng Sương chuẩn bị về thành phố, bà thức cả đêm không chợp mắt, bà ngồi ngắm di ảnh đứa cháu nội, để tâm bà thanh thản phần nào, cũng là để bà can đảm mà nói lời xin lỗi với con dâu. Nhưng rồi lúc Sương về, bà cũng chẳng kịp nói với cô một lời xin lỗi. Nước mắt bà cứ tuôn chảy như mưa, tay bà níu vạt áo Sương, tiếng nấc như át đi cả những lời giã từ khe khẽ. Bà đứng chôn chân ở đó, mãi tới khi bóng vợ chồng Sương khuất lấp sau lũy tre làng. Ông dìu bà vào trong nhà, đỡ bà ngồi xuống, lấy cho bà chén trà xanh còn nóng. Đôi tay bà run rẩy, bà đấm ngực thầm trách ông trời bất công, sao nỡ để bà phải dằn vặt mình những ngày tháng còn lại của đời người ngắn ngủi.

Bà vẫn đến chùa thắp hương khấn Phật như những ngày nào, không kể ngày rằm hay mùng một đầu tháng. Sư thầy khuyên bà nên ăn chay niệm Phật, để cháu nội bà có thể siêu thoát mà đầu thai ở một kiếp khác hạnh phúc hơn. Bà nghe sư thầy khuyên, lòng thầm mong đứa cháu nội được siêu thoát, không oán trách bà, để bà thôi không tư lự, biết đâu một hôm nào đó trái gió trở trời, lỡ bà có nằm xuống cũng an lòng mà nhắm mắt xuôi tay.

*

Hai năm rồi kể từ ngày đứa cháu nội mất, cây bưởi cạnh chiếc giếng chẳng ra hoa. Vài ngày nữa là đám giỗ của nó, lấy đâu ra những cánh bưởi thơm để bà đem ra mộ, đặt ngay ngắn quanh chiếc di ảnh nhỏ xíu xiu như lòng bàn tay, chắc thể nào con bé cũng trách móc. Ông không mấy khi tin vào những chuyện tâm linh ma quỷ. Nghe bà huyên thuyên vài lời là ông gạt tay đi. Ngay cả chuyện cứ gần đến đám giỗ của đứa cháu nội vắn số, bà đều mơ thấy con bé trở về, trên tay là con búp bê có mái tóc ánh hồng, đầu nó đội vòng hoa được tết từ những chùm hoa bưởi. Con bé không nói gì, chỉ nhìn bà cười rồi nắm lấy tay bà chỉ ra cây bưởi cạnh chiếc giếng nơi con bé trượt chân té xuống. Rồi con bé biến mất, không để lại gì ngoài những cánh hoa bưởi rụng càng lúc càng nhiều, trắng loang khoảng đất trống dưới chân bà.

Ông chưa bao giờ tin những điều bà nói. Ngay cả khi bà lén ông đi xem bói ở nhà cô đồng có tiếng mãi ngoài Móng Cái trở về, bà lựa lời khuyên nhủ ông lấp cái giếng lại, với lý do mỗi lần nhìn cái giếng là tim bà như thắt quặn, ông vẫn một mực nói bà ngoan cố, bảo thủ. Chiếc giếng như báu vật từ những ngày ông bà còn nghèo đói dắt díu nhau về sống trong ngôi nhà đắp bằng tường đất, mái lợp bằng rạ rơm tạm bợ qua ngày. Chiếc giếng là nguồn nước nuôi sống bao gia đình trong xóm, đâu thể nói lấp là lấp được. Cháu nội chẳng may mà ngã xuống, ông bảo bà cứ coi như con bé đi tắm, đừng đặt nặng vấn đề quá mà đâm ra suy nghĩ lung tung. Bà đuối lý với ông, chẳng bao giờ nói trước mặt ông về cái giếng nữa.

Cũng hai năm rồi Sương không về làm đám giỗ cho con. Chỉ có chồng cô tranh thủ về với con gái một hai ngày rồi lại đi. Tâm lý Sương vẫn chưa ổn định, hằng tháng vẫn phải đến phòng tư vấn của bác sĩ. Ông bà cũng đành thông cảm cho con dâu, lựa lời mà nói với con trai để nỗi đau ấy có thể theo thời gian mà nguôi ngoai, để những người ở lại nhẹ nhõm sống tiếp chuỗi ngày dông dài. Song có lẽ khoảng cách giữa hai người đàn bà ngày càng giãn xa hơn, chỉ có lặng im trong những câu chuyện dở dang khi nhắc nhớ về. Bà muốn mở lời, nhưng lại sợ chỉ làm con dâu thêm ác cảm. Vậy là bà đành im lặng, như chính bà cũng muốn chôn chặt nỗi đau cứ được đà là ngoi dậy bất cứ lúc nào.

