Bến đỗ

27/07/2019 11:09

Con chim phải có tổ, cũng như mỗi người chúng ta phải có một gia đình. Đây cũng là việc chúng ta tri ân những người có công với nước, với dân.



Cuộc “vượt cạn” của chị Phượng, con dâu bà Bưởi thành công mĩ mãn. Bà Bưởi là người đầu tiên đón tay thằng cháu đích tôn. Ở quê, việc đón tay đứa trẻ sơ sinh quan trọng lắm. Người ta kén người có đức độ, tháo vát, đông con nhiều cháu. Nhưng với bà Bưởi điều đó không quan trọng. Việc Phượng sinh cho bà một thằng cu đã là phần thưởng cao quý mà ông trời ban tặng cho bà rồi. Ơn trời, thằng bé ăn khỏe, ngủ tốt. Đó là những ngày thần tiên nhất của cuộc đời bà, của gia đình bà. Từ ngày có cháu, tự nhiên mọi sinh hoạt trong gia đình bỗng trở nên nhẹ nhàng. Đi lại nhón gót, nói năng thầm thì như... buôn bạc giả. Hôm nay, bà Bưởi nhìn thằng cháu đang say sưa giấc nồng mà nước mắt ứa ra. Lòng bà quặn thắt vì nỗi nhớ chồng. Có cái gì đó gai gai trong người. “Giá như ông ấy còn sống đến ngày này…”. Bà Bưởi đưa mắt nhìn khắp căn phòng quen thuộc, từ cái bàn cái ghế, đến cái rương đựng thóc, đều thấp thoáng bóng dáng người chồng thân yêu.

Đó là mùa xuân năm 1955, chị Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh xuống làng Man, vừa chúc Tết vừa mở cuộc vận động đặc biệt. Số là sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, nửa nước được hòa bình. Nhưng chiến thắng ấy cũng phải trả giá bằng nhiều thương binh. Chị Chủ tịch hội nói khá dài trước hội nghị toàn đàn bà con gái. Chung quy xoay quanh việc uống nước nhớ nguồn, việc đền ơn đáp nghĩa. Cuối cùng, chị kết luận: “… Con chim phải có tổ, cũng như mỗi người chúng ta phải có một gia đình. Đây cũng là việc chúng ta tri ân những người có công với nước, với dân. Làng Man ta được vinh dự đón mười hai đồng chí thương binh. Chị em nào tình nguyện lấy làm chồng, xin đăng ký”. Trong cuộc sống, người ta dành nhiều lời khen, lời thán phục tới những người thương binh. Nhưng hoan hô, cổ vũ bằng lời nghe có vẻ dễ dàng. Còn giáp mặt với thương tật, để rồi ăn đời ở kiếp với nhau xem chừng lại là chuyện khác. Bởi phải gánh cái gánh nặng mà mình có quyền từ chối. Chị Chủ tịch hội phổ biến luôn cách “chọn" chồng. Những cô gái chưa chồng, những người đàn bà gẫy gánh nhìn nhau. Ngạc nhiên và là lạ. Người làng Man chưa quen lấy chồng kiểu này. Im lặng. Chị Chủ tịch nhắc lại lần nữa. Những cái cắn môi suy nghĩ. Ngày ấy, Bưởi là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, 22 tuổi, chưa chồng. Với cương vị của Bưởi phải gương mẫu. Mọi người đang nhìn vào chị. Bưởi xung phong đầu tiên. Người khác tiếp theo. Mười hai người tình nguyện. Chị Chủ tịch hội rất phấn khởi. Chị thông báo tuần sau sẽ đưa các đồng chí thương binh về. Người đàn bà thôn quê thường không nhiều tham vọng. Họ ước ao có một người đàn ông yêu thương đi cùng mình đến mãn chiều xế bóng. Không mong được chở che. Không mong được nương tựa. Chỉ cần cùng nhau mỉm cười khi hạnh phúc. Nắm chặt tay nhau lúc khó khăn. Đơn giản vậy thôi.

Đúng hẹn, chị Chủ tịch hội cùng 12 thương binh về làng Man. Tất cả thương binh nằm trên cáng, phủ vải trắng kín từ cổ đến chân. Những người con gái làng Man lần lượt bước lên nhận từng chiếc cáng. Sau khi nhận hết, bộ phận tư pháp làm giấy hôn thú. Lúc đó người ta mới biết tên tuổi của chồng. Một đám cưới tập thể cho 12 cặp vợ chồng diễn ra ngay tại Ủy ban Hành chính xã. Đám cưới theo đời sống mới. Trọng thể và cảm động. Rồi từng chiếc cáng được chuyển về nhà vợ. Khi ấy người vợ mới thật sự biết thương tật của chồng mình ra sao.

