Tôi gặp chị Liên nơi phố huyện Cẩm Giàng

21/07/2019 06:53

Không hiểu sao hình ảnh đoàn tàu để thương, để nhớ trong tôi nhiều đến thế.

Không hiểu sao hình ảnh đoàn tàu để thương, để nhớ trong tôi nhiều đến thế. Trên hành trình từ Nam ra Bắc, tôi nhớ có lần đứng trên mảnh đất xứ Đông ngắm đoàn tàu chuyển bánh rời ga, sân ga xôn xao phút chốc rồi lại chìm vào yên ắng lạ thường. Tôi thấy mình sao giống chị Liên, em An trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam. Tôi nhớ cái ga xép nhỏ nằm giữa mênh mông đồng ruộng nơi phố huyện Cẩm Giàng xơ xác, nghèo nàn những năm tháng trước cách mạng, nhớ cái phiên chợ tàn có cô hàng xén, có cái cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu thuê lại của một bà lão móm ngăn ra bằng tấm phên nứa có dán giấy nhật trình. Nơi đó có chị Liên hiền thảo, chị mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Tôi đã từng gặp chị trong giấc mơ, chuyến tàu đưa tôi vào thế giới văn chương đẹp, êm đềm như cổ tích. Hình như tôi đã xuống tàu, trong một chiều cuối tuần phố huyện lất phất mưa, hoàng hôn buông lơi trên xóm chợ nghèo đã vãn.

Chị Liên vẫn ngồi đó, trên cái chõng kêu kẽo kẹt vì cũ kỹ. Chị rót cho tôi cốc nước chè tươi còn nóng hổi để uống cho ấm bụng. Chúng tôi lặng nhìn ra sân ga, không ai nói với nhau một lời nào. Tôi hỏi chị đợi ai? Chị nói chị đợi chờ ký ức. Tôi nhớ rồi, đợi chuyến tàu đêm vụt qua vốn dĩ là thói quen của chị Liên từ cái ngày gia đình chị rời Hà Nội về sống ở phố huyện nghèo nàn này.

Thời gian trôi qua kẽ lá, phố huyện chìm vào bóng đêm. Con tàu đi qua để lại một không gian vắng lặng đến nỗi tôi có thể nghe thấy tiếng ếch nhái kêu râm ran ngoài đồng ruộng, tiếng ve sầu mùa hạ trên cây bàng inh ỏi. An đã ra kia rồi, cái bóng nhỏ xíu của em lúc khuất vào ngõ con, lúc lại hiện ra bóng em ngả nghiêng xuống vùng đất pha lẫn cát sáng lấp lánh. Chị Liên bảo hôm nay mẹ không ra, chị với em An sẽ trông hàng, cố thức đợi chuyến tàu đêm đỗ khách tại ga Cẩm Giàng vừa để bán vài món hàng lèo tèo, vừa để nhìn cho thỏa thuê cái nguồn sáng mà chị em chị mong ngóng mỗi ngày. Chị kể cho tôi nghe về tuổi thơ của chị. Ngày đó, cứ mỗi chiều chủ nhật chị em chị lại được ba mẹ đưa đi dạo Hồ Gươm, được ăn quà vặt, được uống nước sấu mát tận ruột gan. Hà Nội đẹp lắm! Chị nói vậy, tôi khẽ nhìn vào mắt chị, đôi mắt trong trẻo của chị rưng rưng như sắp khóc, lòng chị Liên đang sống về những năm tháng xa xưa...

Thôi, đừng buồn chị Liên ạ! Tàu sắp tới rồi, tôi biết tàu đến là chị Liên lại vui, bé An lại reo lên. Niềm vui ấy dẫu chỉ thoáng qua phút chốc nhưng khoảnh khắc lại vô cùng thiêng liêng. Tàu Hà Nội về Hải Dương xình xịch đi vào sân ga Cẩm Giàng. Quên cả tôi, chị Liên kéo tay An đứng dậy bước ra khỏi mái hiên ngẩng mặt nhìn cho kỹ đoàn tàu. Tàu dừng ít phút, nhưng sao thời gian trôi nhanh quá, chị Liên ngắm nhìn chưa thỏa lòng tàu đã vội lăn bánh rời khỏi sân ga. Hai chị em nhìn con tàu. Tàu đi rồi. Phố huyện đìu hiu lại chìm trong tăm tối. Tôi đứng tần ngần trên sân ga, con tàu đi vào trong khoảng vắng mờ xa…

… Gió. Là gió thật. Nhưng không phải là gió từ cánh đồng lồng lộng thổi ngang qua ga Cẩm Giàng, mà là gió Huế ngọt ngào thoảng hương sông nước trầm mặc thênh thang. Đoàn tàu tôi đợi đã chạy qua mất rồi, về phương Bắc… Chị Liên cũng đã chìm vào trong thanh yên. Đời đổi thay, phố huyện Cẩm Giàng giờ ít nhiều thay da đổi thịt. Chị Liên của tôi, em An của tôi, những con người bé nhỏ của tôi giờ đã ngủ yên trong lòng trang sách. Cả Thạch Lam nữa, người đã về với đất, để lại cho đời con chữ, đoàn tàu và mùa gió lạnh se da… Nhưng mỗi lần giở trang văn của Thạch Lam, tôi lại thấy có một chuyến tàu nào đó vụt ngang qua trước mắt, còi tàu ngân vọng trong lòng, kéo dài trong hư vô. 

Tản văn của HOÀNG KHÁNH DUY

(0) Bình luận
Tôi gặp chị Liên nơi phố huyện Cẩm Giàng