*

Mấy hôm nay bà cứ thấy khó chịu trong người, đau khắp mình mẩy. Nhiều khi bà muốn thức dậy sớm, tranh thủ ra vườn để lục tìm trong vòm lá xanh tốt những cánh hoa bưởi trắng ngần, chẳng đầy vài ngày nữa là đến đám giỗ của cháu gái. Nhưng càng cố vươn mình ngồi dậy, khắp người lại càng đau quặn hơn, tưởng như chính cơ thể già yếu đang chống cự lại bà, không như điều bà mong muốn.

Giường bên ông đã thức dậy tự khi nào. Chăn gối đã xếp gọn gàng. Bà cố bám víu lấy thành giường ngoi dậy, dò dẫm bước ra vườn tìm ông, cơn gió cuối tháng ba còn bảng lảng, buôn buốt, đầu óc bà quay cuồng, choáng váng, mắt bà tối sầm lại, bà ngã gục ngay phía giữa sân. May mắn thay ông về kịp đưa bà đi cấp cứu ở bệnh viện.

Bác sĩ nói bà chỉ hơi mệt do suy nghĩ quá nhiều. Bà cần nghỉ ngơi. Ở độ tuổi của bà, tốt nhất nên lạc quan và vui vẻ, chứ lo âu toan tính không tốt chút nào. Ông đưa bà về, cố gắng giúp bà vượt qua những ưu phiền mà suốt mấy năm qua bà tự chuốc vào mình, tự cho mình quyền được đau khổ, ông chỉ biết đứng và quan sát, chẳng biết phải giúp bà bằng cách nào. Bà luôn là người như vậy từ xưa đến giờ, ông thừa hiểu tính bà nên ông không muốn bà phật ý.

Tỉnh lại sau lần ấy, chân tay bà như yếu đi khá nhiều, mỗi lần di chuyển phải nhờ đến sự trợ giúp của chiếc gậy mà ông ngồi cả buổi đẽo gọt. Ông lặng yên quan sát những bước chân của bà, ông ước sao mình có thể gánh cho bà những suy tư dằn vặt không đáng có ấy để bà có thể thanh thản mà vui sống như dạo trước đây.

*

Bà nói với ông bà muốn lên chùa nương nhờ cửa Phật. Bà muốn dành phần cuối của đời mình cầu nguyện cho đứa cháu nội. Chỉ có như thế may ra sau này có nhắm mắt bà mới yên lòng. Bà nói bà sẽ đi, đó là ước nguyện cuối cùng mà bà mong muốn có được, hy vọng ông đồng ý. Ông nghe xong không biết nói gì, mắt ông nhìn về phía xa xăm ấy, trong lòng trào dâng bao cảm xúc không thể nói thành lời.

Vợ chồng Sương nghe tin mẹ muốn xuất gia nên cũng tức tốc về. Sương vẫn không nói gì nhiều, cô chỉ ngồi và quan sát mẹ chồng, dò xét từng cảm xúc của bà. Dù trong lòng, từ lâu cô đã chẳng còn để bụng chuyện cũ. Chồng Sương đưa cô về, muốn hai mẹ con hàn gắn tình cảm, và biết đâu mẹ anh sẽ suy nghĩ lại mà thay đổi quyết định. Nhưng suy cho cùng, lòng bà đã quyết, chẳng ai có thể ngăn cản, ngay cả ông cũng thế.

*

Vợ chồng Sương và ông tiễn bà nơi cửa chùa, sư thầy ra đón bà, dò hỏi tâm nguyện của bà có thật sự thành khẩn mà hướng Phật hay không. Bà rành rọt trả lời rồi quay mặt lại nhìn gia đình mình trước khi bước theo sư thầy vào nương nhờ nơi cửa Phật... Bà thành tâm rồi, bụi trần gần như không vướng bận, chỉ có tâm nguyện về đứa cháu nội bà mãi còn dở dang.

*

Từ ngày xuất gia, nương tựa nơi cửa chùa, tâm bà mỗi ngày như phần nào thêm thanh thản, nhẹ nhõm, an lạc vô cùng. Bà ngủ sâu giấc hơn sau mỗi đêm tụng kinh cùng sư thầy nơi chánh điện. Những giấc mơ về đứa cháu nội cũng vơi bớt dần. Chỉ duy nhất một lần, trước ngày giỗ của nó, bà mơ thấy con bé trở về, tay vẫn ôm khư khư con búp bê có màu tóc ánh hồng, đầu vẫn đội vòng hoa kết từ những bông bưởi trắng. Nó tiến lại gần bà, nắm chặt tay bà như chẳng muốn rời đi. Đột nhiên nó kéo tay bà sát lại miệng giếng rồi nhảy xuống, hai bà cháu cứ thế quẫy đạp dưới nước mà bơi đi, bơi trong tiếng cười giòn tan và ngập tràn hương thơm của những bông bưởi trắng ngần tỏa mùi thơm ngan ngát, dịu ngọt...

Truyện ngắn của SONG NINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bơi trong mơ