Chồng Bưởi tên là Phấn, 30 tuổi, người Quảng Trị. Phấn bị cụt cả hai chân, đến giữa đùi. Vết thương chưa lành hẳn. Bắt đầu từ hôm nay, Bưởi phải đặt sự bình an của cái gia đình nhỏ bé này lên hàng đầu. Ngày tháng cứ trôi. Bưởi bận rộn hơn, tất bật hơn. Ngoài công tác phụ nữ ở xã, Bưởi phải quần quật ngoài đồng trên thửa ruộng phần trăm đến lúc không còn phân biệt được màu đất dưới chân. Buổi tối lại đến lớp bình dân học vụ. Và cũng rất tự nhiên, tính tình Bưởi trở nên mềm mỏng, ngọt ngào và nín nhịn mỗi lần Phấn cáu bẳn vô lý. Bưởi hiểu rằng người chồng đang mặc cảm tự ti. Tính Phấn cẩn thận chu đáo nhưng lại rất nhạy cảm. Tâm hồn Phấn như sợi tơ mỏng mảnh, chỉ cần một làn gió nhẹ thổi qua cũng rung lên muôn ngàn âm thanh. Cái âm thanh ấy chỉ mình Bưởi hiểu qua ánh mắt, qua cái nhíu mày của chồng. Phấn tỏ ra bực bội về những lời ong tiếng ve, những ánh mắt đầy vẻ thương hại, coi thường. Phấn lo sợ đến một lúc nào đó, Bưởi cũng nhìn anh như thế. Cái cảm giác của kẻ tàn tật, ăn bám khiến anh trở nên trầm lặng ít nói. Anh tự hỏi: “Liệu mình còn chịu được bao lâu nữa?”. Nhưng Phấn lại không nỡ nhìn người vợ vất vả, khổ sở vì mình. Hơn một lần Phấn đề nghị chia tay: “Anh cùng đồng đội đi chiến đấu để mang lại hạnh phúc ấm no cho mọi người. Thế mà riêng em lại không được hưởng điều đó. Em có thấy bất công không?”. Bưởi như không để ý, không quan tâm đến lời Phấn nói. Mười hai người đàn bà xóm Man, cả tổng Bình An, cả nước này biết bao người đàn bà như Bưởi, họ có kêu ca gì đâu. Từng bước, từng bước, dịu dàng và kiên quyết, Bưởi buộc Phấn phải thay đổi ý nghĩ. Nhiều đêm thấy chồng thao thức thở dài, Bưởi ao ước có một phép màu nhiệm để nhìn rõ xem chồng đang nghĩ gì. Bưởi luôn tin rằng tình thương yêu của người vợ sẽ làm trái tim người chồng ấm lại. Hóa ra ở đời chỉ cần có lòng tin và quyết tâm thì cuộc sống tốt đẹp sẽ mở ra. Dẫu sao Phấn vẫn còn đôi tay và cái đầu minh mẫn. Hơn nhiều người thương binh khác. Phấn bắt đầu tập làm việc trên chiếc xe lăn. Bắt đầu từ việc nhỏ như quét nhà, nấu ăn đến việc lớn như kéo nước từ giếng lên đổ vào vại, cuốc đất. Nhớ lần đầu Phấn tự vào nhà tắm. Lát sau Bưởi nghe một tiếng “huỵch” như người bị ngã. Bưởi hốt hoảng chạy vào. Bưởi nhìn chậu nước, nhìn cái khăn và hiểu ra sự việc. Nền nhà tắm trơn quá. “Có đau không anh? Thôi, để em giúp cho”. Phấn gạt tay vợ: “Giờ chẳng có gì khiến anh đau được”. Thấy chồng vất vả quá, Bưởi xót xa. Một đêm, Bưởi thủ thỉ: “Em định xin nghỉ công tác để có thời gian chăm sóc gia đình”. Phấn tá hỏa: “Vớ vẩn. Mọi việc đang tiến triển tốt đẹp. Sao phải nghỉ?”. “Nhưng em lo cho sức khỏe của anh”. Phấn cười: “Cảm ơn em. Anh khỏe rồi. Em có nhớ câu: Thương binh tàn nhưng không phế của Bác Hồ không? Anh đang làm theo lời Bác dạy đó. Đừng lo cho anh”.

Bốn năm trôi qua. Vết thương của Phấn đã lành hẳn. Phấn cũng đã quen với công việc ruộng nương, công việc gia đình trên chiếc xe lăn. Thời gian và hành trình của đời sống vợ chồng, vừa yêu vừa tìm hiểu, cộng với công việc đồng áng đã khiến Bưởi gầy và già hơn. Vệt quầng trên mắt như đậm hơn. Cũng có thể không phải là già mà là đằm thắm mặn mà hơn, từng trải lo toan hơn. Đâu chỉ riêng Bưởi, những cô gái tình nguyện lấy chồng thương binh năm nào vẫn còn nguyên vẹn. Dẫu hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, nhưng nhìn chung là êm ấm. Có người đã sinh hai đứa con. Nhìn chồng vượt qua thương tật để làm việc, lòng Bưởi ấm lại. Bưởi bảo: “Từ ngày có anh, em như có động lực làm việc, chứ trước đây chả làm việc gì đến đầu đến đũa”. Phấn cười: “Em mới là bà chủ trái tim anh”. Đêm ấy trời đổ mưa. Không khí mùa đông rét mướt. Nhưng Bưởi và Phấn lại thấy ấm nồng da thịt. Những tiếng thì thầm nho nhỏ. Những giọt mưa rơi trên tàu lá điểm nhịp. Đêm ấy họ thuộc về nhau. Ngọt ngào và hạnh phúc. Tuần trăng mật của hai người giờ mới bắt đầu sau bốn năm thành vợ thành chồng. Năm sau, Bưởi sinh con trai. Phấn đặt tên con là Thương. Bưởi bảo: “Con trai tên Thương nghe mềm yếu quá. Em sợ cuộc đời nó sẽ khổ”. Phấn giải thích: “Khổ hay sướng là do mình. Anh muốn kỷ niệm thời gian chúng mình thương nhau”.

