Tổ quốc ở biên cương...

28/09/2016 08:09



Trong lòng mỗi người dân Việt Nam hai tiếng Tổ quốc đồng nghĩa với giang sơn, với non sông đất nước. Khi nhìn lên bản đồ chữ S có nhà thơ đã ví: “Dáng đất nước giống như nàng tiên múa/Lại hóa thành ngọn lửa lúc cuồng phong”. Dáng hình đất nước mềm mại như một tà áo dài duyên dáng, lại có đường biên giới cả trên bộ và trên biển. Vì thế biên cương và hải đảo luôn là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

Lại nhớ cánh đây 75 năm sau bao năm bôn ba hải ngoại Bác Hồ trở về nước, Người đã dừng lại ở cột mốc 108 tỉnh Cao Bằng và cúi xuống thân thiết hôn lên hòn đất Tổ quốc. Một cử chỉ ngỡ như bình thường nhưng chứa đựng trong đó bao tình cảm sâu nặng, bao khao khát yêu thương khi được bước vào lòng Tổ quốc. Hòn đất nhỏ ở biên giới nóng ấm trong tay Người, mang cả hồn nước, khí thiêng của non sông, thấm biết bao máu xương của các thế hệ cha ông, của mấy ngàn năm lịch sử. Từ buổi “Các Vua Hùng có công dựng nước” đến chúng ta giành lại nước và Bác Hồ đã khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình bằng bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ. Tuyên ngôn đã khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thật đã thành nước tự do, độc lập”. Cũng như thế kỷ thứ X Lý Thường Kiệt đã đọc bài thơ thần trên phòng tuyến sông Như Nguyệt chống giặc Tống với hào khí: “Nam quốc sơn hà nam đế cư...”. Vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi năm 1428 đã chấp bút khởi thảo áng văn hùng hồn kiệt xuất “Bình Ngô Đại Cáo” thay lời Bình Định vương Lê Lợi kết thúc cuộc kháng chiến chống giặc Minh giành độc lập cho Đại Việt đã tuyên bố: “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần/Bao đời xưng nền độc lập”.

Tổ quốc ở biên cương là chập chùng núi non, sông suối, là mây biên giới mang theo hơi ấm ngọn khói của những bếp lửa nhà sàn, là tiếng mõ trâu thủng thẳng đi về trải dài thung lũng, là những thửa ruộng bậc thang đẹp như một tấm thổ cẩm dệt nên muôn sắc màu bằng bàn tay kỳ diệu của con người. Là những phiên chợ vùng cao đậm bản sắc văn hóa dân tộc chung chiêng vành ô với điệu khèn bè trầm bổng, là những cột mốc như hàng tiêu binh phân định đất đai. Đó là biên cương của lòng người. Biên cương Tổ quốc không chỉ là đường biên giới mà ở đó còn là biểu tượng cho hình hài, thần thái, khí phách tâm hồn của non sông đất Việt. Lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc phần phật bay trong gió lộng ở đỉnh cao cột cờ Lũng Cú luôn là niềm kiêu hãnh, thế đứng khẳng định chủ quyền đất đai, sông núi. Lá cờ mang linh hồn của Tổ quốc trong gió lộng của thời đại để nâng “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.

Tổ quốc ở biên cương mang theo sắc màu áo lính biên phòng. Những người lính quân hàm xanh ngày đêm không quản hiểm nguy, trèo đèo lội suối, thức dõi thâu đêm để canh phòng, giữ bình yên bản làng, thôn xóm. Với các anh, mỗi ngọn cỏ nơi đây cũng mang sắc biếc quê nhà. Có một chiều biên giới ngân vọng vang xa giai điệu mênh mông thiết tha trong lời ca: “Chiều biên giới em ơi/Có nơi nào cao hơn/Như đầu sông, đầu suối/Như đầu mây, đầu núi/Như trời mây biên cương”. Biên cương đã thân thiết thành máu thịt như đất đai quê nhà, bởi chính nơi đây là phần nhạy cảm  của cơ thể  cường tráng tràn đầy sinh lực huyết mạch của Tổ quốc.

Ba Đình nắng ấm trời thu cách đây 71 năm là nắng sáng của lòng người hân hoan. Hân hoan với bao màu cờ sắc áo, hân hoan của niềm vui tự do, độc lập. Nắng Ba Đình đã lan tỏa, sáng bừng đến cả những dãy núi chập chùng như một thế trận liên hoàn. Tổ quốc ở biên cương chính là: “Biên giới Tổ quốc tôi thân thiết bàn tay/Khi xòe ra chảy thành những dòng sông/Khi  nắm lại thành chiến hào căm giận…”

Tản văn của NGUYỄN NGỌC PHÚ

(0) Bình luận
Tổ quốc ở biên cương...