Nam Bắc thống nhất được vài năm, cứ tưởng sẽ được mãi mãi sống trong hòa bình, được mưu cầu hạnh phúc ấm no. Nào ngờ tiếng súng lại rền vang nơi biên giới. Bắt đầu từ phía tây nam của Tổ quốc, sau lan dần lên biên giới phía Bắc. Cả đất nước như sôi lên. Thanh niên lớp lớp lên đường. Nhiều người vừa cởi tấm áo còn vương mùi thuốc súng, lại lập tức mặc vào.  ược tạm hoãn vì đang học đại học năm thứ hai, lại là con duy nhất của một thương binh hạng 1/4. Nhưng lá đơn tình nguyện của Thương đã làm ban tuyển quân xiêu lòng. Bà Bưởi không dám cản bước con trai. Cái thằng đã quyết là làm cho bằng được. Y như tính bố nó. Ngày chồng mất, đất dưới chân bà như sụp xuống. Bầu trời như chao đảo. Nhìn thằng Thương đang tuổi ăn tuổi học, bà phải cố chèo chống đứng dậy. Bà sống vì con. Và cũng tự khẳng định mình. Buổi Thương lên đường, bà Bưởi cầm tay con: "Chúc con chân cứng đá mềm”. Thương gật đầu: “Con cảm ơn mẹ. Thế mẹ không ra đình tiễn con à?”. Nghe con hỏi, người mẹ đắng họng, nước mắt chỉ muốn trào ra: Không. Mẹ còn mấy sào ruộng chưa cấy, để mai sợ mạ già quá lứa”. Thực ra bà Bưởi không đi cấy. Người mẹ không chịu nổi khi phải nhìn đứa con yêu quý đi vào nơi hòn tên mũi đạn. Bà sợ nước mắt của mình sẽ ảnh hưởng đến tinh thần mọi người. Bà Bưởi giả bộ đi cấy. Bà ra gốc đa đầu làng, đứng nép mình nơi khuất, lặng lẽ tiễn những đứa con ưu tú nhất của làng Man ra mặt trận. Bà cầu trời, khấn phật phù hộ cho những chàng trai chiến thắng trở về.

Đúng là Thương trở về thật. Khỏe mạnh và rắn rỏi. Thương trở về sau 5 năm quân ngũ. Chỉ tiếc rằng khuôn mặt đẹp trai và đôi mắt sáng đã bỏ lại mảnh đất biên giới. Kẻ thù tàn độc đã dùng súng phun lửa phóng vào hang, nơi bộ đội ta phòng thủ. Bà Bưởi ôm con, nước mắt nhạt nhòa. Những giọt nước mắt ấy bà phải nén nhịn theo bước chân con từng tháng từng ngày. Bà như không nghe thấy con trai nói: “Con biếu mẹ bộ áo quần mới. Lâu lắm rồi chỉ thấy mẹ mặc trên người màu nâu và đen”.

Giống như người cha thuở trước, Thương tập làm mọi việc trong nhà để mẹ khỏi vất vả. Rồi anh tự học chữ nổi. Thương tham gia vào Hội Người mù thành phố. Cứ thế vừa học vừa làm, chục năm sau Thương được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch hội. Cái tin Thương có người yêu, tên cô là Phượng, một cô gái mạnh khỏe xinh đẹp bay đến tai bà Bưởi. Lo lắng và mừng vui. Hôm Thương đưa Phượng về ra mắt, bà Bưởi thăm dò: “Lấy chồng thương binh là khổ lắm. Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay cháu ạ. Bác đã từng qua. Bao vất vả nhọc nhằn của người vợ làm sao người ngoài hiểu hết. Có thế hạnh phúc gia đình mới được bền chặt”. Không phải suy nghĩ lâu, Phượng thưa: “Con nói câu này nếu có gì không phải xin bác bỏ quá. Ngày xưa bác lấy chồng thương binh là vì tri ân, vì tình thương. Còn chúng con bây giờ trước tiên là vì tình yêu. Con nghĩ kỹ rồi. Con nguyện làm đôi mắt cho anh Thương trọn đời”.

Có tiếng xe máy nổ xình xịch ngoài sân. Rồi tiếng bước chân quen thuộc của Phượng. “Mẹ cứ để mọi việc cho con. Con làm được mà...”.

Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bến đỗ